Tìm kiếm hai người Việt mất tích khi đi câu cá trên biển Nhật Bản

Bốn công dân Việt Nam khi đang câu cá ở bờ biển thành phố Kamisu, tỉnh Ibaraki ở miền đông Nhật Bản, đã bị sóng cuốn trôi.

Hiện trường xảy ra vụ việc bốn người Việt bị sóng cuốn trôi ở thành phố Kamisu, Nhật Bản

Hiện trường xảy ra vụ việc bốn người Việt bị sóng cuốn trôi ở thành phố Kamisu, Nhật Bản

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (17/10), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ các cơ quan chức năng Nhật Bản, tối 12/10, có bốn công dân Việt Nam khi đang câu cá ở bờ biển thành phố Kamisu, tỉnh Ibaraki ở miền đông Nhật Bản, đã bị sóng cuốn trôi.

Các lực lượng chức năng Nhật Bản đã tìm thấy hai người trong tình trạng sức khỏe ổn định và đang nỗ lực tìm hai người mất tích còn lại.

Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở Nhật Bản khẩn trương phối hợp với cơ quan nước sở tại để tìm hiểu vụ việc, xác minh nhân thân, hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ cứu nạn các nạn nhân.

Cảnh sát thành phố Kamisu cho biết chiến dịch tìm kiếm có sự tham gia của hai trực thăng, một tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển địa phương và vài chục nhân viên cứu hộ.

*Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình hỗ trợ cộng đồng người Việt ở Trung Đông khi căng thẳng leo thang vì xung đột giữa Israel với lực lượng Hezbollah ở Li-băng, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng cho biết, theo thông tin mới nhất từ cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Đông, các công dân Việt Nam ở Trung Đông vẫn an toàn.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở khu vực liên tục cập nhật thông tin, tình hình mới cho người dân, đưa ra cảnh báo bà con phải theo dõi sát các diễn biến, chú ý đi lại và chủ động di chuyển đến các ga tàu điện ngầm để trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, hiện có hơn 700 công dân Việt Nam ở Israel, 13 công dân Việt Nam ở Li-băng và 8 công dân Việt Nam ở Iran.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở khu vực Trung Đông tiếp tục phối hợp với cơ quan nước sở tại và đầu mối cộng đồng để cập nhật tình hình, chủ động thường xuyên thăm hỏi, động viên cộng đồng người Việt tại khu vực đang xảy ra xung đột; lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ, sơ tán công dân trong trường hợp cần thiết.

Thu Loan

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tim-kiem-hai-nguoi-viet-mat-tich-khi-di-cau-ca-tren-bien-nhat-ban-post1683231.tpo