Tìm lời giải cho 'bài toán' rác thải nhựa

Rác thải nhựa đang là gánh nặng về môi trường cũng như về tài chính cho Chính phủ các nước trong đó có Việt Nam. Hiện ngoài khó khăn trong việc tìm kiếm, lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp thì Việt Nam cũng gặp khó khăn trong việc phân loại và giảm thiểu rác thải từ nguồn cũng như quy hoạch các cơ sở xử lý rác.

Loay hoay biện pháp xử lý

Theo đánh giá và dự báo của các chuyên gia môi trường, Việt Nam đang phải tiếp nhận một khối lượng chất thải rắn (trong đó có chất thải nhựa) lên đến 38 triệu tấn/năm. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng với tốc độ khoảng 9%/năm. Mặc dù ngân sách Trung ương và địa phương đã dành hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để quản lý và xử lý rác thải, nhưng kết quả thu được chưa tương xứng với chi phí và nguồn lực bỏ ra.

 Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác từ nguồn

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phân loại rác từ nguồn

Nguyên nhân thì có nhiều, tuy nhiên theo bà Ngô Thị Kim - Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại – HHK (doanh nghiệp về xử lý chất thải rắn) nguyên nhân chính là chúng ta chưa lựa chọn được công nghệ xử lý rác thải phù hợp. Công tác xử lý rác thải rắn nói chung của Việt Nam vẫn chủ yếu là công nghệ cũ, rác thải nhựa được tái chế làm hạt nhựa tuy nhiên việc này lại gây ra ô nhiễm thứ cấp do phải rửa trước khi đưa vào tái chế dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.

“Trong điều kiện thực tế của Việt Nam, việc quan trọng hàng đầu là cần giảm thiểu chất thải tại nguồn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, trong đó, việc phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn cần được chú trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động” - bà Ngô Thị Kim nhấn mạnh.

Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất

Tại Điều 54 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định tổ chức/cá nhân sản xuất sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Quy định này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ không chỉ của cộng đồng xã hội mà còn của cả doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Kim, để thực hiện tốt được điều này, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời, các cơ quan chức năng nên xử phạt thật nghiêm minh các cơ sở làm trái với luật và có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Cùng với đó, việc quy hoạch và phê duyệt các dự án nhà máy xử lý rác thải cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, lựa chọn các công nghệ xử lý triệt để không tồn dư, không khói thải không gây mùi và ô nhiễm không khí, ứng dụng vòng kinh tế tuần hoàn theo xu hướng “zero waste” của thế giới.

Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích lồng ghép các dự án nghiên cứu nhằm tái chế tận thu sản phẩm từ quy trình xử lý rác theo hướng bảo vệ môi trường.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tim-loi-giai-cho-bai-toan-rac-thai-nhua-157754.html