Tín dụng chính sách - Xây dựng niềm tin, hướng đến phát triển bền vững - Bài 2: Xóa rào cản, mở cửa cơ hội

Trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tín dụng chính sách xã hội (CSXH) không chỉ là công cụ hỗ trợ người dân thoát nghèo mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Các khoản vay ưu đãi đã tạo điều kiện cho hàng ngàn hộ khởi nghiệp, mở rộng sản xuất, cải thiện đời sống và đóng góp vào sự phát triển bền vững. Ðặc biệt, CSXH đã hỗ trợ những nhóm yếu thế và các cá nhân chấp hành xong án phạt tù vượt qua rào cản xã hội, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng và xây dựng cuộc sống mới. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tài chính, tín dụng này đã trở thành nền tảng vững chắc để họ từng bước vươn lên, thay đổi cuộc sống.

Hỗ trợ các đối tượng yếu thế

Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Cà Mau, khẳng định: “Hơn 21 năm qua, Hội LHPN đã đồng hành cùng Ngân hàng CSXH, tạo ra những cơ hội kịp thời cho phụ nữ, đặc biệt là những người đang phải gánh chịu khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh việc cung cấp vốn, chúng tôi còn tổ chức các chương trình đào tạo nghề và tập huấn kỹ thuật cho hơn 51.730 lao động nữ, giúp họ khai thác tiềm năng từ đất đai, chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh. Nhờ đó, 8.858 hộ đã thoát nghèo bền vững, có nguồn thu nhập ổn định và khẳng định vai trò của họ trong gia đình và xã hội”.

Thực tế, chương trình tín dụng chính sách không chỉ đơn thuần là một giải pháp tài chính; nó còn là một công cụ quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng và mở rộng cơ hội cho những nhóm yếu thế trong xã hội, bao gồm: phụ nữ, người khuyết tật và dân tộc thiểu số, những đối tượng thường phải đối mặt với những rào cản lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn, giáo dục và việc làm. Ðặc biệt, những cá nhân đã từng chấp hành án phạt tù thường gặp khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng do phải chịu áp lực từ sự kỳ thị và định kiến xã hội. Hỗ trợ tài chính từ chương trình này không chỉ mở ra cánh cửa khởi nghiệp mà còn tạo điều kiện cho họ xây dựng lại cuộc sống.

Vào năm 2023, chị Lê Trúc Ly, ở ấp Tân Phong B, xã Tạ An Khương Ðông, huyện Ðầm Dơi, đã nhận được khoản vay 80 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng tham gia chương trình sản phẩm OCOP. Sau khi hoàn thành nhà xưởng với chi phí 50 triệu đồng, chị sử dụng số tiền còn lại để mua tủ đông và thu mua nguyên liệu chế biến tôm, mắm tôm và ba khía. Nhờ khoản vay này, chị Ly không chỉ có vốn xoay vòng để mở rộng sản xuất mà còn phát triển kinh doanh. Hiệu quả kinh tế mỗi tháng giúp chị trả lãi suất dễ dàng và tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Chị Lê Thị Trúc Ly phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Chị Lê Thị Trúc Ly phát triển kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách.

Cũng như chị Ly, chị Phạm Thị Hường, ấp Kinh 8, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, được vay 30 triệu đồng để chăn nuôi gà, vịt. Cứ mỗi 3 tháng, chị bán sản phẩm, thu về lợi nhuận từ 10-15 triệu đồng. Chị Hường chia sẻ: “Việc nuôi gà, vịt không chỉ giúp tôi tự chủ về kinh tế mà còn mang lại niềm vui và sự kết nối với cộng đồng, bởi tôi thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giống và kỹ thuật nuôi với những chị em khác”.

Thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi, NHCSXH đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn người, giúp họ biến ước mơ thành hiện thực. Ðiển hình như anh Nguyễn Tạo, người khuyết tật sống tại Khóm 8, Phường 8, TP Cà Mau. Anh đã từng phải đối mặt với cú sốc lớn khi mất một cánh tay do tai nạn lao động. Những ngày đầu sau biến cố, anh chìm đắm trong nỗi mặc cảm và tuyệt vọng. Tuy nhiên, nhờ khoản vay ưu đãi từ chương trình hỗ trợ của NHCSXH, anh mở một cửa hàng nhỏ bán thực phẩm tại nhà.

Anh Tạo tâm sự: “Tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ có cơ hội tự kiếm sống, nhưng tín dụng chính sách đã thay đổi tất cả, không chỉ giúp tôi có thu nhập mà còn giúp tôi lấy lại niềm tin vào bản thân và cuộc sống”.

Ngoài ra, NHCSXH đặc biệt chú trọng hỗ trợ những người đã chấp hành xong án phạt tù, một nhóm đối tượng thường gặp nhiều khó khăn trong việc tái hòa nhập với cộng đồng. Áp lực từ sự kỳ thị và định kiến xã hội khiến họ gặp trở ngại lớn trong việc tìm kiếm việc làm và phát triển bản thân. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ NHCSXH, nhiều cá nhân có cơ hội khởi nghiệp, trở lại với nghề cũ hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh, vượt qua quá khứ khó khăn. Tính đến cuối tháng 9/2024, tỉnh Cà Mau đã hỗ trợ 99 hộ thuộc nhóm đối tượng này vay vốn, với tổng số tiền giải ngân lên đến 6,569 tỷ đồng, mở ra cơ hội cho tương lai.

Chị N.K.T (huyện Ðầm Dơi) vừa tái hòa nhập cộng đồng sau khi hoàn thành án tù, bộc bạch: “Những ngày đầu về nhà là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với tôi. Tôi gặp không ít trở ngại trong việc tìm việc làm, không ai muốn cho tôi cơ hội, khiến tôi cảm thấy mất phương hướng. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ từ chương trình vay ưu đãi của NHCSXH, tôi đã vay được 100 triệu đồng để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ kết hợp với quán nước. Thu nhập chưa cao, nhưng tôi cảm thấy mình đang đi đúng hướng, sống tích cực và không còn là gánh nặng cho gia đình hay xã hội”.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, chị N.K.T bắt đầu cuộc sống mới với công việc kinh doanh ổn định.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, chị N.K.T bắt đầu cuộc sống mới với công việc kinh doanh ổn định.

Ông Lê Thế Anh, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Những khoản vay ưu đãi này là động lực quan trọng để họ bắt đầu hành trình tái hòa nhập, tạo ra những thay đổi tích cực cho bản thân. Khi tình hình kinh tế cá nhân được cải thiện, sự tự tin của họ cũng sẽ trở lại, từ đó không chỉ dừng lại ở vai trò người thụ hưởng mà họ sẽ trở thành những nhân tố có giá trị, góp phần vào sự thịnh vượng chung của xã hội”.

Ý nghĩa nhân văn từ những khoản vay ưu đãi

Tín dụng chính sách không chỉ là một công cụ hỗ trợ kinh tế mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ðảng và Nhà nước đối với từng cá nhân trong xã hội. Ðây là một thông điệp mạnh mẽ rằng bất kể khó khăn, mỗi người đều xứng đáng có cơ hội thứ hai. Xã hội có trách nhiệm hỗ trợ và đồng hành cùng họ trên hành trình tái khởi động.

Ngoài việc cung cấp nguồn vốn, NHCSXH còn tổ chức các buổi tập huấn nhằm giúp người dân xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh bền vững. Ông Huỳnh Văn Thuận, Phó tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam, cho biết: “Ðiều cốt lõi không chỉ là việc vay vốn mà còn ở khả năng hướng dẫn người dân sử dụng vốn một cách hiệu quả”. Qua đó, không chỉ cải thiện thu nhập mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả gia đình. Tại đây, mọi cá nhân, bất kể hoàn cảnh, đều có cơ hội phát triển và đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ðầm Dơi, nhấn mạnh: “Chương trình tín dụng chính sách đã trở thành động lực mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, đặc biệt đối với các hộ gia đình khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách này thể hiện triết lý “cho cần câu hơn cho con cá”, giúp nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng cuộc sống bền vững thông qua nỗ lực tự thân. Không còn phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ miễn phí, các hộ gia đình đã biết cách tận dụng nguồn vốn để khởi tạo sinh kế và phát triển mô hình sản xuất. Bên cạnh đó, họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc tiếp cận khoa học và kỹ thuật, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn”.

Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Cà Mau, cho biết: “Những năm qua, việc triển khai tín dụng CSXH tại tỉnh luôn được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, nhằm tập trung và tăng cường nguồn vốn vay từ Trung ương và nguồn ủy thác từ địa phương. Ðặc biệt, sau khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách, nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã gia tăng mạnh mẽ. Chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là những người thu nhập thấp tại vùng sâu, vùng xa, nơi khó tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại”.

Tính đến nay, các nguồn vốn đã được đầu tư đến 100% xã, phường, tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, ven biển và hải đảo, với gần 44% hộ dân được vay vốn. Ðây chính là minh chứng cho “ý Ðảng - lòng dân” hòa quyện, tạo động lực mạnh mẽ giúp hàng triệu người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội./.

Hồng Phượng - Việt Mỹ

Bài cuối: Hướng đến tín dụng "xanh"

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tin-dung-chinh-sach-xay-dung-niem-tin-huong-den-phat-trien-ben-vung-bai-2-xoa-rao-can-mo-cua--a35111.html