Tin đồn thất thiệt, dân ùn ùn đi rút tiền, hàng loạt ngân hàng Trung Quốc điêu đứng
Đám đông khổng lồ xếp thành các hàng dài để rút tiền sau khi phong thanh hay tin ngân hàng mà họ gửi tiền gặp khó khăn về tài chính.
Còn một hơn năm nữa mới tới kỳ đáo hạn khoản tiền gửi tiết kiệm 300.000 NDT (42.500 USD) ở Ngân hàng ven biển Dinh Khẩu, nhưng Shi đã phải rục rịch đi rút tiền.
"Tôi buồn vì lỡ mất một khoản lãi, nhưng vì mẹ vợ khăng khăng nên tôi không có lựa chọn nào khác", Shi tới từ thành phố Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh cho biết.
Vợ Si và mẹ vợ anh sau khi đọc tin trên báo địa phương về việc một cổ đông của Ngân hàng ven biển Dinh Khẩu đang gặp khó khăn về tài chính liên tục thúc giục Shi đi đáo hạn sớm.
Hàng nghìn người khác tại địa phương cũng có nỗi lo tương tự. Họ ùn ùn kéo tới ngân hàng để rút tiền vì lo sợ tiền có thể sẽ bị mất bất cứ lúc nào.
Làn sóng rút tiền dôn dập làm cạn kiệt nguồn dự trữ tiền mặt của Ngân hàng ven biển Dinh Khẩu, qua đó lại làm tăng thêm sự lo lắng của các khách hàng.
"Cuối cùng, họ chất tiền mặt thành các đống cao 1 m dọc theo bức tường phía sau các giao dịch viên", một người tới rút tiền cho biết.
Phần lớn những người xếp hàng đòi rút tiền khỏi Ngân hàng ven biển Dinh Khẩu là người cao tuổi. Số khác thiếu kiến thức cơ bản về các quy định và biện pháp bảo vệ ngân hàng, chẳng hạn như việc tiền gửi nếu lên đến 500.000 NDT sẽ được chính phủ bảo đảm.
Mọi chuyện chỉ thực sự lắng xuống sau khi giới chức địa phương nói chuyện với các phóng viên, cảnh sát được triển khai và người lan truyền tin đồn bị bắt giữ.
Vài ngày trước đó, Ngân hàng thương mại nông thôn Y Xuyên rơi vào tình trạng tương tự. Hơn 1000 khách hàng kéo tới ngân hàng này để rút tiền sau khi hay nghe phong thanh được tin tức chưa được xác minh của tài khoản mạng xã hội rằng Ngân hàng Thương mại Nông thôn Y Xuyên Hà Nam sắp vỡ nợ.
Hàng loạt các tin tức không mấy khả quan này cho thấy niềm tin với các ngân hàng nhỏ tại địa phương của người dân Trung Quốc đang lung lay hơn bao giờ hết.
Xiaoxi Zhang, một nhà phân tích kinh tế ở Bắc Kinh cho rằng nếu người dân mất niềm tin vào khả năng tồn tại của các ngân hàng, nó sẽ hình thành một loại khủng hoảng mà chính quyền đang cố gắng ngăn chặn.
Ngân hàng Nông thôn Y Xuyên ghi nhận mức nợ xấu tăng lên tới 2,95% trong năm 2018 từ mức 0,54% 2 năm trước. Xếp hạng ngân hàng này cũng vì thế mà bị đánh xuống còn AA- từ A+ vào tháng 7.
Nhưng ngay cả với Dinh Khẩu, gần như không có lý do để tin rằng họ có nguy cơ phá sản bởi tổng tài sản của ngân hàng tăng tới 40% trong năm 2018. Dù vậy, chừng đó thông tin gần như bị nhấn chìm chỉ với một tin đồn không rõ căn cứ.
Ngoài Y Xuyên và Dinh Khẩu, nhiều tổ chức cho vay nhỏ của Trung Quốc đang phải đối mặt với các thách thức thực sự khi họ bơm tiền vào các khoản vay, đầu tư rủi ro đang lâm nguy khi nền kinh tế chững lại.
Một phân tích với 250 ngân hàng Trung Quốc trong tháng 7 cho thấy họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu 2.400 tỷ NDT vốn tiềm năng.
Trong cuộc kiểm tra về an toàn thanh khoản của 1.171 ngân hàng với quy mô khác nhau, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc kết luận 159 ngân hàng, chiếm 13% sẽ sụp đổ nếu tăng trưởng kinh tế giảm xuống 4,15% và đồng NDT giảm 4,23% so với USD. Các tổ chức này không thể đảm bảo thanh khoản ngay cả sau khi bán trái phiếu chính phủ và các tài sản chính khác, báo cáo cho biết.
Trước con số đáng quan ngại này, giới chức Trung Quốc đang theo dõi sát sao tình hình và đưa ra các biện pháp khắc phục tình hình nếu cần.