Tín dụng nông nghiệp vào mô hình hội quán

Trong vài năm gần đây, mô hình 'hội quán nông dân' với ý tưởng ban đầu xuất phát từ tỉnh Đồng Tháp đã bắt đầu lan tỏa ra nhiều địa phương ở khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp, hiện nay toàn tỉnh đã có khoảng 80 hội quán nông dân được thành lập và đi vào hoạt động. Trong số các hội quán phát triển mạnh về quy mô đã có 17 đơn vị đứng ra thành lập hợp tác xã nông nghiệp để đứng tên pháp lý nhằm liên kết chặt chẽ các thành viên, cùng sản xuất các mặt hàng nông sản.

Quan sát cho thấy, tại Đồng Tháp hiện nay một số hội quán lớn đã thu hút hàng ngàn hộ nông dân tham gia sinh hoạt và bắt đầu có những hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản với các DN lớn. Chẳng hạn, Hội quán sản xuất chanh tại Cao Lãnh, hội quán sản xuất cam - quýt Thành Tâm tại Lai Vung đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hệ thống VinEco, Hội quán Đồng Tâm đã phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai 42 ha sản xuất xoài đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Malaysia và Trung Quốc…

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, về bản chất, mô hình hội quán nông dân mà các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tây Ninh… đang xây dựng và phát triển là một dạng của tổ hợp tác. Vì vậy, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ kết nạp các hội quán này vào làm thành viên của liên minh. Từ đó sẽ phát triển các hội quán trở thành các hợp tác xã kiểu mới.

Trong đợt khảo sát mới đây, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận thấy rằng mô hình hội quán nông dân đa số là các mô hình làm ăn hiệu quả. Một số mô hình tiêu biểu như "Ruộng nhà mình", "Cây xoài nhà tôi", "Cây cam vườn tôi"… đã đặt nền móng cho thương mại điện tử, nối kết nông sản ra thị trường bằng công nghệ số. Tuy nhiên, riêng ở góc độ tiếp cận các ưu đãi về tài chính, vay vốn tín dụng thì các hội quán nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do pháp nhân hội quán chưa đạt đủ các yêu cầu để được hưởng các ưu đãi về thuế, phí và hỗ trợ lãi suất khi vay vốn.

Ông Bảo cho biết, hiện nay Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, chính sách cho vay ưu đãi đối với các mô hình hội quán và hợp tác xã hình thành từ hội quán.

Trong thời gian tới Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định riêng về Hợp tác xã nông nghiệp và Nghị định về hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Khi các văn bản pháp lý này được hoàn thiện và đi vào thực tiễn thì các thành viên của liên minh, bao gồm cả các hội quán nông dân cũng sẽ tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi từ quỹ và các TCTD.

Nhìn nhận từ thực tế cho thấy, hiện nay mô hình ủy thác cho vay thông qua các cấp Hội Nông dân của Ngân hàng Chính sách xã hội và Agribank đã phát triển khá mạnh. Hầu hết các cấp huyện của Hội Nông dân tại địa phương đều là cánh tay nối dài của các TCTD, mỗi năm hỗ trợ giải ngân hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn vay đối với nông hộ và các đơn vị kinh tế tập thể thông qua các tổ vay vốn.

Ghi nhận tại An Giang cho thấy rằng, hiện nay tỉnh này đã hình thành được 12 hội quán nông dân làm ăn hiệu quả. Nhiều mô hình như hội quán trồng xoài VietGAP tại xã Mỹ Hiệp, Hội quán chăn nuôi bò tại xã Mỹ An (huyện Chợ Mới)... đã tiếp cận được nguồn vốn vay thông qua các tổ vay vốn của Agribank. Tại Đồng Tháp, các mô hình hội quán trồng hoa kiểng ở Tân Quy Đông (Sa Đéc), trồng xoài, trồng cam – quýt tại Cao Lãnh, Lai Vung đều đã là những đơn vị kết nối thường xuyên với các chi nhánh, phòng giao dịch cấp huyện, cấp xã của các TCTD để vay vốn thông qua các mô hình tổ, đội.

Vì vậy, có thể nói rằng khi các địa phương chủ động, khuyến khích hình thành các hội quán nông dân gắn liền với tổ chức hội Nông dân trên địa bàn cũng là cơ sở tích cực để nguồn tín dụng ngân hàng có thể len lỏi, chảy vào các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-dung-nong-nghiep-vao-mo-hinh-hoi-quan-92017.html