Tin sáng 17/3: Hà Nội 'mở toang' dịch vụ, karaoke, massage được hoạt động chưa?; đã có 1 tỉnh tạm ngừng công bố ca mắc COVID-19 mỗi ngày

Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống được hoạt động bình thường; vậy các ngành dịch vụ: karaoke, vũ trường, massage, spa… đã được hoạt động trở lại chưa?; Bên cạnh việc tạm ngừng công bố ca mắc COVID-19, ngành chức năng Bình Dương thực hiện quản lý chặt nhóm nguy cơ cao để giảm tỉ lệ tử vong và biến chứng nặng.

Hà Nội "mở toang" dịch vụ, karaoke, massage được hoạt động chưa?

Hình ảnh thực khách tại các hàng quán trên phố Tạ Hiện đêm qua (15/3), sau khi Hà Nội bỏ quy định hàng quán phải đóng cửa sau 21h (Ảnh: Tố Linh).

Hình ảnh thực khách tại các hàng quán trên phố Tạ Hiện đêm qua (15/3), sau khi Hà Nội bỏ quy định hàng quán phải đóng cửa sau 21h (Ảnh: Tố Linh).

Trao đổi với PV Dân trí sáng 16/3, đại diện UBND quận Hà Đông cho biết, sau khi UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 735/UBND-KGVX về việc triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong "tình hình mới", địa phương này sẽ tiếp xây dựng các văn bản liên quan để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố.

Theo đó, quận Hà Đông sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng vaccine; cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống được phép hoạt động bình thường...

"Riêng các loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện như karaoke, vũ trường, massage, spa... trên địa bàn thì chưa cho hoạt động trở lại" - đại diện quận Hà Đông thông tin thêm.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện một quận nội thành Hà Nội cũng khẳng định, quận này sẽ ban hành văn bản thực hiện đúng nội dung mà thành phố đã ban hành.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống sẽ được phép hoạt động bình thường (không phải đóng cửa trước 21h hàng ngày), đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế và các quy định liên quan.

Trả lời câu hỏi về việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động bình thường có đồng nghĩa với việc cho phép các ngành nghề như karaoke, vũ trường, massage, spa… hoạt động trở lại không, thì vị này nhấn mạnh là không.

Bởi lẽ, các dịch vụ nói trên thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Hiện thành phố vẫn chưa cho phép các dịch vụ kinh doanh có điều kiện này hoạt động trở lại.

Liên quan đến thắc mắc này, một cán bộ (đề nghị giấu tên) có trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện ban hành văn bản cho hay, thành phố nên bổ sung rõ quy định tiếp tục cấm dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa… trong văn bản số 735/UBND-KGVX. Bởi lẽ, theo vị này, việc văn bản ghi "cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động bình thường" sẽ mang hàm ý các dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa… cũng được hoạt động trở lại.

"Karaoke, vũ trường, massage, spa… cũng thuộc các loại hình kinh doanh dịch vụ, chỉ khác biệt hơn ở chỗ nhóm ngành nghề này là ngành nghề kinh doanh dịch vụ có điều kiện" - vị này lý giải

Hãy cho phép bản thân... mệt ít ngày sau COVID-19

Khi bị bệnh bởi siêu vi (virus), bao giờ cơ thể cũng mất đi một nguồn năng lượng lớn để đánh bại virus, tạo ra kháng thể. Bởi dù bạn có uống thuốc điều trị các triệu chứng, thì thật ra vẫn là cơ thể bạn tự đánh bại virus là chủ yếu.

Virus càng mới, cơ thể chưa được "tập trận" nhiều thì càng tốn nhiều năng lượng. SARS-CoV-2 là một virus mới. Vì thế cho dù bạn khỏe, bệnh nhẹ, bạn vẫn có cảm giác mất năng lượng và gặp những vấn đề đặc trưng.

Đó là những dấu hiệu như thấy tay chân rã rời, mau xuống sức, cảm thấy mình yếu hơn nhiều so với trước khi bệnh, kém tập trung, uể oải khi làm việc, học tập, rụng tóc... mà nhiều người vẫn lo lắng và cho là hậu COVID-19.

Đã có những tỉnh nào cho F0 đi làm?

Các trường hợp F0, F1 tại các cơ sở sản xuất, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tại Cà Mau được làm việc trực tiếp. Ảnh: Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau

Các trường hợp F0, F1 tại các cơ sở sản xuất, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp tại Cà Mau được làm việc trực tiếp. Ảnh: Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau

Ngày 16/3, thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Cà Mau cho biết tại cuộc họp giao ban giữa Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương ban hành quy định tạm thời về việc đi làm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... là F0 , F1.

Theo đó, các trường hợp F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, F1 có nguy cơ, nguy cơ cao được đi làm việc, nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo nguyên tắc không tiếp xúc với người khác; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... hỗ trợ người lao động xét nghiệm 2 lần/tuần, bố trí sản xuất, kinh doanh khoa học, hợp lý nhất và đảm bảo an toàn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bình Dương tạm ngưng công bố ca mắc COVID-19 mỗi ngày

Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3, chậm nhất đến ngày 20/3 phải hoàn thành

Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine mũi 3, chậm nhất đến ngày 20/3 phải hoàn thành

Thời gian gần đây, ca mắc COVID-19 ở Bình Dương có xu hướng tăng cao nhưng địa phương này tạm thời ngưng công bố số ca mỗi ngày vì không còn phù hợp trong tình hình mới. Thêm nữa, có nhiều người nhiễm nhưng không khai báo dẫn đến số liệu không chính xác, không đánh giá đúng tình hình thực tế dịch bệnh.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết mặc dù thống kê số liệu ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua trên địa bàn có xu hướng tăng nhưng hầu hết không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Sở Y tế Bình Dương đang trình UBND tỉnh xem xét ra văn bản chính thức về việc tạm ngưng công bố ca mắc COVID-19 trên địa bàn.

Bộ Y tế bỏ quy định cách ly khách nhập cảnh

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, khách nhập cảnh được phép rời khỏi nơi lưu trú. (Ảnh minh họa - Ảnh: dangcongsan.vn)

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, khách nhập cảnh được phép rời khỏi nơi lưu trú. (Ảnh minh họa - Ảnh: dangcongsan.vn)

Ngày 15/3, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh Việt Nam.

Đối với người nhập cảnh theo đường hàng không, Bộ Y tế yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP, hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.

Đối với người nhập cảnh theo các đường khác (đường bộ, đường thủy, đường sắt), trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm như quy định nêu trên, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên) kể từ khi nhập cảnh.

Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, khách nhập cảnh được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, khách nhập cảnh phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc chưa từng nhiễm SARS-CoV-2 đều được nhập cảnh, tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Người nhập cảnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng PC-COVID trong thời gian lưu trú tại Việt Nam theo quy định.

Tại cửa khẩu, nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2 (sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu, tiêu chảy, khó thở; viêm đường hô hấp...), khách nhập cảnh cần báo ngay cho cơ quan y tế.

Trong 10 ngày kể từ ngày nhập cảnh, khách cần tự theo dõi sức khỏe, nếu có các triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2 phải thông báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất; thực hiện các biện pháp phòng bệnh: thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay bằng dung dịch sát khuẩn.

Đối với người chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, Bộ Y tế yêu cầu trong suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu nhập cảnh về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường; tránh tiếp xúc gần người xung quanh, đặc biệt là người già (trên 65 tuổi), phụ nữ có thai, người có bệnh nền.

Hàng quán đã được mở lại như thế nào

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tin-sang-17-3-ha-noi-mo-toang-dich-vu-karaoke-massage-duoc-hoat-dong-chua-da-co-1-tinh-tam-ngung-cong-bo-ca-mac-covid-19-moi-ngay-172220316132341931.htm