Tín hiệu khả quan trong cuộc chiến với COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: YÊN LAN

Trong tháng 6 vừa qua, lãnh đạo các tổ chức: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Y tế thế giới (WHO), Thương mại thế giới (WTO) đã họp bàn về việc giúp các quốc gia đang phát triển chống lại đại dịch COVID-19. Cuộc họp đã ra tuyên bố chung về việc hỗ trợ vắc xin và các phương tiện chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho các nước đang phát triển.

Đây là tín hiệu khả quan trong cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, đặc biệt là khi chủng SARS-CoV-2 đang biến đổi liên tục, hình thành các chủng mới có mức độ lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Sự biến đổi nhanh của virus đồng nghĩa với việc phòng, chống đại dịch khó khăn hơn, đòi hỏi phải nhanh hơn, quyết liệt hơn, có sự phối hợp tốt hơn giữa các quốc gia, khu vực và toàn thế giới.

Biến chủng Delta của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh, độc lực cũng mạnh hơn, đang là thách thức trong việc bao vây, khống chế và dập dịch. Theo các nhà khoa học và thực tế vài tháng gần đây cho thấy, bên cạnh các biện pháp chống dịch như phát hiện sớm, bao vây kịp thời, cách ly, điều trị hiệu quả thì công tác phòng dịch có ý nghĩa quyết định trong việc đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế - xã hội.

Vậy phòng dịch như thế nào để đưa cuộc sống trở lại bình thường? Đối với từng cá nhân, gia đình, từng cộng đồng dân cư thì chỉ cần cách ly, thực hiện tốt 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế). Tuy nhiên, đây là các biện pháp thụ động, mang tính ngắn hạn. Cơ bản nhất, hiệu quả nhất là biện pháp chủ động, vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế và có tính toàn cầu, chính là vắc xin.

Theo tính toán về mặt dịch tễ thì khi 75% dân số được tiêm vắc xin sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng, chính vì lẽ đó nên hầu hết các quốc gia đang đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho người dân để đạt được miễn dịch cộng đồng. Một số quốc gia đã và đang đạt được điều đó như Israel, Hungary…; Anh cũng đang chuẩn bị bỏ tất cả các hạn chế chống dịch vì đã đạt được miễn dịch cộng đồng.

Thời gian qua, Việt Nam đã rất thành công trong phòng, chống dịch, hạn chế được mức độ lây lan, số người mắc, số bệnh nhân nhập viện, số người tử vong thấp trong 3 đợt bùng dịch đã qua. Nhưng trong đợt bùng dịch thứ tư này, biến chủng của virus có mức độ lây lan cực nhanh, số bệnh nhân nhập viện nhiều, số bệnh nhân tử vong cũng tăng, đặc biệt có bệnh nhân không mang bệnh nền mà bệnh vẫn nặng và tử vong. Đây là những thách thức lớn trong chiến lược phòng, chống dịch.

Trong cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải linh hoạt, có lúc, có nơi ưu tiên cho mục tiêu này trước, mục tiêu kia sau, có nơi thực hiện song song...

Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện nhanh chiến lược vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu 2022, tranh thủ mọi nguồn cung vắc xin cả trong và ngoài nước, từ viện trợ qua cơ chế vắc xin của WHO đến thương thảo với các nhà sản xuất nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu sản xuất vắc xin trong nước.

Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần từ 150-200 triệu liều vắc xin. Trong bối cảnh vắc xin khan hiếm như hiện nay, đây là thách thức không nhỏ. Theo thông tin được Bộ trưởng Y tế công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong quý III/2021, Việt Nam sẽ nhận được vài chục triệu liều vắc xin qua nhiều nguồn, đến quý IV sẽ nhận số lượng khá hơn, đồng thời với sự cam kết của quốc tế chuyển giao công nghệ cho chúng ta để sản xuất thì nguồn vắc xin sẽ dồi dào hơn.

Cuộc họp nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế: WB, IMF, WHO, WTO đã ra tuyên bố chung: Thành lập bộ phận đặc nhiệm như là phòng tác chiến để hỗ trợ trong việc truy vết, phối hợp và phân phối trang thiết bị phòng, chống COVID-19 cho các nước đang phát triển; vận động chính phủ của các nước phát triển hàng đầu (G20) ủng hộ nguồn tài chính 50 tỉ USD để cung cấp vắc xin, thiết bị phòng chống dịch nhằm đạt mục tiêu 40% dân số được tiêm vắc xin vào cuối năm 2021 và 60% dân số được tiêm vắc xin vào giữa năm 2022 ở các nước đang phát triển.

Tuyên bố chung cũng kêu gọi các quốc gia chia sẻ nguồn vắc xin cho các nước nghèo, chuyển giao công nghệ để các nước nghèo có thể sản xuất vắc xin trong nước, giảm chi phí, tăng cơ hội cho người dân được tiếp cận vắc xin....

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3/100 triệu người đã được tiêm vắc xin ít nhất là 1 mũi, tiêm đủ 2 mũi khoảng vài trăm ngàn người, con số quá thấp so với yêu cầu. Còn tại Phú Yên, với dân số gần 1 triệu người, để đạt được miễn dịch cộng đồng ít nhất phải có 750.000 người được tiêm vắc xin. Tuy nhiên hiện nay, do lượng vắc xin được cung ứng ít nên chúng ta mới có khoảng vài chục ngàn người được tiêm.

Những cam kết mà các nhà lãnh đạo WB, IMF, WHO, WTO đưa ra là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh chúng ta đang gồng mình chống dịch, và số người được tiêm vắc xin còn quá thấp so với mục tiêu cũng như nguồn vắc xin khá khan hiếm như hiện nay.

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/260743/tin-hieu-kha-quan-trong-cuoc-chien-voi-covid-19.html