'Tín dụng 28' và đòn bẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về 'Chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025' (Viết tắt là NĐ28) đang giúp người dân vùng cao Quảng Nam phát triển sinh kế, vươn lên trong cuộc sống.

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đông Giang. Ảnh: Bình Minh

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Đông Giang. Ảnh: Bình Minh

Từ chính sách đến cuộc sống

Quảng Nam là tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ có điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, người thuộc hộ nghèo và đối tượng chính sách chiếm tỷ lệ khá cao. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng cao hơn so với bình quân chung cả nước, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỷ lệ hộ nghèo có nơi chiếm trên 50%.

Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho người nghèo, đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tín dụng ưu đãi theo NĐ28 với nguồn vốn được tập trung ưu tiên cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn… Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp người nghèo, đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác ở Quảng Nam tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước, đồng thời được hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ. Là một trong 10 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia theo quyết định 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

NĐ28 được thực hiện tại miền núi Quảng Nam. Tín dụng ưu đãi đang giúp người dân vùng cao phát triển sinh kế, vươn lên trong cuộc sống. Những hộ gia đình với vốn vay phát triển kinh tế, hay những căn nhà được xây dựng từ nguồn hỗ trợ vay vốn ưu đãi đầu tư theo NĐ28 mở ra cơ hội mới giúp người đồng bào DTTS có cơ hội an cư, thoát nghèo ở huyện miền núi Quảng Nam.

Ông Hoàng Thanh Lân - Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Quảng Nam) cho biết, cho vay theo NĐ28 tạo động lực để đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn có nguồn lực để làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương. Vốn ưu đãi theo NĐ2828 sẽ từng bước xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Quảng Nam cần tiếp tục tuyên truyền đến người dân, đồng thời chỉ đạo phòng giao dịch cấp huyện giải ngân kịp thời nguồn vốn.

Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang đẩy mạnh công tác giải ngân hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP cho bà con nhân dân. Ảnh: Bình Minh

Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang đẩy mạnh công tác giải ngân hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP cho bà con nhân dân. Ảnh: Bình Minh

Chưa đầy 3 tháng triển khai, đến cuối tháng 11/2022 chương trình cho vay theo NĐ28, đến nay, Ngân hàng CSXH Quảng Nam đã giải ngân đạt 97,5% vốn bố trí cho năm 2022. Theo báo cáo của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Nam, tính đến giữa năm 2022, dư nợ ủy thác của tín dụng CSXH do Ngân hàng CSXH triển khai, hỗ trợ qua kênh Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đạt 2.530 tỷ đồng. Qua đó đã giải quyết cho 55.083 hộ nghèo và các đối tượng chính sách có liên quan được vay vốn, góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đồng thời góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 4,4% (tính đến cuối năm 2021).

Những ngôi nhà mơ ước

Tại huyện miền núi Nam Trà My, vượt nhiều cây số đường rừng, các hộ gia đình Xê Đăng tại xã Trà Cang (Nam Trà My) phấn khởi khi được nhận tiền vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Nhiều hộ trong số đó đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách để sớm được thoát nghèo.

Điển hình như chị Nguyễn Thị Ái (thôn 3, xã Trà Cang) trước đây đã vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác để sửa chữa nhà ở, trồng quế Trà My và một ít sâm Ngọc Linh. Nay chị tiếp tục mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng theo NĐ28, gia đình bỏ thêm 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Chị Ái cũng là một trong số nhiều hộ gia đình đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã Trà Cang tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để thoát nghèo. nhiều hộ thanh niên vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, đơn cử như hộ Trần Quân Số, Nguyễn Thành Tiếu, Hồ Văn The, Hồ Văn Dũng…

Ở các huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới có nhiều “ngôi nhà 28” khang trang được ngươi dân vùng đồng bào DTTS xây dựng nhờ vào vốn tích lũy và vốn vay theo NĐ28. Vốn ưu đãi theo NĐ28 từng bước xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Ước mơ về một căn nhà kiên cố, tươm tất đã trở thành hiện thực đối với gia đình đồng bào DTTS. Tại huyện miền núi Đông Giang, đến giữa tháng 12/2022, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang đã giải ngân cho 28 hộ vay hỗ trợ cải tạo, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền 1,120 tỷ đồng. Cạnh đó, 76 hộ được vay theo diện hỗ trợ đất sản xuất với tổng số tiền giải ngân 3,8 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn từ NĐ28, nhiều hộ dân đồng bào DTTS tại Đông Giang đã ý thức tự vươn lên làm chủ kinh tế, giảm nghèo bền vững. Điển hình như A Lăng Thị Lư La, trú tổ Lâm Thị Ninh, thôn Pà Nai của xã Tà Lu (Đông Giang). Nhà ở của hộ bà Lư La bị xuống cấp, gia đình thuộc diện nghèo nên được vay số tiền 40 triệu đồng để làm lại nhà (thuộc Hội LHPN quản lý). Tương tự, huyện Hiệp Đức có 8 hộ, Phước Sơn có 90 hộ, tổng dư nợ cho vay cải tạo, sửa chữa nhà ở gần 11 tỷ đồng.

Nhiều hộ đồng bào DTTS đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách để sớm được thoát nghèo. Ảnh: Bình Minh

Nhiều hộ đồng bào DTTS đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách để sớm được thoát nghèo. Ảnh: Bình Minh

Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, do điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cho nên hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chiếm tỷ lệ cao, cần được Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều chương trình, dự án, chính sách. Đối với NĐ28 của Chính phủ, đây là một trong những nguồn lực hỗ trợ quan trọng và có thể nói là một chính sách hết sức nhân văn, bởi thời hạn cho vay và lãi suất cho vay đều thuận lợi. Đối với các địa phương miền núi có đông đồng bào DTTS tại Quảng Nam, người dân hầu hết đều nằm trong 4 chương trình cho vay nên lượng người dân có thể tiếp cận để vay vốn khá đông. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay này để phát triển cây dược liệu, góp phần giải quyết được lao động tại chỗ.

Theo ông Lê Hùng Lam, chính sách tín dụng cùng với các chính sách khác đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2005 - 2010 từ 30,29% xuống 12,21%, giai đoạn 2011 - 2015 từ 24,18% xuống 10,03%; giai đoạn 2016 - 2021 giảm từ 12,9% xuống còn 4,4% cuối năm 2021. Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Quảng Nam có 4 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổng số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 118 xã, có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, chính sách tín dụng cho vay theo NĐ28 đã và được triển khai hiệu quả, thiết thực trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này.

Bình Minh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tin-dung-28-va-don-bay-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post457743.html