Tìm giải pháp xử lý xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình

Thời gian qua, tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình trên địa bàn cả nước lại tái diễn phức tạp, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải khách của các doanh nghiệp, hợp tác xã chính danh mà còn gây mất trật tự hoạt động vận tải khách, trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT).

Tọa đàm tìm giải pháp xử lý “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình.

Tọa đàm tìm giải pháp xử lý “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình.

Làm thế nào để xử lý "xe dù", "bến cóc", xe hợp đồng trá hình? Đó cũng là lý do chính để Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm vào ngày 24-2 tại TP Đà Nẵng để cùng nhau tìm giải pháp xử lý tình trạng này.

Tái diễn tình trạng “xe dù”, “bến cóc”

Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, tình trạng xe vận tải hành khách tuyến cố định đã và đang dần bỏ bến xe để ra ngoài chạy lòng vòng tìm khách, gom khách hay còn gọi là “xe dù” ngày càng gia tăng rất đáng ngại, đặc biệt là ở các đô thị lớn, làm cho số lượng hành khách vào các bến xe giảm mạnh với mức giảm từ 20% - 50% so với trước, không chỉ khiến cho nhiều bến xe rơi vào tình cảnh khó khăn, thua lỗ, phá sản… mà còn làm phát sinh các “bến cóc” gây mất trật tự hoạt động vận tải khách, ANTT, trật tự an toàn xã hội (TTATXH), ảnh hưởng đến văn minh mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, xe hợp đồng trá hình ngày càng phát triển mạnh với số lượng hiện nay ước tính lên đến 175.000 xe, trong đó, khó kiểm soát nhất là loại xe Limousine (xe cải tạo từ loại xe 16 chỗ ngồi thành loại xe 10 đến 12 chỗ ngồi); xe hợp đồng trá hình thường xuất phát rất sớm để đón khách, do chạy quá sớm đường vắng nên lái xe thường chủ quan phóng nhanh dẫn tới nguy cơ gây ra TNGT và thực tế trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe hợp đồng trá hình. Gần đây nhất là vụ TNGT xảy ra vào 2 giờ khuya ngày 14-2 tại địa bàn tỉnh Quảng Nam giữa xe hợp đồng trá hình mang biển kiểm soát 76B-00660 chở 21 hành khách với xe tải đầu kéo, làm chết 9 người và bị thương 12 người.

Đâu là nguyên nhân?

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, trước hết là về phía chủ quan của các đơn vị kinh doanh vận tải. Cụ thể, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải có quy mô nhỏ, nhiều đơn vị là các HTX dịch vụ hỗ trợ, hoạt động theo cơ chế khoán, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải còn rất chậm hoặc thiếu nguồn lực để đầu tư. Do lượng hành khách vào bến xe có xu hướng giảm mạnh nên càng làm gia tăng tình trạng xe chạy tuyến cố định chạy vòng vo đón khách, vì vậy không đảm bảo thời gian vận hành như đã định; một số xe thu tiền dịch vụ không đúng với giá vé đã niêm yết tại bến xe gây bức xúc cho hành khách, hiện tương sang nhượng (chuyển tải khách) vẫn còn diễn ra thường xuyên trên đường; doanh nghiệp bến xe và đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình hoạt động vận tải khách. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó trưởng Phòng Quản lý phương tiện – người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) còn do mật độ bến xe tại các địa phương thấp, nhiều địa phương có xu hướng di chuyển bến xe ra xa khu vực trung tâm dẫn đến không thu hút được hành khách và phương tiện xe khách vào bến xe, thêm vào đó, một số bến xe có mức thu/chuyến xe khách xuất bến quá cao so với mặt bằng chung nên đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều doanh nghiệp vận tải bỏ xe tuyến cố định tại các bến xe, ra ngoài chạy xe hợp đồng trá hình làm gia tăng tình trạng “xe dù”, “bến cóc”. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Bắc Giang chia sẻ thêm: Các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực vận tải hành khách hiện hành có một số nội dung chưa phù hợp với tình hình thực tế; quy định đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải truyền dẫn dữ liệu về cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành nhưng việc sử dụng dữ liệu này để phục vụ hậu kiểm, kiểm tra xử lý vi phạm chưa tương ứng với yêu cầu, cụ thể như: việc cấp phép hoạt động cho xe hợp đồng nhưng sau đó không có lực lượng kiểm tra và xử lý vi phạm; chưa khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe để phát hiện và xử lý vi phạm đối với các trường hợp xe chạy tuyến cố định nhưng thực chất là xe hợp đồng trá hình…

Các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng phối hợp kiểm tra một trường hợp vận chuyển hành khách.

Các lực lượng chức năng TP Đà Nẵng phối hợp kiểm tra một trường hợp vận chuyển hành khách.

Giải pháp và kiến nghị

Để xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình, ông Đỗ Xuân Hoa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ 2008, trong đó, sửa đổi Điều 83 với nội dung bỏ quy định UBND cấp tỉnh quy định giá dịch vụ xe ra vào bến xe, để bến xe được kê khai giá theo quy định của Luật Giá như các loại hình kinh doanh khác; định nghĩa rõ về loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các địa phương nghiên cứu ổn định Quy hoạch các bến xe theo hướng các bến xe cần được bố trí ở nơi thuận tiện để thu hút xe và hành khách vào bến, tăng tính kết nối giữa xe khách tuyến cố định với xe buýt và các phương tiện vận tải khác, từ đó, để các doanh nghiệp kinh doanh bến xe khách yên tâm đầu tư, khai thác bến xe theo hướng hiện đại, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút hành khách và xe vào bến xe…

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó trưởng Phòng Quản lý Vận tải - Phương tiện - Người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, các cơ quan chức năng cần tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào công tác quản lý, theo dõi phương tiện, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, phạt “nguội” để xử lý “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình. Ông Nguyễn Văn Mạnh- Phó Tổng Giám đốc Công ty Bến xe tàu phà Cần Thơ đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam tham mưu trình Bộ GTVT sớm ban hành quy định về chế tài để xử lý các trường hợp xe khách tuyến cố định bỏ bến xe ra chạy ngoài trái quy định và không đảm bảo biểu đồ chạy xe hoạt động trên tuyến; đặc biệt là các cơ quan chức năng như Công an, Thanh tra GTVT cần tăng cường công tác TTKS, phát hiện và xử lý nghiêm “xe dù”, “bến cóc”, xe hợp đồng trá hình. Theo ông Nguyễn Văn Thành - Phó Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế nên giao thẩm quyền kiểm tra xử lý “bến cóc” từ cơ quan Thanh tra GTVT về cho chính quyền địa phương sẽ hợp lý hơn. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Bắc Giang kiến nghị các bến xe cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phục vụ văn minh lịch sự, an toàn, có đủ các tiện ích và giá cả dịch vụ hợp lý để thu hút hành khách và xe khách vào bến xe, nhất là tạo thuận lợi và đáp ứng đủ nhu cầu cho các doanh nghiệp vận tải đăng ký vào bến xe và mở văn phòng đại diện tại bến xe, nhất là không nên có thêm những quy định làm tăng chi phí và gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải khách.

PHÚ NAM

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tim-giai-phap-xu-ly-xe-du-ben-coc-xe-hop-dong-tra-hinh-post273794.html