Tìm hướng phát triển bền vững cho các tỉnh Bắc Trung Bộ

Ngày 24-7, tại TP Huế diễn ra hội nghị 'Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số: Những vấn đề đặt ra với địa phương, doanh nghiệp' nhằm giúp các địa phương Bắc Trung Bộ nắm bắt và vận dụng trong đề xuất xây dựng chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 24-7, tại TP Huế diễn ra hội nghị “Hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số: Những vấn đề đặt ra với địa phương, doanh nghiệp” nhằm giúp các địa phương Bắc Trung Bộ nắm bắt và vận dụng trong đề xuất xây dựng chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành với các địa phương miền Trung góp phần phát triển KT-XH bền vững cho khu vực này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành với các địa phương miền Trung góp phần phát triển KT-XH bền vững cho khu vực này.

Hội nghị với sự tham gia của ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cùng lãnh đạo 6 tỉnh Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế) cùng đại diện các bộ, ngành và quốc tế.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá Việt Nam đang bước vào thời kỳ chiến lược mới, đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hơn bao giờ hết, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với công nghệ số, hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả đòi hỏi sự nỗ lực đồng hành của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN). Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang có nhiều chuyển biến mới, phức tạp và khó lường. Cụ thể, kinh tế thế giới tăng trưởng trì trệ với nhiều rủi ro bất trắc. Nhiều tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2019 xuống 2,6 - 3,2%. 70% nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại. CMCN 4.0 đặt ra nhiều vấn đề mới phải xử lý.

Năm 2019 đánh dấu giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Sau gần 35 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới (GDP 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6,76%). Nước ta hiện là tâm điểm của mạng lưới kết nối 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 59 đối tác, mở ra các cơ hội mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2019, Việt Nam bước vào giai đoạn thực thi các cam kết quốc tế then chốt, như FTA Asean- Trung Quốc, FTA Asean Hồng Kong và các FTA thế hệ mới. Việt Nam nằm trong nhóm nước đầu tiên triển khai hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có quy mô cam kết rộng và cao nhất từ trước đến nay. FTA Việt Nam - EU ký kết cuối tháng 6 vừa qua được EU đánh giá là FTA tham vọng nhất mà EU từng thỏa thuận với một nước đang phát triển. “Việc tham gia các FTA thế hệ mới này là những đột phá quan trọng của hội nhập quốc tế nước ta, tạo ra cơ hội thúc đẩy kinh tế đối ngoại và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường”- ông Sơn đánh giá.

Tuy nhiên theo ông Sơn, những cơ hội của nền kinh tế có độ mở cao hàng đầu Đông Nam Á, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nhất là tham gia các FTA thế hệ mới cũng đặt nước ta vào vị trí có thể bị cạnh tranh mạnh hơn, bị tác động nhanh hơn trước những biến động quốc tế. Chính phủ cần chủ động có biện pháp nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế để phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả. Ông Nguyễn Hoài Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến nhanh, đứng trước những thay đổi có tính bước ngoặt, Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế, trong đó lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm.

Hội nhập kinh tế đã giúp duy trì tăng trưởng ở mức cao, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể, tính trung bình trong 30 năm tới, GDP Việt Nam tăng gấp 30 lần, GDP bình quân đầu người tăng gấp 24 lần; tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 7%. Sáu tháng đầu năm 2019 tăng trưởng đạt 6,76%, mức cao so với trung bình và thế giới. “Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục tạo ra môi trường thuận lợi và cả những thách thức cho Việt Nam trong việc tập trung nguồn lực phát triển đất nước. CMCN 4.0 tạo cơ hội để Việt Nam thẳng tiến vào các lĩnh vực công nghiệp mới, đẩy mạnh hơn công nghiệp hóa, điện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển”- ông Anh nhận định.

Du khách nước ngoài đến du lịch tại các tỉnh Bắc Trung Bộ ngày càng tăng. Trong ảnh: Du khách đến tham quan tại Festival làng nghề Huế 2019.

Du khách nước ngoài đến du lịch tại các tỉnh Bắc Trung Bộ ngày càng tăng. Trong ảnh: Du khách đến tham quan tại Festival làng nghề Huế 2019.

Hội thảo tập trung thảo luận một số nội dung. chủ yếu các vấn đề đặt ra với các tỉnh Bắc Trung Bộ trong việc phát triển nhanh và bền vững. Các đại biểu cho rằng, cùng với sự phát triển và hội nhập sâu rộng của đất nước, công tác đối ngoại và hội nhập của các tỉnh Bắc Trung Bộ đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương. Các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều địa phương và đối tác nước ngoài, ký kết và triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác quốc tế. Các địa phương, doanh nghiệp cũng thể hiện sự tích cực và chủ động trong đàm phán, tham gia và tranh thủ cơ hội từ các cam kết kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy thương mại, du lịch và thu hút đầu tư, mở rộng thị trường.

Ông Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành với các địa phương trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế- xã hội bền vững cho khu vực này. Theo Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ, hội nghị lần này là cơ sở để UBND tỉnh TT-Huế nói riêng và UBND tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung Bộ nói chung tập trung chỉ đạo điều hành, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo mà doanh nghiệp địa phương đóng vai trò cốt lõi trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_209876_tim-huong-phat-trien-ben-vung-cho-cac-tinh-bac-tru.aspx