Tin chính thức từ Công an TPHCM: Bắt tạm giam Đặng Thị Hàn Ni, Đặng Anh Quân, Trần Văn Sỹ
Tối 25/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Anh Quân, bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ.
Theo Công an TPHCM, mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM xác định ông Đặng Anh Quân (SN 1978, chỗ ở hiện nay: xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM) đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng.
Trong các buổi livestream này, Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân. Hành vi của Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Hành vi của Đặng Anh Quân đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 24/02/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TPHCM đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Đặng Anh Quân. Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn.
Cùng ngày, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bà Đặng Thị Hàn Ni (SN 1977, chỗ ở hiện nay: phường Tân Thuận Đông, Quận 7, TPHCM) và ông Trần Văn Sỹ (SN 1957, chỗ ở hiện nay: Phường 27, quận Bình Thạnh) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ Luật hình sự. Các Quyết định và Lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM phê chuẩn.
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Đặng Thị Hàn Ni và ông Trần Văn Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Quá trình điều tra, xác minh, Cơ quan Công an xác định: Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh youtube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong Nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.
Cơ quan điều tra cũng đã thi hành lệnh khám xét nơi ở của bị can Đặng Anh Quân, bị can Đặng Thị Hàn Ni, Trần Văn Sỹ thu giữ các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an (CA) TPHCM tiếp tục gia hạn tạm giam đối với bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ Q1, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) để điều tra làm rõ hành vi của các cộng sự giúp bị can Hằng phạm tội.
Theo nội dung vụ án, khoảng tháng 3-2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, Nguyễn Phương Hằng và các cộng sự đã tổ chức nhiều buổi livestream đề cập đến nhiều vấn đề, nội dung khác nhau về chuyện bí mật đời tư cá nhân, có tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhiều cá nhân.
Trong quá trình điều tra, từ tháng 6-2022, Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã mở rộng vụ án và mời nhiều cá nhân liên quan lên làm việc như các ông, bà: Đặng Anh Quân, Huỳnh Công Tân, Lê Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Mai Nhi...
Ngày 01-12-2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 bị can giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng, gồm: Nguyễn Thị Mai Nhi (39 tuổi, trợ lý bị can Hằng), Lê Thị Thu Hà (30 tuổi, nhân viên Công ty CP Đại Nam), Huỳnh Công Tân (28 tuổi, Trưởng phòng truyền thông Công ty CP Đại Nam) để điều tra về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Theo đơn tố cáo, tố giác tội phạm của các bị hại, trong đó có ca sỹ Vy Oanh, đề nghị Cơ quan CSĐT CA TPHCM khởi tố đồng phạm với bị can Nguyễn Phương Hằng, trong đó có TS luật Đặng Anh Quân, giảng viên của Trường Đại học Luật TPHCM với vai trò đồng phạm "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", "vu khống", "làm nhục người khác".
Trong đơn của ca sĩ Vy Oanh cho rằng, trong các buổi livestream tham gia cùng bị can Hằng, ông Quân đã suy diễn dựa trên những thông tin chưa được xác thực, kiểm chứng mà Nguyễn Phương Hằng đưa ra. Phần lớn thời gian ông Quân tham gia cùng bị can Hằng để phụ họa, tạo điều kiện thuận lợi về mặt tinh thần, cũng như giúp sức, củng cố cho quan điểm sai trái của Nguyễn Phương Hằng. "Ông Quân đã dùng những lời lẽ xuyên tạc, bịa đặt nhằm vu khống, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của tôi", đơn tố cáo của ca sĩ Vy Oanh đề cập.
Theo bà Oanh, hành vi của những cá nhân nêu trên có dấu hiệu của tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tương tự, bà Đặng Thị Hàn Ni cũng có đơn tố giác, đề nghị khởi tố TS luật Đặng Anh Quân.
Trong số các khách mời tại các buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng, luật sư, TS Đặng Anh Quân nổi lên như một nhân vật giúp sức rất tích cực, tiếp sức đắc lực cho Nguyễn Phương Hằng vi phạm pháp luật.
Đáng lưu ý, trước khi bị khởi tố, trên trang Facebook cá nhân của trợ lý Nguyễn Phương Hằng là Huỳnh Công Tân có thông báo sẽ tổ chức một buổi "gặp gỡ, giao lưu, trò chuyện trực tiếp" trong talkshow với chủ đề "Nghịch lý thay đạo lý” tại trường đua Đại Nam vào tối 26-3. Talkshow có sự tham gia của TS luật Đặng Anh Quân.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TPHCM), đối với trợ lý, thư ký, khách mời cùng tham gia với bị can Hằng trong các buổi livestream, nếu phát hiện có sự bàn bạc, thống nhất giữa bị can Hằng và những người này về việc dùng các lời lẽ khiếm nhã, xâm phạm đời tư của người khác, lợi dụng quyền tự do ngôn luận để bịa đặt, xuyên tạc, lăng mạ, loan truyền thông tin sai sự thật, cơ quan chức năng có thể xử lý hình sự về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật hình sự với vai trò đồng phạm.
Dư luận hết sức ngạc nhiên, vì sao một TS luật, một giảng viên đại học giảng dạy về luật pháp, không có xích mích, liên quan gì với các đối tượng bị Nguyễn Phương Hằng livestream chửi bới, vu khống, nhục mạ vô căn cứ, lại tham gia là "cố vấn pháp luật", ủng hộ cho bị can Hằng một cách tích cực như vậy. Thậm chí, khi Nguyễn Phương Hằng đến "thăm nhà” gây hấn với những người có mâu thuẫn với mình, dẫn đến tập trung nhiều người, gây mất an ninh trật tự ở nhiều địa phương, TS luật Đặng Anh Quân vẫn ủng hộ bị can Hằng.
Sau khi Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam, TS Đặng Anh Quân vẫn không bị lãnh đạo Trường ĐH Luật TPHCM xử lý, dù khi giúp sức cho bị can Hằng vi phạm pháp luật, TS Quân sử dụng tư cách là một giảng viên của nhà trường.
Theo nội dung vụ án, từ tháng 3-2021, bà Nguyễn Phương Hằng thông qua 12 tài khoản mạng xã hội YouTube và TikTok, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng internet tại TPHCM để xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm uy tín, danh dự của ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sỹ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni (luật sư, nhà báo Hàn Ni).
Bị can Nguyễn Phương Hằng cũng thông qua các tài khoản mạng xã hội, công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sỹ Thủy Tiên) cùng chồng là ông Lê Công Vinh (cựu tuyển thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam), bà Đinh Thị Lan,... trong các buổi livestream tại Bình Dương.
Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà và Huỳnh Công Tân là nhóm êkip hậu trường cho các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng. Nhóm này giữ vai trò trợ lý, thư ký xuyên suốt trong quá trình bà Hằng livestream cho đến khi bà Hằng bị bắt.
Những người này đã giúp bà Hằng quản lý khoảng 12 kênh, trang mạng xã hội, lên kịch bản, khách mời trong các buổi livestream của bà Hằng để phát các thông tin trực tiếp với nội dung, ngôn từ sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người.
Trong đó, Lê Thị Thu Hà và Nguyễn Thị Mai Nhi giữ vai trò là trợ lý, phụ trách thông báo lịch livestream/ngừng livestream, các vấn đề kiện tụng, đăng tải phát ngôn của bà Hằng, chuẩn bị các tài liệu, hệ thống kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, cập nhật những câu hỏi, bình luận của cộng đồng mạng để bà Hằng trả lời, bày tỏ quan điểm ủng hộ của mình đối với bà Hằng...
Huỳnh Công Tân giữ vai trò thư ký, phụ trách MC dẫn chương trình, dẫn dắt câu chuyện trong các buổi livestream của bà Hằng. Trong buổi đua ngựa tổ chức tại trường đua Đại Nam, Tân đã đặt tên cho chó đua, ngựa đua là Vy Oanh, Hàn Ni, Đức Hiển... và bình luận khiếm nhã về các nhân vật được đặt tên.
Sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam, qua đấu tranh, bị can Nguyễn Phương Hằng khai nhận, các thông tin mà bị can đã phát ngôn về các cá nhân trên trong các buổi phát livestream trực tiếp là do đọc được trên mạng internet, đọc báo và... nằm mơ, chứ chưa được kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh.
Bà Nguyễn Phương Hằng trước đây có tên Nguyễn Thị Thanh Tuyền, là vợ của doanh nhân Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò Vôi"), có quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Cyprus. Bị can Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24 - 3-2022 để điều tra tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Đến tháng 4-2022, Nguyễn Phương Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an Bình Dương khởi tố cùng tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Tháng 9-2022, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã kết thúc điều tra đối với bà Hằng về tội "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Ngày 19-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ vụ Nguyễn Phương Hằng cho Công an TPHCM gộp chung điều tra. Ngày 31-10, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định nhập vụ án do Công an Bình Dương điều tra để giải quyết triệt để, toàn diện.