Tín dụng cho SV: Trường đại học gặp khó khi hỗ trợ ngân hàng thu hồi khoản vay
Hiện nay đa số các trường chỉ cấp giấy xác nhận để sinh viên hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Các bước tiếp theo nhà trường khó nắm bắt do chưa có số liệu thống kê.
Chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên bắt đầu được triển khai từ năm 2007 theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và được điều chỉnh bổ sung tại Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022.
Sau nhiều năm thực hiện, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học cho rằng, chính sách này đang có bất cập khi đối tượng được vay còn hạn chế, mức vay thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay phức tạp, trong khi lãi suất còn cao.
Nhà trường khó hỗ trợ thu hồi khoản vay
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Võ Thân Thủy, Phó Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường Đại học Quảng Nam cho hay: Hiện nay, về chính sách tín dụng này, nhà trường tiến hành xác nhận cho các bạn là sinh viên của trường. Sau đó, sinh viên sẽ về địa phương mang theo giấy xác nhận để hoàn thiện thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Về cơ bản chính sách cũng đáp ứng được nhu cầu của người học.
Tuy nhiên, theo thầy Thủy, vấn đề lớn nhất mà sinh viên gặp phải là hồ sơ thẩm định khá phức tạp cũng như thời hạn giải ngân đôi khi còn chậm. Nhưng có thể đó là các quy định chung, ngân hàng phải thực hiện. Còn lại về mức vay hay lãi suất thì qua đối thoại sinh viên chưa có trường hợp nào phản ánh.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng gặp phải khó khăn khi hỗ trợ ngân hàng thu hồi khoản vay sau khi sinh viên ra trường.
“Hiện nay theo quy định nhà trường cần có trách nhiệm hỗ trợ thu hồi khoản vay giúp ngân hàng sau khi sinh viên ra trường. Tuy nhiên, sau khi ra trường mỗi sinh viên một nơi.
Trách nhiệm trả nợ thuộc về sinh viên và gia đình, nhà trường cũng yêu cầu các bạn ký cam kết phải hoàn trả khoản vay sau khi ra trường nhưng chỉ ở mức độ tuyên truyền là chính.
Dù trường cũng có thông tin của sinh viên nhưng cũng khó để áp dụng mức chế tài gì nên việc hỗ trợ thu hồi khoản vay khá khó khăn”, thầy Thủy cho biết thêm.
Trong khi đó, Thạc sĩ Đào Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông tin: Hiện nay, trường đang triển khai hỗ trợ sinh viên khó khăn thông qua hình thức cấp giấy xác nhận sinh viên đang học tại trường để các bạn hoàn thiện hồ sơ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội tại địa phương.
Theo cô Oanh trong quá trình triển khai chính sách này, nhà trường và sinh viên còn gặp phải một số khó khăn như: Đối tượng sinh viên được vay vốn bị hạn chế, chỉ những sinh viên thuộc đối tượng chính sách và theo quy định của Chính phủ mới được tiếp cận nguồn vốn này.
Việc cam kết trả nợ đối với sinh viên tham gia vay vốn chưa có phương án tối ưu. Việc giữ lại bằng tốt nghiệp của sinh viên cho đến khi các em hoàn trả hết khoản vay từng được đề xuất nhưng khó để thực hiện vì không đúng theo quy định.
Đề xuất cần có chính sách giám sát, tăng mức vay
Trước ý kiến đề xuất Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về chính sách tín dụng cho sinh viên, Phó Phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường Đại học Quảng Nam cho rằng đây là việc nên làm để chính sách được thực thi một cách hiệu quả, đến đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, theo cô Đào Thị Kim Oanh, những năm trở lại đây, cơ chế tự chủ tài chính đối với các trường đại học đang được chú trọng và đẩy mạnh. Khi các trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, vấn đề đầu tiên là tăng học phí của sinh viên. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến người học nhất là khi thu nhập của đa số các gia đình đều chịu ảnh hưởng ít nhiều sau đại dịch Covid-19.
“Do đó, với mức vay thấp, đối tượng vay chưa được đa dạng và thời gian vay ngắn sẽ gây khó khăn cho sinh viên trong việc duy trì học tập. Vì vậy cần có cơ chế điều chỉnh về mức vay và thời hạn vay để giúp tất cả sinh viên có thể trang trải các chi phí như: tiền học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn ở, đi lại nhằm đảm bảo việc học tập trong thời gian tới”, cô Oanh nhấn mạnh.
Để việc triển khai chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên được hiệu quả, đảm bảo có lợi cho người học, cô Oanh cũng có một số kiến nghị:
Về chủ trương, Chính phủ cần có chính sách để ngân hàng đề ra các giải pháp cụ thể trong việc thu hồi vốn và lãi suất nhằm đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng cũng như cho người vay vốn.
Hoàn thiện chính sách cho sinh viên vay vốn về: định mức cho vay, đối tượng vay, lãi suất vay, thời hạn vay… để sinh viên dễ dàng tiếp cận và yên tâm học tập.
Có chính sách kéo dài thời gian vay và thời gian trả nợ cho sinh viên do thời gian đầu sau khi ra trường các bạn thường chưa ổn định về công việc cũng như mức thu nhập.
Cần có giám sát chuyên đề về chính sách tín dụng cho sinh viên nhằm kịp thời cập nhật những khó khăn, vướng mắc và thuận lợi trong việc triển khai chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên. Qua đó có thể phân tích, đánh giá làm rõ một số bất cập, những điểm phải cải thiện để nâng cao hiệu quả hoạt động cho chính sách này trong thời gian tới.