Tín hiệu lạc quan cho cuộc chiến giá dầu

Trong bối cảnh thị trường dầu mỏ trở nên ảm đạm do đại dịch Covid-19, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước đi ngoại giao hướng tới việc hạ nhiệt căng thẳng trong cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia nhằm cứu giá 'vàng đen'.

Theo RT, trong cuộc điện đàm mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí tổ chức các cuộc tham vấn song phương ở cấp Bộ trưởng Năng lượng nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ toàn cầu. Không chỉ điện đàm với nhà lãnh đạo Nga, ông chủ Nhà Trắng cũng đề cập với Thái tử Saudi Arabia Mohammed Bin Salman về mục tiêu chấm dứt tình trạng giá dầu giảm mạnh.

Giá dầu đi xuống trong bối cảnh nhiều quốc gia chọn cách “bế quan tỏa cảng” nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch Covid-19. Các hãng hàng không trên toàn cầu phải hủy nhiều chuyến bay, trong khi đó người dân được yêu cầu hạn chế ra đường do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điều này khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác tác động tới giá “vàng đen” là cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia, hai nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới. Hồi tháng 3 vừa qua, sau khi Nga từ chối tham gia kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu xuống còn 1,5 triệu thùng/ngày trong quý 2-2020 cùng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Saudi Arabia-quốc gia dẫn đầu OPEC đã tuyên bố giảm giá và tăng sản lượng dầu. Hành động khơi mào cuộc chiến giá dầu của Riyadh vấp phải phản ứng dữ dội từ Moscow. Không chịu thua kém, trong một động thái “ăn miếng, trả miếng”, Nga cũng tuyên bố tăng sản lượng khai thác dầu. Thậm chí, gần đây nhất, Riyadh cho biết sẽ tăng lượng xuất khẩu dầu lên mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày từ tháng 5 tới. Điều này sẽ dẫn đến thị trường dầu mỏ dư thừa nguồn cung.

 Khu sản xuất tại mỏ dầu Shaybah ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Khu sản xuất tại mỏ dầu Shaybah ở Saudi Arabia. Ảnh: Reuters.

Do đó, cái “bắt tay” của Washington và Moscow mang đến tín hiệu lạc quan cho thị trường “vàng đen” vốn đang phải hứng chịu "cú đấm kép" từ sự bùng phát của dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu Nga-Saudi Arabia. Ông Stephen Innes, chiến lược gia thị trường toàn cầu của công ty ngoại hối trực tuyến AxiCorp (Australia) cho rằng, cuộc điện đàm của ông Donald Trump có thể nhằm thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán với Saudi Arabia-một đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông để giải quyết bất đồng về chính sách dầu mỏ.

Đối với Mỹ, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia tác động nghiêm trọng tới lợi ích kinh tế của xứ cờ hoa. Nhờ sự bùng nổ của ngành công nghiệp dầu đá phiến, Mỹ vượt qua Saudi Arabia và Nga để trở thành cường quốc sản xuất dầu mỏ số một thế giới. Hiện nay, dù giá dầu rẻ đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có lợi hơn khi chi tiêu nhưng lại là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ vốn có chi phí sản xuất cao. Ngày 2-4, Whiting Petroleum đã trở thành công ty dầu đá phiến đầu tiên của Mỹ nộp đơn xin phá sản. Nếu giá dầu tiếp tục giảm mạnh, nhiều công ty khai thác dầu đá phiến sẽ bị phá sản và hàng nghìn người bị mất việc làm. Các chuyên gia năng lượng nhận định, Mỹ sẽ sớm đánh mất vị thế nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới do cuộc chiến giá dầu khốc liệt giữa Nga và Saudi Arabia cũng như đại dịch Covid-19.

Các thành tựu về kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp giảm được coi là “lá bài” chủ chốt của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tái tranh cử năm nay. Giữa lúc nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên toàn quốc đình trệ vì đại dịch Covid-19, hơn ai hết, ông Donald Trump hiểu rằng cần phải đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Nga và Saudi Arabia. Theo AFP, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ tuyên bố ông sẵn sàng giúp giải quyết cuộc chiến giá dầu ngày càng leo thang giữa Nga và Saudi Arabia.

Những nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Donald Trump được cho là sẽ tác động ít nhiều đến cuộc chiến giá dầu chưa có hồi kết giữa Nga và Saudi Arabia hiện nay. Đây cũng là cơ hội để nhà lãnh đạo Mỹ thể hiện năng lực của mình khi nền kinh tế hàng đầu thế giới này đối mặt với hai thách thức cùng lúc là giá dầu giảm và dịch bệnh.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tin-hieu-lac-quan-cho-cuoc-chien-gia-dau-614132