Tin lời bói toán - tiền mất, tội mang

Tin lời những kẻ hành nghề mê tín, dị đoan, nhiều người phải hao tiền tốn của cho những trò 'giải hạn', 'trừ vong', 'cắt duyên âm' và thậm chí là tìm đến cái chết, giết người. Những tưởng, khoa học-công nghệ, trình độ dân trí ngày một phát triển thì người dân sẽ tỉnh táo, cảnh giác hơn trước những lời 'bói ra ma' ấy, nhưng nhiều người vẫn u mê, tạo đất sống cho mê tín, dị đoan...

Cứ vào dịp đầu năm, nhiều đối tượng lại tổ chức hành nghề mê tín, dị đoan nhằm lợi dụng niềm tin tín ngưỡng của người dân. Nổi lên gần dây là trường hợp TTH (sinh năm 1986) ở phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương tổ chức xem bói bằng lá trầu, quả cau, sau đó ghi hình và đăng tải lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Trước sự việc này, Công an thị xã Kinh Môn đã mời TTH lên làm việc và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc”; buộc gỡ bỏ toàn bộ các thông tin liên quan.

Công an thị xã Kinh Môn làm việc với TTH về các hành vi liên quan đến mê tín, dị đoan. Ảnh do cơ quan công an cung cấp

Công an thị xã Kinh Môn làm việc với TTH về các hành vi liên quan đến mê tín, dị đoan. Ảnh do cơ quan công an cung cấp

Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích: "Khoản 1, 2, 3 và 4, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định rõ về tín ngưỡng; hoạt động tín ngưỡng; lễ hội tín ngưỡng; cơ sở tín ngưỡng và được Nhà nước tôn trọng, bảo hộ. Trong khi đó, mê tín được hiểu là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không căn cứ nào để chứng minh, biểu hiện ở việc tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép... dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng, hao tốn thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, thiệt hại về tài sản. Vì sự nguy hại này, Nhà nước nghiêm cấm mọi hình thức mê tín, dị đoan và có chế tài thích đáng với người vi phạm. Tùy mức độ, hậu quả mà người thực hiện hành vi bói toán, xem tướng số hoặc các hoạt động mê tín, dị đoan khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự theo quy định Điều 320, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017".

Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ mê tín, dị đoan vẫn tồn tại là bởi nhận thức của người dân còn kém nên khi thiếu niềm tin, cảm thấy bất an, họ thường tìm đến thế giới siêu nhiên, cầu mong sự phù hộ, che chở. Tâm lý này thể hiện ở việc nhét tiền, xoa tiền vào tượng ở nơi thờ tự; đốt nhiều vàng mã vì cho rằng càng nhiều lễ vật, thần linh càng phù hộ nhiều... Không những thế, các đối tượng hành nghề mê tín, dị đoan cũng ngày một tinh vi, xảo quyệt hơn. Chúng thường tìm hiểu và nắm bắt kỹ về thông tin người có nhu cầu cũng như gia đình, công việc của họ để đưa ra “phán xét” đánh trúng vào tâm lý. Khi đã nắm được tâm lý, chúng sẽ dễ bề thao túng để sai khiến người dân thực hiện theo các yêu cầu.

Còn PGS, TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học đánh giá: “Trong mấy chục năm qua, đây có lẽ là thời kỳ mê tín, dị đoan phát triển nhất ở nước ta, do mấy nguyên nhân chính sau: Trước nhu cầu bảo đảm vật chất, tinh thần, con người phải hành động, làm việc và có người đạt được, người không. Cái được-mất ngày nay rất phức tạp, có thể bằng khả năng thực sự của con người nhưng cũng có người nhờ may mắn, có người lại bằng các mối quan hệ lợi ích nhóm, tiêu cực như nhiều vụ việc bị phanh phui thời gian vừa qua... Đây là một trong những tiền đề để người ta tin rằng, bên cạnh sự vận động của các cá nhân thì còn có lực lượng siêu nhiên, thần linh hỗ trợ. Nguyên nhân nữa là việc chống mê tín, dị đoan bị lơi lỏng, thậm chí có chiều hướng buông xuôi. Ngay cả những người có trách nhiệm cũng đi dâng cúng, dù là lòng thành hay vì lý do gì thì khi nhìn vào đấy, người dân dễ cho rằng “cán bộ cũng tín thế cơ mà”. Đẩy lùi mê tín, dị đoan là một cuộc đấu tranh lâu dài. Nhưng trước hết, cần xây dựng xã hội công bằng, minh bạch để con người phát triển được bằng chính năng lực, tài năng, ý chí chứ không phải bằng sự may rủi, bằng các mối quan hệ mờ ám. Xã hội mà càng không minh bạch, việc làm giàu bằng may rủi, phi pháp bao nhiêu thì càng là cơ sở gốc rễ dẫn đến mê tín, dị đoan. Cùng với đó, trong truyền thông, giáo dục cần làm tốt hơn để khai sáng nhận thức tâm linh cho người dân, tránh nói một đằng làm một nẻo”.

Mới đây, ngày 11-1-2023, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị can Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1971), trú tại phường Kim Liên, quận Đống Đa (Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, Hà thấy chị H (sinh năm 1994, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) chưa có chồng nên giới thiệu mình là thầy bói và nói rằng chị H bị “vong âm bám theo, đường tình duyên gặp khó khăn”, cần chuẩn bị tiền, vàng để làm lễ “cắt vong âm”. Sau khi nhận của chị H số tiền gần 1,4 tỷ đồng, 2 chỉ vàng ta, 1 dây chuyền vàng, Hà chiếm đoạt tổng số tiền để chi tiêu cá nhân, mua xe máy, cho người thân vay... Tổng hợp các hình phạt, hội đồng xét xử buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 16 năm 9 tháng tù. Trước đó, hẳn nhiều người còn nhớ sự việc đau lòng xảy ra vào cuối tháng 11-2017 tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Chỉ vì mù quáng tin lời thầy bói “cháu nội là nghiệp chướng” mà bà nội ra tay sát hại cháu 20 ngày tuổi... Đây chính là lời cảnh tỉnh cho những ai còn tin vào bói toán, mê tín, dị đoan!

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tin-loi-boi-toan-tien-mat-toi-mang-719763