Tín dụng trong nước tăng chậm, vàng chịu sức ép từ FED

Điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ trong nước là tín hiệu tăng trưởng tín dụng khá chậm. Trong khi đó trên bình diện quốc tế, những tuyên bố mới đây về chính sách cứng rắn của FED đang gây sức ép lớn lên thị trường kim loại quý.

Tín dụng nửa đầu năm mới đạt hơn 1/4 chỉ tiêu

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố một số chỉ tiêu kết quả hoạt động tiền tệ trong nửa đầu năm 2023 khi cho biết đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Lãi suất điều hành giảm 4 lần nhưng tín dụng vẫn chưa tăng trưởng mạnh. Ảnh: T.L

Lãi suất điều hành giảm 4 lần nhưng tín dụng vẫn chưa tăng trưởng mạnh. Ảnh: T.L

Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó với tốc độ này, tăng trưởng tín dụng nền kinh tế sau gần nửa năm mới đạt được 1/4 so với chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra cho cả năm 2023.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1% so với cuối năm 2022

NHNN cho biết đến nay về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng như thực tế diễn ra nửa đầu năm là thấp, nhưng đó là yếu tố khách quan của nền kinh tế. Phía ngành ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, nhưng một mặt cũng vẫn phải đảm bảo chất lượng tín dụng chứ không đẩy ra bằng mọi giá dẫn đến gia tăng rủi ro nợ xấu trong tương lai.

Theo đó, trong nhiệm vụ đặt ra cho nửa cuối năm 2023, NHNN cho biết tiếp tục điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhưng vẫn sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Việt Nam không nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ

Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” do Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành tháng 6 đã không đưa Việt Nam trong Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.

Bản báo cáo này dựa trên ba tiêu chí để xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính, cụ thể là: (i) thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; (ii) thặng dư cán cân vãng lai; và (iii) can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

NHNN cho biết tại các cuộc làm việc song phương với Bộ Tài chính Hoa Kỳ, NHNN đã và đang nỗ lực từng bước hiện đại hóa và minh bạch khung khổ chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường tiền tệ Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà phía Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, thiện chí.

Quan điểm của FED vẫn sẽ thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới. Ảnh: T.L

Quan điểm của FED vẫn sẽ thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới. Ảnh: T.L

Vàng chịu sức ép lớn từ FED

Trong tuần qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell trong nội dung điều trần trước Quốc hội Mỹ đã khẳng định rằng việc tăng lãi suất là cần thiết để kiềm chế lạm phát. Ông này cho rằng, lạm phát đã được kiểm soát phần nào kể từ giữa năm ngoái, tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn đang ở mức cao và việc đưa lạm phát trở lại mức 2% còn một quãng đường dài phía trước.

Với quan điểm này của FED, các chuyên gia tiền tệ quốc tế dự báo FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,5% trong năm nay so với mức lãi suất tham chiếu của FED hiện đang ở mức 5-5,25%. Theo đó, FED có thể sẽ có hai đợt tăng nữa trong thời gian còn lại của năm.

Những quan điểm cứng rắn của FED về lãi suất đã lập tức tạo nên áp lực lớn đối với giá vàng. Giá vàng thế giới đã có một tuần trượt dốc, với đà giảm điểm càng về cuối tuần càng giảm mạnh, từ mức 1.956 USD/ounce xuống chỉ còn 1.914 USD/ounce vào hôm thứ sáu cuối tuần. Theo đó, giá vàng đã giảm tới 42 USD mỗi ounce trong thời gian từ thứ hai đến thứ sáu.

Mặc dù giá vàng thế giới giảm mạnh, nhưng sự ảnh hưởng tới giá vàng trong nước lại không quá lớn. Giá vàng nhẫn có một số phiên giảm nhẹ, trong khi vàng miếng SJC 9999 trong nước vẫn trụ vững ngay cả trong những phiên giá vàng thế giới rớt giá mạnh. Tính đến cuối buổi sáng ngày 23/5, vàng miếng SJC ghi nhận mức giá 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/lượng bán ra.

Thanh toán điện tử vẫn tăng trưởng mạnh

Trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; qua kênh Internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị. Thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27% về giá trị. Riêng hoạt động rút tiền qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, điều này cũng phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-dung-trong-nuoc-tang-cham-vang-chiu-suc-ep-tu-fed-130592.html