Tín hiệu báo động từ Tonga

Thiệt hại nặng nề đã được ghi nhận tại bờ biển phía tây hòn đảo chính của Tonga vào ngày 18/1. Giới chức xác nhận một người phụ nữ Anh đã thiệt mạng sau thảm họa hồi cuối tuần.

Ủy ban cấp cao New Zealand đã báo cáo thiệt hại dọc theo bờ biển phía tây của đảo chính Tongatapu, nơi có nhiều khu nghỉ mát và thủ đô Nuku'alofa sau đợt núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào gây ra sóng thần ngày 15/1.

Phần lớn quần đảo Nam Thái Bình Dương vẫn mất liên lạc với thế giới. Cao ủy cho biết một lớp tro dày bao phủ toàn hòn đảo, đồng thời cho biết họ đang ưu tiên nỗ lực thiết lập liên lạc với các đảo nhỏ hơn, Reuters đưa tin.

Anh trai của một phụ nữ Anh - Angela Glover, 50 tuổi - cho biết cô đã thiệt mạng khi cố giải cứu đàn chó mình chăm sóc tại cơ sở cứu hộ do cô và chồng mở ra. Thi thể cô đã được tìm thấy. Truyền thông trước đó đưa tin Glover mất tích sau khi bị sóng cuốn trôi, còn chồng thì bám trụ được vào một cái cây.

Liên Hợp Quốc cho biết họ đã phát hiện tín hiệu báo động tại nhóm đảo Ha'apai biệt lập, đồng thời bày tỏ lo ngại về đảo Fonoi - nơi có 69 người sinh sống và Mango có 36 người ở.

 Hình ảnh núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào ghi lại hôm 14/1. Ảnh: Reuters.

Hình ảnh núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào ghi lại hôm 14/1. Ảnh: Reuters.

Theo chủ sở hữu của khu nghỉ dưỡng Bãi biển Ha’atafu trên bán đảo Hihifo, cách thủ đô Nuku’alofa 21 km về phía tây, cơ sở này đã bị “xóa sổ hoàn toàn”. Hình ảnh vệ tinh đăng tải bởi Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho thấy nhiều công trình kiến trúc trên đảo Nomuka có ghi nhận thiệt hại.

"Không thể loại trừ khả năng lần hoạt động tiếp theo của núi lửa", OCHA cho biết.

Trong khi đó, dựa vào hình ảnh vệ tinh khoảng 12 giờ sau đợt phun trào, đảo Hunga-Tonga-Hunga-Ha'apai hoàn toàn biến mất khiến các nhà khoa học khó theo dõi hoạt động đang diễn ra. Các chuyên gia cho biết núi lửa phun trào lần cuối vào năm 2014, và ngừng hoạt động khoảng một tháng trước khi phun trào hôm 15/1.

Hội Chữ thập Đỏ đang huy động mạng lưới để ứng phó với "vụ phun trào núi lửa tồi tệ nhất mà Thái Bình Dương phải trải qua trong nhiều thập niên". Họ sẽ ưu tiên lọc nước để loại bỏ ô nhiễm khói bụi, cung cấp nơi ở và đoàn tụ các gia đình.

Tuy nhiên, các nỗ lực cứu trợ cũng bị cản trở do thiếu thông tin liên lạc. Hai vết đứt trong cáp thông tin liên lạc dưới biển sẽ không được khắc phục cho đến khi núi lửa ngừng hoạt động và cho phép các đội sửa chữa tiếp cận.

Tác động của vụ phun trào cũng ảnh hưởng tới nhiều nơi khác trên thế giới, trong đó có Fiji, New Zealand, Mỹ và Nhật Bản. Hai người chết đuối trên một bãi biển ở phía bắc Peru do sóng thần dâng cao, trong khi giới chức Nhật Bản thông báo một số nơi phải sơ tán.

Sóng thần do núi lửa ở Tonga càn quét Thái Bình Dương Núi lửa dưới biển ở Tonga phun trào dữ dội gây ra đợt sóng thần lớn càn quét nhiều quốc gia ở hai bờ Thái Bình Dương và lan rộng đến tận Nhật Bản.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tin-hieu-bao-dong-tu-tonga-post1290397.html