Tìm hiểu một số ngôi chùa ở Hội An, Quảng Nam

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các ngôi chùa Hội An vẫn giữ nguyên nét đẹp, trang nghiêm và cổ kính, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế cũng như nhân dân địa phương.

Tác giả: Đặng Việt Thủy

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, là một phố cổ có lịch sử từ lâu đời, luôn mang đến một vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc. Kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng, còn gọi là Chúa Tiên (1525 - 1613) vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi kiêm nhiệm trấn thủ Quảng Nam, ông đã rất chú trọng đến Hội An, xem đây là cửa ngõ quan trọng của dinh trấn Quảng Nam. Hội An không những có vị trí yết hầu về quân sự, quốc phòng mà còn là nơi lý tưởng để phát triển kinh tế, văn hóa, giao lưu buôn bán với nước ngoài.

Ngay từ cuối thế kỷ XVI, Chúa Tiên đã có những chính sách ưu đãi, khuyến khích thương khách nước ngoài đến đây lập phố buôn bán, giao thương. Lúc đầu các thương khách ngoại quốc đến Hội An lập phố chủ yếu là người Nhật và người Hoa.

Cuối thế kỷ XVI, ở Hội An đã có phố của người Hoa, gọi là phố Khách, sang thế kỷ XVII thương khách người Nhật đến đây lưu trú, lập thêm phố Nhật. Phố Khách và phố Nhật được coi là trung tâm của thương cảng Hội An. Từ đó, việc buôn bán ở Hội An ngày càng sầm uất, tấp nập. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và có lối sống theo tập tục riêng.

Thời các chúa Nguyễn sau này, hai khu phố đó vẫn được duy trì. Tuy mỗi phố, mỗi cộng đồng người (Việt - Hoa - Nhật) có nếp sống riêng, tập tục riêng, nhưng với đặc thù là "phố làng", trong phố có làng nên mối quan hệ ở đây theo lối làng xã, thân thiện, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau.

Đi đôi với phát triển về kinh tế, văn hóa, Hội An cũng là nơi du nhập nhiều tôn giáo lớn, điển hình là Thiên chúa giáo và Phật giáo. Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Đàng Trong nói chung và Hội An nói riêng. Từ thời chúa Nguyễn Hoàng (chúa Tiên), chúa Nguyễn Phúc Nguyên (Chúa Sãi) đến chúa Nguyễn Phúc Thái (Chúa Nghĩa), chúa Nguyễn Phúc Chu (Quốc Chúa) đều rất cọi trọng đạo Phật.

Thời chúa Nguyễn Phúc Thái (Chúa Nghĩa) đã mời sư Nguyễn Thiều (Siêu Bạch thiền sư) từ phủ Quy Ninh (Bình Định) ra Thuận Hóa khai đại giới đàn và mời thêm một số danh tăng từ Trung Quốc sang. Sau khi chứng đàn ở Thuận Hóa, có hai vị hòa thượng người Thanh là Minh Hải hòa thượng và Minh Lượng hòa thượng vào Hội An. Thấy đây là đất an lành có thể hoằng dương đạo pháp nên hai vị hòa thượng quyết định ở lại dựng chùa tu tập. Sư Minh Hải khai sơn chùa Chúc Thánh, sư Minh Lượng khai sơn chùa Vạn Đức.

Từ hai ngôi chùa Chúc Thánh và Vạn Đức, dần dần có nhiều ngôi chùa khác cũng được hình thành ở Hội An. Việc ra đời của hệ thống chùa làng do nhân dân tự tạo dựng nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình, các tộc họ hàng còn mời các nhà sư về làm lễ siêu độ cho tổ tiên.

Chúa Nguyễn Phúc Chu sau này đã cho mời lão tăng Thích Đại Sán sang giúp chúa trong vấn đề an bang trị quốc. Chúa đã cùng sư Thích Đại Sán đi vân du nhiều nơi trên đất nước, đề bản sắc phong cho nhiều ngôi chùa, trong đó có Hội An. Năm 1719 chúa Nguyễn Phúc Chu đã cùng nhà sư Thích Đại Sán đến Hội An mở pháp hội để hoàn nguyện và truyền Bồ tát giới cho hơn 300 người dân địa phương.

Để rõ hơn việc đạo Phật được coi trọng và thịnh hành ở Hội An, chùng ta cùng tìm hiểu một số ngôi chùa được xây dựng trên vùng đất này.

Chùa Chúc Thánh

Chùa Chúc Thánh thuộc phường Tân An, thành phố Hội An, cách trung tâm phố cổ Hội An chừng một km. Dân gian thường gọi là Tổ đình Chúc Thánh. Chùa Chúc Thánh nổi tiếng bởi là nơi khai sinh ra chi phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế. Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII thời chúa Nguyễn Phúc Thái, theo mô hình chữ "tam", chịu ảnh hưởng phong cách kiến trúc truyền thống Trung Quốc và Việt Nam. Chùa có nhiều tượng lớn, chạm trổ cầu kỳ. Ở chính điện thờ Tam Thế Phật, Di Lặc, Thập bát La Hán, trước sân có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.

Ngoài ra trong chùa có còn có nhiều ngôi tháp của Tổ sư Minh Hải, thiền sư Thiết Thọ (đời 35), Ấn Bích (đời 39), Thiện Quả... Tháp mộ của Tổ sư Minh Hải cao 12 mét như một biểu tượng nhằm đề cao người có công tạo dựng ra ngôi chùa cũng như truyền bá thiền phái Lâm Tế vào xứ Đàng Trong.

Ảnh: St

Ảnh: St

Chùa Vạn Đức

Chùa Vạn Đức tọa lạc tại thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thành phố Hội An. Chùa là một trong những ngôi chùa cổ thuộc thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An. Chùa được xây dựng trên khu đất có diện tích hàng ngàn mét vuông, ở bờ nam sông Cổ Cò. Như trên đã nói, Tổ khai sơn chùa Vạn Đức là thiền sư Minh Lượng, quê ở Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc.

Nửa cuối thế kỷ XVII, thiền sư sang Việt Nam, sau khi tham dự giới đàn ở Thuận Hóa, thiền sư vào cư ngụ ở Hội An, được một Phật tử hiến cúng khu đất tại thôn Đồng Nà, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), nên thiền sư lập một thảo am nhỏ để tu hành, dần dần xây dựng một ngôi chùa có quy mô lớn lấy tên là Lang Thọ tự, chùa Cây cau, sau đổi tên là chùa Vạn Đức.

Tại đây, thiền sư chuyên tâm thiền định, giảng dạy Phật pháp cho các môn đồ, đã đào tạo nhiều đệ tử có cống hiến cho Phật giáo Quảng Nam. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là lần trùng tu vào năm 2019.

Ảnh chụp từ trên cao, nguồn ảnh: VTV

Ảnh chụp từ trên cao, nguồn ảnh: VTV

Chùa Cầu (chùa Nhật Bản)

Cầu cổ duy nhất ở Hội An là cầu "Lai Viễn". Cầu được người Hội An quen gọi là chùa Cầu, một di tích quen thuộc đã trở thành biểu tượng của đô thị Hội An hơn 400 tuổi. Cầu bắc ngang con lạch chảy ra sông Thu Bồn. Chùa được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII do các thương nhân Nhật Bản thực hiện.

Ảnh: St

Ảnh: St

Chùa Cầu là một di tích có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc. Mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu dài 18 mét. Chùa và cầu đều làm bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ.

Tương truyền đó là những con vật mà người Nhật sùng bái thờ tự từ cổ xưa. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm hạnh phúc cho con người, thể hiện khát vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi điều tốt đẹp. Chùa được trùng tu vào các năm 1763, 1817, 1865, 1915, 1986 và gần mới nhất là từ tháng 12 năm 2022 đến năm 2024.

Chùa Bà Mụ

Chùa Bà Mụ nằm ngay trung tâm phố cổ Hội An, gần với chùa Cầu, là một trong những di tích nổi tiếng được xây dựng từ lâu đời, đóng vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân Hội An. Chùa thuộc phường Minh An, thành phố Hội An.

Ảnh: St

Ảnh: St

Trước kia chùa có tên là Cẩm Hà Cung và Hải Bình Cung, sau đó gọi là chùa Bà Mụ. Chùa gồm một ngôi nhà ba gian làm Điện, khoảng sân rộng là Tam Quan chùa, cùng với một nhà bia trước Điện và hai nhà trù bên cạnh nhà bia. Gian chính giữa trong điện là Hải Bình Cung, nơi thờ cúng đức Thiên Hậu Thánh Mẫu, phụ thờ 12 bà mụ cùng với tượng hai vị thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ được thờ ở phía trước. Cẩm Hà Cung nằm ở gian trái, là nơi thờ đức Bảo Sanh Đại cùng tượng 36 vị tôn thần. Gian còn lại là nơi thờ cúng Thổ Kỳ và Tổ đình Minh Hương. Chùa có cổng tam quan với lối kiến trúc ấn tượng mang đậm phong cách Á Đông. Trước cổng chùa có một hồ sen rộng lớn nước trong vắt, rất đẹp và nên thơ.

Chùa Phước Lâm

Chùa tọa lạc tại phường Cẩm Hà, thành phố Hội An do sư Tổ Minh Lượng (một trong hai vị sư đến Hội An đầu tiên) khởi dựng vào cuối thế kỷ XVII để thờ Phật. Chùa được xây dựng theo phong cách Á Đông cổ, trên mặt bằng hình chữ U gồm có các hạng mục tam quan, sân, chính điện, nhà đại đường, nhà thờ Tổ. Chính điện xây ba gian hai trái, hai bên là hai lầu chuông, mái lợp ngói âm dương. Trong nhà đại đường còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như bộ bình bát của sư Tổ Minh Lượng, những bản kinh Phật khắc gỗ.

Ảnh: St

Ảnh: St

Chùa Phước Lâm là một di tích tôn giáo góp phần làm phong phú loại hình kiến trúc Phật giáo và quá trình truyền bá ảnh hưởng của Phật giáo ở Hội An.

Chùa Ông (miếu Quan Công)

Chùa Ông tọa lạc tại phố Trần Phú, thành phố Hội An, là một trong những kiến trúc cổ tiêu biểu cho các loại hình kiến trúc độc đáo của đô thị cổ Hội An. Miếu Quan Công - hay chùa Ông theo cách gọi của người Hội An được xây dựng khoảng năm 1653 thờ Quan Công (Quan Vân Trường) một vị tướng thời Tam Quốc của Trung Quốc, một tấm gương về lòng trung hiếu tiết nghĩa.

Ảnh: St

Ảnh: St

Chùa Ông được xây theo kiểu chữ "quốc" do nhiều nếp nhà hợp lại. Nhà có kết cấu vì kèo, các nếp nhà mái lợp ngói ống có men màu, bờ nóc được gắn hoa chanh đắp hình rồng, nghê bằng các mảnh sứ màu. Chùa còn lưu giữ được một số hiện vật quý như: biểu sắc phong, 30 bức hoành phi, hơn 10 bộ câu đối, tượng Quan Công, Quan Bình, Châu Thương và nhiều văn bia, các bài thơ Đường của các danh sĩ răn dạy lòng yêu nước, trung hiếu tiết nghĩa.

Chùa Phước Kiến (Hội quán Phước Kiến)

Chùa Phước Kiến còn gọi là Hội quán Phước Kiến, do nhóm người Phước Kiến (Trung Quốc) đến Hội An sinh sống tạo dựng nên vào năm 1759 ở số 46 đường Trần Phú, trung tâm Hội An. Hội quán này là nơi thờ thần, tiền hiền và họp đồng hương của những người Phước Kiến.

Ảnh: St

Ảnh: St

Đây là một công trình nguy nga tráng lệ, vừa tinh xảo vừa sâu lắng. Hội quán có kiến trúc kiểu chữ "tam" kéo dài từ đường Trần Phú tới đường Phan Chu Trinh (sâu 120 mét) theo các thứ tự: cổng - sân - hồ nước - cây cảnh - hai dãy nhà đông và tây - chính điện - sân sau - hậu điện. Chính điện thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu (nữ thần cứu người đi biển gặp nạn), Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, ba Bà chúa sinh thai và 12 Bà Mụ. Trong chùa còn có nhiều tượng thờ, trống đồng, chuông đồng, lư hương lớn, 14 bức hoành phi và nhiều hiện vật có giá trị khác.

Chùa Quảng Đông (Hội quán Quảng Đông)

Chùa Quảng Đông còn gọi là Hội quán Quảng Đông do người Quảng Đông (Trung Quốc) sống ở Hội An xây dựng năm 1855 tại số 176 phố Trần Phú, thành phố Hội An. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ "quốc", đồ sộ, hoành tráng. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như bốn bức hoành phi lớn, một lư trầm lớn bằng đồng cao 1,6 mét, đường kính 0,6 mét, một cặp đôn sứ men ngọc Trung Quốc... và nhiều tư liệu quý về cộng đồng người Hoa sống ở Hội An.

Ảnh: St

Ảnh: St

Chùa Viên Giác

Chùa Viên Giác tọa lạc ở số 34 đường Hùng Vương, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Chùa Viên Giác nguyên là chùa làng có tên là chùa Cẩm Lý, là ngôi chùa cổ thuộc hệ phái Bắc Tông, có lịch sử lâu đời và mang đậm giá trị tâm linh với cư dân địa phương. Vào năm Triệu Trị 1841, do đất của chùa nằm sát bờ sông nên bị lở, chùa được di dời về địa điểm hiện nay (phường Cẩm Phố). Năm 1990, chùa trải qua một lần đại trùng tu, chùa mang phong cách hiện đại, nhưng vẫn lưu giữ được đặc trưng phong cách Á Đông.

Ảnh: St

Ảnh: St

Chùa Pháp Bảo

Chùa tọa lạc ở số 7 đường Hai Bà Trưng, Hội An, cách trung tâm phố cổ chưa đầy 1 km. Chùa Pháp Bảo là công trình độc đáo mang nét đặc trưng của của phong cách nhà cổ, thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa có khuôn viên rộng lớn, nhiều cây xanh. Chùa được xây dựng trong những năm 1980 - 1984.

Ảnh: St

Ảnh: St

Trong khuôn viên chùa Pháp Bảo, khu vực Điện Phật được bài trí rất trang nghiêm, chính giữa thờ đức Phật Thích ca thuyết pháp, ngoài ra phía trước đặt tượng Bồ tát Di Lặc và đức Phật A Di Đà.

Chùa Hải Tạng

Đây là ngôi chùa cổ linh thiêng nẳm trên Cù Lao Chàm, Hội An, được xây dựng từ năm 1758 thời Cảnh Hưng, do sự nỗ lực của Hương Hải thiền sư phá núi để lập nên một nơi trú ẩn. Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ dành cho ngài và một vài đệ tử. Đến đời đệ tử thứ tư, chùa được mở rộng hơn với sự đóng góp của nhân dân và được đặt tên là Hải Tạng. Đến năm 1848 chùa Hải Tạng được di dời về vị trí hiện nay. Chùa tọa lạc sát chân núi phía tây của đảo Hòn Lao, lưng tựa vào núi, mặt nhìn ra một thung lũng nhỏ là cánh đồng lúa duy nhất của Cù Lao Chàm. Đến nay chùa ít có sự thay đổi về kiến trúc, bên trong ngôi chùa còn khá nguyên vẹn.

Ảnh: St

Ảnh: St

Với kiến trúc cổ kính giữa thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành, chùa Hải Tạng không những là nơi thực hành tâm linh của người dân địa phương mà còn là điểm đến thu hút đông đảo du khách khi đến thăm Hội An.

Chùa An Lạc

Chùa An Lạc tọa lạc bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An 4 Km, thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Chùa do Hòa thượng Thích Hành Sơn khai sơn vào năm 1966. Ban đầu chùa chỉ là một am nhỏ thô sơ. Dần dần phật tử tu học ngày càng đông, hòa thượng đã mở trường học Bồ Đề và nhà nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ nhỡ.

Trải qua thời gian, chùa An Lạc đã được trùng tu, mở rộng và trở thành một trong những ngôi chùa lớn của Hội An.

Kết luận

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các ngôi chùa Hội An vẫn giữ nguyên nét đẹp, trang nghiêm và cổ kính, trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế cũng như nhân dân địa phương. Những ngôi chùa này không chỉ là nơi thờ phụng tâm linh mà còn là những minh chứng lịch sử, văn hóa của đô thị Hội An - Di sản văn hóa thế giới.

Tác giả: Đặng Việt Thủy

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tim-hieu-mot-so-ngoi-chua-o-hoi-an-quang-nam.html