Tìm 'từ khóa' để làm tốt phần vận dụng trong đề Ngữ văn thi THPT
Trong đề thi môn Ngữ văn, thí sinh cần ôn luyện cách để tìm ra từ khóa nhằm làm tốt phần vận dụng, tránh diễn đạt lan man gây mất thời gian làm bài.
Ôn luyện đúng cách
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, các thí sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Đây là giai đoạn "nước rút" then chốt để học sinh có chiến lược ôn tập phù hợp với từng môn dự thi, trong đó có Ngữ văn.
Với 30 năm công tác trong ngành và giảng dạy môn Ngữ văn, cô Nguyễn Thu Hà - Giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) đã có một số chia sẻ để giúp các sĩ tử ôn tập hiệu quả môn này. Hiện tại, thí sinh vẫn nên tập trung ôn theo dạng đề minh họa của Bộ GD&ĐT và một số đề của các năm trước để có kiến thức, kỹ năng cần thiết khi làm bài.
Theo cô Hà, định hướng trong thời gian ôn luyện là cần hệ thống kiến thức theo từng bài. Các em có thể tự hệ thống nội dung bài theo dạng bảng biểu hoặc sơ đồ tư duy đối với các bài cùng chủ đề để có sự so sánh và khắc sâu kiến thức, tránh kiểu học vẹt.
Thầy cô cũng sẽ tăng cường cho học sinh luyện theo dạng bài thường gặp trong các đề thi. Bằng kinh nghiệm của mình, giáo viên sẽ rút ra một số câu hỏi thường thấy và hướng dẫn học sinh cách làm, cách trả lời để đạt được điểm tối đa.
Ví dụ, các câu hỏi trong đề thường có 4 mức độ gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các câu hỏi kiểu nhận biết - thông hiểu học sinh sẽ áp dụng kiến thức phần Tiếng Việt hay tập làm văn để trả lời. Ở phần vận dụng, thí sinh cần tìm được từ khóa để trả lời trúng ý và không dài dòng, tránh mất thời gian làm bài.
Với câu hỏi về Nghị luận xã hội, học sinh phải xác định được kiểu bài tư tưởng đạo lý hay nghị luận đời sống theo công thức 4 bước. Có quy định về độ dài và viết ngắn không nên dài quá, không kể lể mà cần đủ ý và thuyết phục cao trong khoảng từ 200 - 300 chữ. Việc này học sinh cần rèn luyện thành kỹ năng.
Ở phần Nghị luận văn học, các em phải bày tỏ được chính kiến của mình về nội dung được đề cập trong đề bài, sau đó cần rút kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, những mối quan tâm của người dân đến đời sống xã hội cũng có thể được đề cập trong đề thi. Vì vậy, nếu thí sinh nắm bắt được nhiều các kiến thức xã hội cũng sẽ có những lợi thế nhất định khi làm bài.
Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thu Hà cũng lưu ý với thí sinh khi làm phần Nghị luận văn học. Đề có thể ra vào một đoạn thơ hay văn xuôi thuộc bất cứ tác phẩm văn học nào đã học. Học sinh cần nêu rõ được thể loại của tác phẩm, tác giả, phong cách nghệ thuật của tác giả.
Đề có thể chia thành các dạng phân tích nghị luận hoặc một vấn đề nhưng có nhiều ý kiến, học sinh cần có thói quen phân tích đề và làm dàn ý. Việc này sẽ giúp các em tránh bị lạc đề, thừa hay thiếu ý khi phân tích.
Giữ vững tinh thần và tâm thái tốt
Một điều không thể không đề cập đó là thí sinh phải giữ sức khỏe thể chất và tinh thần trong giai đoạn then chốt này. Theo cô Hà, các bậc phụ huynh nên tích cực bồi dưỡng thể chất và tinh thần cho các em, nhất là phải ăn uống đầy đủ.
Bố mẹ không nên tạo áp lực cho các con và coi kỳ thi tốt nghiệp này là một việc bình thường mà con mình phải trải qua. Không nên quan trọng hóa để gây căng thẳng cho các em. Đồng thời, gia đình cần tạo không gian thật thoáng đãng và yên tĩnh để thí sinh có thể ôn luyện, ghi nhớ kiến thức tốt nhất.
Với 416 học sinh lớp 12 chuẩn bị dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) cho biết, nhà trường hiện đang tập trung toàn lực để bồi dưỡng, ôn tập cho các thí sinh. Trước đó, nhà trường đã cho khối 12 thi khảo sát để bổ sung kiến thức các em còn bị hổng.
Cô Hiệu trưởng cũng nhấn mạnh, quá trình ôn luyện tại trường dự kiến sẽ kéo dài tới khoảng 20/6. Đặc biệt, nhà trường rất chú trọng khâu tư vấn tâm lý học đường để giải tỏa những thắc mắc cho các em. Đồng thời, phối hợp tốt với phụ huynh để tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có đủ kiến thức, tâm thái bước vào kỳ thi quan trọng sắp tới.
"Trong quá trình ôn luyện, thí sinh cần căn thời gian làm bài như bài thi thật trong khoảng thời gian quy định để có sự điều chỉnh phù hợp. Giáo viên cũng sẽ tăng cường chấm chữa bài cho các em để biết thiếu chỗ nào nhằm bổ sung kịp thời" - cô Nguyễn Thu Hà nhấn mạnh thêm.