Tín hiệu tích cực từ giải ngân dự án giao thông

Đến hết tháng 10/2023, sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải đạt khoảng 63.500 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2,2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 16%), đóng góp đáng kể vào thành tích chung của cả nước.

Thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh: Thi Văn

Thi công cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh: Thi Văn

Cao tốc chiếm tỷ trọng lớn

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), năm 2023 đứng trước kế hoạch vốn rất lớn (khoảng 95.000 tỷ đồng), Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân trước làm cơ sở xây dựng tiến độ thi công, biện pháp tổ chức thi công phù hợp, bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch đã xây dựng, công tác rà soát, điều hòa vốn cũng được thực hiện thường xuyên giữa các dự án giải ngân chậm và các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Đã giải ngân được 33.000 tỷ đồng

Tính đến hết tháng 10 năm 2023, sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đạt hơn 33.000 tỷ đồng trong tổng số vốn hơn 46.400 tỷ đồng được bố trí trong năm 2023, đạt 72% kế hoạch. Hai dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân cao nhất như: Cần Thơ - Hậu Giang (91%), Vũng Áng - Bùng (86%).

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu đã xây dựng kế hoạch thi công sát với thực tiễn công trường. Khó khăn về thời tiết, thiên tai đã được chủ động nhận diện. Thay vì đưa dự án vào thế bị động, các hạng mục công việc triển khai trong thời gian thời tiết bất lợi đã được đề ra rõ ràng. Nhận diện được khó khăn, xây dựng được kế hoạch đảm bảo mạch làm việc xuyên suốt từ xây lắp hiện trường đến thủ tục nội nghiệp (bản vẽ hiện trạng sử dụng đất) là mấu chốt giúp các dự án đảm bảo được kế hoạch giải ngân đã đăng ký.

Nhờ đó, trong tổng số vốn hơn 16.300 tỷ đồng được giao năm 2023, tính đến hết tháng 10, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã giải ngân gần 11.300 tỷ đồng, đạt 69% kế hoạch. Trong đó, dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm có tiến độ giải ngân tốt nhất, đạt 83% kế hoạch. 5 dự án có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, gồm: Nghi Sơn - Diễn Châu (74%), Diễn Châu - Bãi Vọt (72%), Cam Lộ - La Sơn (73%), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (75%), Phan Thiết - Dầu Giây (78%). 4 dự án khác gồm: Mai Sơn - Quốc lộ (QL) 45 và cầu Mỹ Thuận 2 cùng đạt tỷ lệ giải ngân 61%, QL45 - Nghi Sơn giải ngân được 64%, Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 60% kế hoạch.

Cũng trong 10 tháng năm 2023, sản lượng giải ngân vốn đầu tư công của dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đạt hơn 33.000 tỷ đồng trong tổng số vốn hơn 46.400 tỷ đồng được bố trí trong năm 2023, đạt 72% kế hoạch. Hai dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân cao nhất như: Cần Thơ - Hậu Giang (91%), Vũng Áng - Bùng (86%).

Các dự án thành phần có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% trở lên gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi (74%), Bùng - Vạn Ninh (70%), Vạn Ninh - Cam Lộ (75%), Vân Phong - Nha Trang (73%), Hậu Giang - Cà Mau (77%).

5 dự án thành phần khác, gồm: Hàm Nghi - Vũng Áng tính đến hết tháng 10/2023 giải ngân 66%, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn giải ngân 69%, Hoài Nhơn - Quy Nhơn giải ngân 66%, Quy Nhơn - Chí Thạnh giải ngân 60%, Chí Thạnh - Vân Phong giải ngân 64% kế hoạch vốn.

Phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao

Theo ông Phùng Tuấn Sơn - Trưởng phòng kinh tế - kế hoạch, Ban quản lý dự án (QLDA) Thăng Long, tính đến thời điểm hiện tại, dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi đã giải ngân được gần 1.700 tỷ đồng, đạt hơn 74% kế hoạch; sản lượng giải ngân dự án Hàm Nghi - Vũng Áng đã được nâng lên 2.274 tỷ đồng, đạt gần 85% kế hoạch", đại diện Ban QLDA Thăng Long chia sẻ, đồng thời khẳng định, năm 2023, hai dự án thành phần do ban làm chủ đầu tư sẽ giải ngân hết số vốn được giao. Tính đến nay, Ban QLDA Thăng Long đã giải ngân được hơn 74% kế hoạch vốn điều chỉnh và đạt gần 78% so với kế hoạch vốn được giao ban đầu (9.100 tỷ đồng).

Theo Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận Lê Đức Tuân - chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cho biết, dự án Cần Thơ - Hậu Giang theo kế hoạch giá trị sản lượng thi công cầu trên tuyến ước đạt 500 tỷ, nhưng với sự tăng tốc của nhà thầu, sản lượng thi công thực tế đạt khoảng 770 tỷ đồng (vượt 150% kế hoạch). Còn tại dự án Hậu Giang - Cà Mau, với các phương án tăng ca, bổ sung huy động thêm nhân sự, thiết bị, sản lượng thực tế đến nay đạt khoảng 897 tỷ đồng (vượt 140% kế hoạch). Vì vậy, sản lượng giải ngân tại dự án Cần Thơ - Cà Mau vẫn được đảm bảo lũy tiến từng tháng. Trong tổng số vốn 3.000 tỷ đồng được giao năm 2023, đến nay, dự án đoạn giải ngân đạt 2.750 tỷ đồng. Dự kiến năm 2023, 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch vốn được giao.

Còn tại dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, vượt qua thách thức của thời tiết, các nhà thầu cũng đang đẩy nhanh các hạng mục thi công.

Đảm nhận thi công gần 16 km (bao gồm 11 cầu) và hai nút giao Việt Trung và Nhật Lệ 2 tại gói thầu XL1 dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, đại diện Tập đoàn Cienco4 cho biết, Cienco4 vẫn đang nỗ lực duy trì 22 mũi thi công như thời điểm trước mưa, tập trung các mũi thi công cầu, đúc sẵn kết cấu bê tông và các hạng mục móng đường khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Với sự quyết tâm đó, nếu 3 tháng trước mùa mưa, giá trị sản lượng trung bình của Cienco4 là 35 - 40 tỷ đồng/tháng thì trong mùa mưa, Cienco4, sản lượng thi công vẫn được duy trì ở mức trung bình từ 25 - 30 tỷ đồng/tháng./.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-giai-ngan-du-an-giao-thong-139193-139193.html