Tìm về lời ru

Những câu hát ru là sợi dây kết nối đầu tiên giữa trẻ thơ với văn hóa của chính mình. Ở đó chất chứa tấm lòng của người cha, người mẹ, câu chuyện của cộng đồng, gửi gắm những điều vừa thiêng liêng vừa gần gũi được truyền lại qua bao đời... Tìm lại lời ru, qua đó bảo tồn bản sắc văn hóa đang được cộng đồng nhiều dân tộc quan tâm.

Bài thơ, bài hát, câu chuyện đầu tiên

“Với người Mường, lời ru không chỉ kể về cảnh sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, hay những bản làng tươi đẹp, tình cảm của cha mẹ với con, mà còn có những câu chuyện tình sử được truyền lại qua bao thế hệ về sự tích hoa bông trăng, loài hoa cũng được thể hiện trên thổ cẩm Mường... Thông qua lời ru cũng nói lên sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ” - bà Phạm Thị Sơn, dân tộc Mường ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa chia sẻ tại tọa đàm "Ký ức ru êm" do Mạng lưới Tiên phong Việt Nam tổ chức mới đây.

Bà Nguyễn Thị Điềm trình diễn bài hát ru của dân tộc Tày. Ảnh: Xuân Phương

Bà Nguyễn Thị Điềm trình diễn bài hát ru của dân tộc Tày. Ảnh: Xuân Phương

Chị Sakaya - dân tộc Chăm, Ninh Thuận, kể: “Trong ký ức tôi luôn gắn với lời ru, sống trong tình yêu âm nhạc và ngôn ngữ dân tộc Chăm. Khi lập gia đình, dù xung quanh mọi người hát ru bằng tiếng dân tộc Kinh, thậm chí bạn bè cho con nghe hát bằng tiếng Anh, nhưng tôi luôn hát ru con bằng tiếng Chăm từ khi con chào đời, lựa chọn bài hát và ngôn từ để con cảm nhận được sâu sắc qua lời bài hát những tình cảm của mẹ, bằng tiếng của dân tộc mình”.

Ngoài phần nội dung, lời ru cũng có giai điệu mượt mà, êm ái khiến những đứa trẻ ngon giấc trong nôi hay trên lưng mẹ, lưng cha hay trong vòng tay ông bà của mình. TS. Trần Ngọc Hiếu, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, dù lời ru được xếp vào văn học dân gian nhưng khác với thơ ca thông thường, vì chúng có chức năng sinh hoạt thực hành. Lời ru của các dân tộc có nội dung khác nhau nhưng giống ở quãng ngân, tổ chức ngôn ngữ có sự điệp và liệt kê, lặp lại.

Có những câu chuyện của cộng đồng được lưu giữ trong lời ru; theo TS. Trần Ngọc Hiếu, lời hát ru có ý nghĩa thiêng liêng, có thể nói là bài thơ, bản nhạc đầu tiên mà trẻ thơ được tiếp xúc, câu chuyện đầu tiên về lịch sử cộng đồng mà trẻ được lắng nghe. Lời ru cũng chất chứa nhiều điều mà cộng đồng mong muốn như là phương tiện cho trẻ tri nhận cảnh quan thiên nhiên, môi trường xã hội, khơi dậy lòng trắc ẩn với đời sống...

Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, năm 2023, Mạng lưới Tiên phong Việt Nam chọn chủ đề Ký ức, với sáng kiến cộng đồng “Đi tìm lời ru”; bà Nguyễn Thị Điềm, dân tộc Tày, Thái Nguyên, cho biết, lời ru của dân tộc Tày mang ý nghĩa giáo dục con cái, kể những câu chuyện về lịch sử, nguồn gốc của dân tộc; tuy nhiên hiện nay ít người già còn nhớ lời ru, hầu như không còn ai ru con cháu bằng tiếng của dân tộc Tày.

“Chúng tôi đi nhiều nơi hỏi những người cao tuổi, có xã không còn ai biết lời ru bằng tiếng Tày; tìm kiếm tại nhiều xã, chúng tôi gặp được khoảng 10 người còn nhớ một vài câu hát ru, có nội dung dạy con nhận biết những con vật, hay lời của chị nhắn nhủ đến em khi bố mẹ đi làm... Khi chúng tôi hỏi người già về hát ru, mọi người ngạc nhiên, băn khoăn bởi hiện nay còn ai hát ru đâu, con cháu cũng không nghe điệu ru cổ ngày xưa", bà Nguyễn Thị Điềm kể. "Tuy nhiên, chúng tôi đau đáu giữ văn hóa và lan tỏa để con em dân tộc từ khi lọt lòng đã được nghe lời ru của mẹ; nếu không giữ lại, bản sắc sẽ mai một, mất đi ý thức về nguồn cội”.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều làng bản các dân tộc trên khắp Việt Nam hiện nay.

Gìn giữ và lan tỏa từ gia đình, cộng đồng

Nhận thấy hiện nay việc ru con bằng tiếng mẹ đẻ ít được quan tâm, thậm chí còn ít người nhớ lời hát, các bài hát ru ngày càng bị mai một và biến mất, thành viên các nhóm trong Mạng lưới Tiên phong Việt Nam đã sưu tầm, thu thập lời ru và lan tỏa ý nghĩa lời ru tại chính cộng đồng mình.

Ông Tòng Văn Hân, dân tộc Thái, Điện Biên, cho biết, nhóm sưu tầm, soạn thảo các bài hát ru, in ra bằng cả tiếng Thái và tiếng Việt, và mời những người già thể hiện để cộng đồng biết cách hát. Nhóm cũng tổ chức các cuộc trò chuyện cộng đồng, tìm hiểu lời ru ấy mang nội dung, ý nghĩa như thế nào... “Chúng tôi mong muốn cùng với cộng đồng dân tộc khác bảo tồn nét văn hóa của dân tộc mình, qua việc lưu giữ lời ru sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ nhớ về nguồn cội” - ông Tòng Văn Hân nói.

Nhóm thành viên dân tộc Tày, Thái Nguyên thì tổ chức tọa đàm về hát ru, mời các nghệ nhân biểu diễn, cộng đồng thảo luận. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Điềm cho rằng, cần có sự quan tâm hơn nữa của nhà quản lý, các tổ chức và cộng đồng, có hướng bảo tồn văn hóa, trong đó có hát ru; có các hoạt động để lan tỏa loại hình này.

Các nền tảng trực tuyến cũng đang được coi là một phương cách để chia sẻ, quảng bá hát ru tới cộng đồng, từ đó tác động tích cực tới việc bảo tồn; nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý, người đã xây dựng nhiều dự án liên quan đến nghệ thuật dân tộc tại Việt Nam cho rằng, bảo tồn bản sắc dân tộc, trong đó có ngôn ngữ và hát ru, không phải là câu chuyện của riêng ai, mà của cả cộng đồng. Bên cạnh ý thức ru con bằng tiếng mẹ đẻ trong gia đình, cần có những người trong cộng đồng có ý thức sưu tầm, soạn thảo các bài hát và thu âm, ghi hình đưa lên internet để cộng đồng có thể tiếp cận...

Trẻ nhỏ cần được nghe tiếng nói, âm nhạc của dân tộc mình để lớn lên có ý thức về bản sắc dân tộc; bởi vậy, việc đánh thức cộng đồng về cái hay, cái đẹp của hát ru khá là quan trọng, từ đó góp phần gìn giữ, tiếp nối vẻ đẹp văn hóa các dân tộc.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/tim-ve-loi-ru-i335090/