Tin Kinh tế ngày 12/10: Lãi suất tăng cao, gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư hấp dẫn
Lãi suất tăng cao, gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư hấp dẫn; Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng mạnh trong nửa cuối tháng 9; Ô tô về Việt Nam vì sao tăng chóng mặt; Còn 1 năm để chuẩn bị hạ tầng dùng hóa đơn điện tử… là những tin tức kinh tế chú ý ngày hôm nay 12/10.
Lãi suất tăng cao, gửi tiết kiệm đang là kênh đầu tư hấp dẫn
Sau đợt tăng lãi suất huy động trong quý 3/2019, một số ngân hàng tiếp tục đẩy lãi suất ngay trong những ngày đầu quý 4/2019 nhằm chuẩn bị vốn đáp ứng nhu cầu mùa kinh doanh cao điểm của doanh nghiệp vào cuối năm. Cho nên gửi tiết kiệm trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
Khảo sát tại các ngân hàng cho thấy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 – 3 tháng phổ biến từ 5-5,5%/năm, ở kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng là 5,5-7,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất ở những kỳ hạn trên 1 năm được nhiều ngân hàng giữ ở mức cao tới 9% để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư thay vì biên độ 6,4-8,5%/năm được duy trì ở những ngày cuối cùng của quý 3/2019. Như vậy, so với thời điểm đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động nhìn chung đã tăng khoảng 0,4%.
Ở kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất cũng được đẩy lên khá cao. Điển hình, SCB đang huy động lãi suất tiết kiệm 6 tháng ở mức 8,1%/năm, nếu gửi tiết kiệm online, lãi suất cao nhất 8,21%/năm khi gửi trên 10 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng áp dụng mức lãi suất 7,7%/năm kỳ hạn 6 tháng đối với khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng, trong khi số tiền gửi ít hơn mức này có lãi suất chỉ từ 6,8 - 6,9%/năm. Riêng chương trình ưu đãi “Chào Thu” của nhà băng này đối với kỳ hạn 6 tháng lên đến 8,1%/năm.
Một số ngân hàng huy động kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất 7%/năm hoặc hơn, như Viet Capital Bank: 7,4%/năm, Vietbank: 7,1%/năm, NCB: 7%/năm, Techcombank: 6,1 – 7%/năm tùy theo số tiền gửi…
Với kỳ hạn dài từ 12, 18, 24 tháng, các ngân hàng thương mại đang niêm yết ở mức khá cao như Nam A Bank trả lãi 8,5% cuối kỳ với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng. Eximbank áp dụng mức 8,4% với các khoản tiền lớn hơn 100 tỷ đồng. LienVietPostBank và Sacombank niêm yết mức lãi 8%/năm dành cho khoản tiền gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng trở lên.
Bên cạnh đó, cũng có những ngân hàng sẵn sàng trả lãi suất trên 8%/năm, lãi trả cuối kỳ mà không kèm thêm bất cứ điều kiện gì như ABBank (8,3%), NCB (8%), VIB (7,99%)…
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc phải chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất trên.
Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng tích cực, các ngân hàng đã chủ động huy động được vốn. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh lớn đã khiến mặt bằng lãi suất huy động tương đối cao, đẩy mặt bằng lãi suất của hệ thống lên mức cao.
Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng mạnh trong nửa cuối tháng 9
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan nửa cuối tháng 9, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng đạt 24,07 tỷ USD, tăng 16,2%, tương ứng tăng 3,35 tỷ USD, so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9/2019. Và ở chiều ngược lại, trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong cùng trong thời gian trên cũng tăng mạnh.
Tổng Cục Hải quan cho hay, kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 9 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm đạt 382,16 tỷ USD, tăng 8,4%, tương ứng tăng 29,55 tỷ USD về so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 242,28 tỷ USD, tăng 5,1% (tương ứng tăng 11,8 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 139,88 tỷ USD, tăng 14,5% (tương ứng tăng 17,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Trong nửa cuối tháng 9 (kỳ 2 tháng 9), cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục thặng dư 1,35 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của của Việt Nam trong 9 tháng lên 7,15 tỷ USD. Cụ thể về xuất khẩu, tổng trị giá trong kỳ 2 đạt 12,71 tỷ USD, tăng 21,6% (tương ứng tăng 2,26 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 9/2019.
Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tăng so với kỳ 1 ở một số nhóm hàng chủ lực: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 351 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 327 triệu USD; hàng dệt may tăng 238 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 210 triệu USD... Như vậy, tính đến hết tháng 9, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 194,65 tỷ USD, tăng 8,4% tương ứng tăng 15,1 tỷ USD so với cùng kỳ 2018.
Chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng đạt 11,36 tỷ USD, tăng10,7% (tương ứng tăng 1,1 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 9.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tăng so với kỳ 1 chủ yếu ở một số nhóm hàng như: Máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 165 triệu USD; điện thoại các loại tăng 122 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 111 triệu USD; vải các loại tăng 72 triệu USD…
Lũy kế hết tháng 9, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 187,5 tỷ USD, tăng 8,4% (tương ứng tăng 14,45 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
Ô tô về Việt Nam tăng chóng mặt, vì sao?
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa cuối tháng 9, cả nước nhập 4.982 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch hơn 128 triệu USD.
Trong đó, xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm đa số với 3.389 chiếc; ô tô tải các loại đứng thứ 2 với 1.209 xe. Tính cả tháng 9, cả nước nhập khẩu 11.109 ô tô nguyên chiếc các loại, với tổng trị giá hơn 250 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập 107.034 ô tô nguyên chiếc các loại (tăng 163%), với tổng kim ngạch gần 2,4 tỷ USD (tăng 156%).
Về thị trường nhập khẩu, Thái Lan và Indonesia là 2 quốc gia cung cấp lượng ô tô nguyên chiếc nhiều nhất của nước ta. Trong đó, thị trường lớn nhất là Thái Lan có sản lượng lên tới 62.356 chiếc, chiếm hơn 58,2% sản lượng nhập khẩu cả nước, tổng kim ngạch gần 1,3 tỷ USD.
Thị trường Indonesia cung cấp 31.892 ô tô nguyên chiếc các loại, chiếm gần 30% về sản lượng nhập khẩu cả nước, tổng kim ngạch 445 triệu USD. Xét về trị giá bình quân, mỗi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm rời vào khoảng 22.350 USD/xe (chưa tính thuế). Đặc biệt, trị giá bình quân 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất đều thấp hơn mức bình quân chung. Cụ thể, thị trường Thái Lan dừng ở mức gần 20.100 USD/xe và Indonesia còn thấp hơn nhiều với khoảng 14.000 USD/xe.
Nguyên nhân bởi xe nhập từ Thái Lan và Indonesia được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô trong nước đang phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là ô tô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia).
Trong vòng 7 – 10 năm tới, ô tô trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Ngành công nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 4 năm trở lại đây
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tăng 10,2% và 9 tháng tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 9,2%; quý II tăng 9,5%; quý III tăng 10,2%). Nhìn chung 9 tháng đầu năm 2019, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá.
Theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm, một điểm dễ nhận thấy là từ đầu năm tới nay, chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng tháng sau cao hơn tháng trước. Như tháng đầu tăng 7,9%; 2 tháng tăng 9,2%; 3 tháng tăng 9,2%; 4 tháng tăng 9,1%; 5 tháng tăng 9,5%; 6 tháng tăng 9,4%... đến 9 tháng tăng 9,6%.
Cụ thể từng nhóm ngành cho thấy đều có những chuyển biến và kết quả khả quan: Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo 9 tháng tăng 10,8% so với cùng kỳ (quý I tăng 10,1%; quý II tăng 10,7%; quý III tăng 10,8%) .
Một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng; sản xuất kim loại; khai thác quặng kim loại tăng; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; khai thác than cứng và than non; sản xuất đồ uống.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2019 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 12,2%).
Như vậy, nhìn chung ngành công nghiệp 9 tháng năm 2019 tăng trưởng cao với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 9,56% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm.
Còn 1 năm để chuẩn bị hạ tầng dùng hóa đơn điện tử
Thực hiện Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 68 để cụ thể hóa một số điều của Nghị định 119/2018 về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Theo đó, chỉ còn một năm nữa để doanh nghiệp chuẩn bị, đến ngày 1-11-2020, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử.
Từ nay, để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin dùng đăng ký, sử dụng, tra cứu và chuyển dữ liệu lập hóa đơn điện tử theo quy định, thì các đơn vị, cá nhân kinh doanh thực hiện theo quy định cũ.
Tuy nhiên, kể từ 1-1-2020 mà các bên phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế và lập hóa đơn điện tử mới (hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã) thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót.
Ngoài ra, Thông tư 68 quy định, đối với tổ chức sự nghiệp công lập (cơ sở giáo dục công lập, cơ sở y tế công lập) đã sử dụng phiếu thu tiền thì tiếp tục dùng phiếu thu tiền.
Trường hợp cơ quan thuế thông báo chuyển đổi để áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, nếu tổ chức sự nghiệp công lập đó chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn kiêm phiếu thu tiền hóa đơn (theo quy định cũ tại Nghị định 51/2010 và Nghị định 04/2014) thì thực hiện chuyển dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì tổ chức sự nghiệp công lập đó phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.