Tín hiệu tích cực

Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ đang tăng cường đối thoại để 'hạ nhiệt' tranh chấp thương mại song phương. Những ngày gần đây, hai bên đã đưa ra tín hiệu hòa giải và tiến hành các cuộc thảo luận nhằm sớm đưa mối quan hệ thương mại xuyên Ðại Tây Dương này trở về 'trạng thái bình thường cũ'.

Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ đang tăng cường đối thoại để "hạ nhiệt" tranh chấp thương mại song phương. Những ngày gần đây, hai bên đã đưa ra tín hiệu hòa giải và tiến hành các cuộc thảo luận nhằm sớm đưa mối quan hệ thương mại xuyên Ðại Tây Dương này trở về "trạng thái bình thường cũ".

Những tranh cãi thương mại giữa EU và Mỹ diễn ra gay gắt từ tháng 6-2018, thời điểm mà Tổng thống Mỹ khi đó là ông Ð.Trăm đã quyết định áp thuế 25% đối với sản phẩm sắt và 10% đối với sản phẩm nhôm nhập khẩu từ các nước châu Âu và một số đối tác thương mại khác. EU ngay sau đó đã quyết định "phản đòn" bằng việc tăng thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 2,8 tỷ USD nhập khẩu của Mỹ, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của "xứ cờ hoa" như rượu Uýt-xki, quần bò, nước ép cam và xe máy Harley-Davidson. Bên cạnh đó, Pháp, Tây Ban Nha cùng một số nước EU khác đã áp thuế kỹ thuật số đối với các hãng công nghệ lớn của Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi ông G.Bai-đơn trở thành ông chủ mới của Nhà trắng, quan hệ đồng minh Mỹ - EU "căng buồm" trở lại, mâu thuẫn thương mại song phương đang dần lắng dịu và hai bên đều bày tỏ thiện chí đối thoại giải quyết các bất đồng. Cụ thể là, EU và Mỹ đã nhất trí tạm ngừng áp thuế trả đũa lẫn nhau trong vòng bốn tháng liên quan cuộc tranh cãi về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing, vốn kéo dài suốt hai thập kỷ. Tiếp đó, EU và Mỹ cũng nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các biện pháp trả đũa thương mại. Ðồng thời, châu Âu tuyên bố sẽ tạm trì hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, theo dự kiến ban đầu là sẽ tăng thuế từ ngày 1-6 tới.

Tuyên bố của các quan chức thương mại châu Âu và Mỹ cuối tuần qua đều nhấn mạnh hai bên nhất trí tránh để những thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại song phương. Ðồng thời, bày tỏ lạc quan vào việc sẽ sớm vượt qua các bất đồng thương mại Mỹ - EU. Phát biểu tại buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ, Ðại diện Thương mại Mỹ C.Tai cho biết, Mỹ cùng EU đang nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa Boeing và Airbus, cũng như giải quyết tình trạng dư thừa công suất trong lĩnh vực thép và nhôm...

Truyền thông các nước EU tiết lộ, EU và Mỹ đặt mục tiêu giải quyết tranh chấp thương mại trong hai tháng tới. Cuối tuần qua, các cơ quan truyền thông đã dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu V.Ðôm-brốp-xki cho biết, EU và Mỹ vừa có các cuộc thảo luận chuyên sâu và rộng rãi về các vấn đề thương mại song phương và đã thống nhất về nỗ lực kết thúc đàm phán vào tháng 7. Ông V.Ðôm-brốp-xki đánh giá, dù quá trình chấm dứt mâu thuẫn thương mại vẫn cần nỗ lực từ cả hai phía, nhưng những tiến triển hiện nay cho thấy khung thời gian nêu trên là "hoàn toàn khả thi". Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Ðức P.An-mai-ơ đánh giá các cuộc thảo luận với phía Mỹ "mang tính xây dựng", mở ra "cánh cửa lịch sử cho cơ hội giải quyết bất đồng thương mại Mỹ - EU".

Giới phân tích nhận định, việc giải quyết các bất đồng thương mại xuyên Ðại Tây Dương giữa hai đối tác lớn là việc "trong tầm tay". Các động thái xuống thang và hòa giải giữa hai bên ở lĩnh vực thương mại cho thấy quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và EU sẽ sớm trở lại "trạng thái bình thường cũ". Ðây không chỉ là tín hiệu tích cực với doanh nghiệp của hai bên, mà còn mở ra cơ hội phục hồi tốt hơn cho thương mại và kinh tế toàn cầu.

BÌNH YÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/tin-hieu-tich-cuc-647659/