Tìm thấy nhiều xác ướp tại một khu mộ tập thể
Nghĩa địa thời trung cổ đầy bí ẩn với hàng chục xác ướp nhưng điều khiến người ta chú ý hơn cả là xác ướp của một người đàn ông có mái tóc màu vàng dường như còn nguyên vẹn.
Tháng 4 năm 2014, các nhà khảo cổ học người Nga đã có một khám phá bất ngờ khi phát hiện ra một nghĩa địa thời trung cổ bí ẩn với hàng chục xác ướp, nhiều mảnh xương và một kho đồ trang sức ở vùng Siberia, rìa của Bắc Cực.
Các nhà khảo cổ tại viện Zeleniy Yar đã khai quật được 34 ngôi mộ. Chúng gồm 11 xác ướp 800 năm tuổi, nhiều mảnh xương vỡ, một kho đồ trang sức và nhiều loại đồ dùng của người cổ đại sống cách đây hàng nghìn năm trước.
Tờ The Siberian Times khi ấy đưa tin: "Nghĩa địa thời Trung cổ bao gồm 11 thi thể với hộp sọ bị vỡ hoặc mất tích, và những bộ xương bị đập nát. 5 xác ướp được tìm thấy bọc trong đồng, đồng thời cũng được phủ một cách công phu bằng lông tuần lộc, hải ly, sói hoặc gấu. Trong số các ngôi mộ chỉ có một phụ nữ, một đứa trẻ, khuôn mặt được che bởi những tấm đồng. Không có phụ nữ trưởng thành".
3 xác ướp trẻ sơ sinh đeo mặt nạ đồng - tất cả đều mang giới tính nam - được khai quật gần đó. Chúng được buộc thành 4 hoặc 5 vòng đồng, rộng vài cm.
Tuy nhiên, điều khiến người ta chú ý hơn cả là xác ướp của một người đàn ông có mái tóc màu vàng dường như còn nguyên vẹn. Đặc biệt hơn, từ phần ngực tới chân của xác ướp 800 năm tuổi này đều được mạ đồng, bên cạnh xác ướp là một chiếc rìu sắt, bộ lông thú và cái khóa bằng đồng. Bộ răng của xác ướp vẫn còn nguyên vẹn trông như thể ông ta đang nở một nụ cười bí hiểm.
Bàn chân của những người đã khuất đều hướng về phía sông Gorny Poluy gần đó, một đặc điểm được coi là có ý nghĩa tôn giáo. Tuy nhiên, các chuyên gia khảo cổ học vẫn chưa thể tìm hiểu sâu về các nghi lễ chôn cất ở đây.
Sau khi tiến hành khảo sát sơ bộ, các nhà khảo cổ học ước tính hiện vật bao gồm chiếc bát bằng đồng có nguồn gốc ở Ba Tư, khoảng 3.700 dặm về phía Tây Nam, có niên đại từ thế kỷ thứ X hoặc XI.
Tờ The Siberian Times cho hay: "Một trong những ngôi mộ có niên đại năm 1282, theo một nghiên cứu về vòng cây, trong khi những ngôi mộ khác được cho là lâu đời hơn".
Con dao sắt, tấm huy chương bằng bạc và bức tượng chim bằng đồng có niên đại từ thế kỷ thứ VII - IX. Người ta cho rằng việc bảo quản các thi thể là "một sự cố vô tình" gây ra bởi sự kết hợp của đồng, ngăn cản quá trình oxy hóa của hài cốt, và nhiệt độ giảm xuống trong nhiều thế kỷ sau khi nhóm người này được chôn cất.
Natalia Fyodorova, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: "Không nơi nào trên thế giới lại có nhiều xác ướp được tìm thấy ngoài lớp băng vĩnh cửu hoặc đầm lầy như vậy. Đó là một địa điểm khảo cổ độc đáo. Chúng tôi là những người đi tiên phong trong mọi thứ từ việc lấy đi vật thể là đất cát (điều chưa được thực hiện trước đây) và kết thúc với khả năng nghiên cứu sâu hơn".
Bà cho rằng việc đập vỡ các hộp sọ có thể được thực hiện ngay sau khi chết "để bảo vệ khỏi những phép thuật bí ẩn được cho là xuất phát từ người đã khuất".
Năm 2002, các nhà khảo cổ buộc phải tạm dừng công việc tại địa điểm này do sự phản đối của người dân địa phương trên bán đảo Yamal, vùng đất giàu có về tuần lộc và năng lượng được người dân địa phương gọi là "nơi tận cùng của Trái đất". Họ lo sợ rằng các chuyên gia đã làm xáo trộn linh hồn của tổ tiên họ.