Tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay Trung Quốc gặp nạn
Quan chức hàng không Trung Quốc tuyên bố đã tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn hôm 21/3 tại tỉnh Quảng Tây khi đang chở 132 người.
Một hộp đen “từ chuyến bay MU5735 của hãng China Eastern đã được tìm thấy vào ngày 23/3”, AFP dẫn lời Lưu Lỗ Tụng, người phát ngôn Cục Hàng không Dân sự Trung Quốc.
Hư hại nghiêm trọng
Theo Hoàn Cầu Thời báo, hộp đen được tìm thấy trong trạng thái hư hại nghiêm trọng. Nhân Dân Nhật báo đưa tin do hộp đen mới tìm thấy bị hư hỏng nặng nên tạm thời chưa xác định được đây là máy ghi chép dữ liệu hay là máy ghi âm buồng lái.
Đội kỹ thuật đang tìm cách trích xuất dữ liệu từ chiếc hộp đen mới được tìm thấy.
Theo Paper, mẫu Boeing 737-800 được lắp hai hộp đen do công ty Honeywell của Mỹ sản xuất. Một hộp ghi âm dữ liệu (FDR), được lắp tại cuối khoang hành khách. Khi máy bay khởi hành, FDR sẽ bắt đầu ghi chép các số liệu chi tiết như độ cao, tốc độ, phương hướng…
Hộp đen còn lại là máy ghi âm buồng lái (CVR), được lắp tại cuối khoang hàng hóa. CVR sẽ ghi âm bốn kênh âm thanh là kênh của cơ trưởng, cơ phó, kênh dự phòng và kênh âm thanh xung quanh.
Dữ liệu cuối cùng được phát ra từ máy tính của máy bay vào lúc 14h22 ở độ cao 982 m, từ dữ liệu của FlightRadar24.
Chiếc Boeing đang ở độ cao khoảng 8.800 m thì bắt đầu lao xuống với vận tốc lớn. Dữ liệu cho thấy phi công đã điều khiển máy bay thoát khỏi đà rơi và lấy lại độ cao. Nhưng sau đó, máy bay tiếp tục lao xuống với vận tốc gần đạt tốc độ âm thanh.
Cú sốc lớn
Nhân chứng đã mô tả chiếc máy bay lao xuống mặt đất theo chiều gần như thẳng đứng.
Theo China Daily, tại buổi họp báo hôm 23/3, một quan chức cho biết tại thời điểm xảy ra vụ việc, điều kiện thời tiết bình thường.
Chủ tịch hãng China Eastern Tôn Thế Anh cho biết ba phi công điều khiển chiếc máy bay gặp nạn có nhiều kinh nghiệm bay và đều khỏe mạnh.
Gia đình của các phi công cũng đều hòa thuận.
Tại buổi họp báo, hãng China Eastern cho biết chiếc máy bay gặp nạn bắt đầu bay từ tháng 6/2015 và luôn đáp ứng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nghiêm ngặt.
Trước khi khởi hành hôm 21/3, chiếc Boeing 737-800 thỏa mãn yêu cầu bay.
Hãng hàng không cũng khẳng định việc ngừng bay đối với mọi máy bay cùng mẫu Boeing 737-800 không đồng nghĩa với việc mẫu này có vấn đề. Đây chỉ là cách ứng phó khẩn cấp trước các sự cố an toàn nghiêm trọng và là hành động có trách nhiệm với hành khách.
China Eastern cũng nhấn mạnh hãng có đủ năng lực vận tải và sẽ không bị ảnh hưởng bởi động thái trên.
Hãng này đưa ra tuyên bố sau khi chuyên gia hàng không cho rằng động thái dừng bay đối với toàn đội bay là bất thường, trừ khi có bằng chứng cho thấy mẫu máy bay Boeing 737-800 có vấn đề.
Vụ tai nạn máy bay là cú sốc lớn cho ngành hàng không Trung Quốc vì nước này hiếm khi chứng kiến những sự cố nghiêm trọng như vậy trong suốt 20 năm qua.
Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cho biết tính đến ngày 19/2, các hãng hàng không chở khách ở Trung Quốc đã đạt kỷ lục thế giới khi hoạt động trong 100 triệu giờ suốt 137 tháng mà không gặp vụ tai nạn lớn nào.
Một số vụ tai nạn lớn nhất trong lịch sử hàng không Trung Quốc gần đây:
Năm 1990: Một chiếc Boeing 737 do Xiamen Airlines (nay là Xiamen Air) bị không tặc cướp quyền kiểm soát và lao thẳng vào một chiếc Boeing 757 tại sân bay Canton ở miền Nam Trung Quốc vào ngày 2/10/1990, khiến 128 người thiệt mạng.
Năm 1992: Một chiếc Boeing 737 của Air China đang trên đường đến điểm du lịch ở miền Nam Trung Quốc thì đâm vào ngọn núi ở Quảng Tây, khiến 141 người trên máy bay thiệt mạng hôm 24/11/1992.
Năm 1994: Chiếc Tupolev-154 của hãng hàng không China Northwest Airlines do Nga sản xuất bị rơi ở tỉnh Thiểm Tây, miền Tây Bắc Trung Quốc vào ngày 6/6/1994, khiến tất cả 160 người trên máy bay thiệt mạng.
Năm 1999: Một chiếc Tupolev-154 khác do China Southwest Airlines vận hành phát nổ khi đang di chuyển từ thành phố Tây Nam Thành Đô đến Ôn Châu vào ngày 24/2/1999, khiến 61 người thiệt mạng.
Năm 2000: Một chiếc máy bay Yun-7 do Wuhan Airlines sản xuất tại Trung Quốc bị rơi trong cơn bão ở thành phố Vũ Hán vào ngày 22/6/2000, khiến 51 người thiệt mạng.
Năm 2002: Một chiếc McDonnell Douglas MD-82 do China Northern Airlines vận hành đã lao xuống biển khi bắt đầu hạ cánh xuống sân bay Đại Liên vào ngày 7/5/2002, khiến toàn bộ 112 người trên máy bay thiệt mạng.
Năm 2004: Một chiếc máy bay Bombardier CRJ200 do China Eastern Airlines vận hành lao xuống một hồ nước đóng băng ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc vào ngày 21/11/2004 chỉ một phút sau khi khởi hành, khiến 55 người thiệt mạng.
Năm 2010: Một chiếc máy bay phản lực Embraer ERJ-190 do Henan Airlines vận hành đã bốc cháy sau khi hạ cánh xuống sân bay ở Y Xuân, phía đông bắc Trung Quốc vào ngày 24/8/2010, khiến 44 người thiệt mạng. 47 hành khách và thành viên phi hành đoàn khác sống sót.