Tìm ra động lực để Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững

Với quy mô kinh tế nhỏ, khó cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành nên việc định hướng, tìm ra động lực, dư địa để phát triển trong thời gian tới đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Ninh Bình.

Ban KTTW làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình. Ảnh: Ban KTTW cung cấp

Ban KTTW làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình. Ảnh: Ban KTTW cung cấp

Ngày 19/8/2020, Ban Kinh tế Trung ương (KTTW) đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban KTTW cho biết, Ninh Bình có vị trí chiến lược, cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, là điểm nút giao thông quan trọng trên tuyến Bắc - Nam.

Ninh Bình có nhiều sông, có biển, lại nằm trong tứ giác phát triển Hà Nội - Thanh Hóa - Hải Phòng - Quảng Ninh, nhất là nằm giữa 2 cực phát triển Hà Nội và Thanh Hóa. “Bộ Chính trị vừa ra nghị quyết về phát triển Thanh Hóa, trong đó định hướng Thanh Hóa là cực tăng trưởng mới với công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn là nền tảng; năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và logistic là đột phá; du lịch là mũi nhọn. Do vậy, Ninh Bình sẽ định hướng phát triển như thế nào để tranh thủ tối đa các cực tăng trưởng này, bổ sung cho nhau cùng phát triển, chứ không bị cạnh tranh, lấn át” - ông Sơn nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Trưởng Ban KTTW cũng lưu ý, trong 5 năm tới, tỉnh Ninh Bình phải nghiên cứu, đánh giá chính xác những ưu thế cũng như những bất lợi của mình so với các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là những tỉnh, thành lân cận để định vị được các lĩnh vực, mục tiêu cũng như dư địa để phát triển kinh tế - xã hội của mình.

Cụ thể, Ninh Bình có tiềm năng lớn về công nghiệp vật liệu xây dựng, bước đầu hình thành công nghiệp lắp ráp ô tô, do đó Ninh Bình có thể trở thành một trung tâm công nghiệp phụ trợ, lắp ráp ô tô, điện tử. Công nghiệp vật liệu xây dựng vẫn là một thế mạnh của Ninh Bình, nhưng phải quy hoạch, quản lý, ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường.

Ninh Bình có bề dày lịch sử, là một trong những tỉnh có tiềm năng du lịch hàng đầu của cả nước, có nhiều di sản được UNESCO công nhận, trong đó đặc sắc nhất là du lịch văn hóa - tâm linh (Bái Đính, Hoa Lư…), du lịch sinh thái - cảnh quan (Tràng An, Tam Cốc, Cúc Phương…). Đây là những tiềm năng lớn về du lịch của Ninh Bình để có thể khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, Ninh Bình cũng cần cân nhắc kỹ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Về hạ tầng, Phó Trưởng Ban KTTW lưu ý Ninh Bình cần tập trung đầu tư, khai thác các tuyến đường kết nối vùng, liên vùng như đường bộ ven biển Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình, đường kết nối với cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, đường kết nối với các di sản UNESCO…; chú trọng phát triển dịch vụ logistic, vận tải đa phương thức đường bộ - đường sắt - đường sông; phát triển tốt hệ thống logistic sẽ tạo ra ưu thế thu hút đầu tư vào Ninh Bình.

Đặc biệt, Phó Trưởng Ban KTTW nhấn mạnh đến việc Ninh Bình có cả 3 vùng địa hình núi - bán sơn địa, đồng bằng và ven biển, có tiềm năng phát triển nông nghiệp đa dạng. Do đó, Ninh Bình cần phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, hữu cơ, chất lượng cao, gắn với phát triển du lịch; cần chú trọng đảm bảo mục tiêu “tam nông”.

Trước những diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của dịch Covid -19 hiện nay cũng như chiến tranh thương mại trên thế giới, Phó Trưởng ban KTTW cũng đề nghị Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đánh giá sâu hơn tác động của dịch Covid-19, chiến tranh thương mại để xác định mục tiêu, chỉ tiêu phát triển phù hợp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; cần kiên trì tháo gỡ khó khăn trước mắt, đồng thời củng cố nền tảng lâu dài như cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục, nguồn nhân lực để đón bắt cơ hội phát triển sau khi kết thúc dịch Covid-19./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thoi-su/2020-08-19/tim-ra-dong-luc-de-ninh-binh-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-91192.aspx