Tin sáng 3/3: Dừng hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19; F0 có nên uống nhiều thuốc bổ, có gội đầu được không?

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin về việc dừng thực hiện Quyết định 3749 ngày 15/12/2021 về chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Dùng quá nhiều thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch, như việc sử dụng 3-4 loại vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm, là hoàn toàn không cần thiết. Khi có bệnh mà cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường thì vẫn tắm, gội đầu.

Dừng hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Số lượng đoàn viên, người lao động nhiễm COVID-19 (F0) đang tăng nhanh chóng

Số lượng đoàn viên, người lao động nhiễm COVID-19 (F0) đang tăng nhanh chóng

Ngày 1/3/2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 4292 liên quan đến chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, quyết định dừng thực hiện chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Quyết định số 3749 ngày 15/12/2021 của kể từ ngày 1/3/2022.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, việc chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mắc bệnh COVID-19 (kể cả F0 tử vong) từ ngày 1/3 trở đi được giao cho các cấp công đoàn thực hiện theo phân cấp tài chính quy định tại các Quyết định số 4290 quy định về thu, chi, quản lý tài chính, tài sản công đoàn cơ sở...

Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho các đối tượng bị nhiễm COVID-19 trước ngày 1/3/2022 theo Quyết định số 3749 được thực hiện chậm nhất đến ngày 31/3/2022.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, Quyết định số 3749 đã có hiệu quả nhất định trong việc đảm bảo chi hỗ trợ cho đối tượng đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong bối cảnh "bình thường mới"

Áp dụng các quyết định hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trong hai năm qua các cấp Công đoàn đã chi hơn 5,8 nghìn tỷ đồng chăm lo cho người lao động.

Vì sao có kết quả âm tính giả, dương tính giả khi test nhanh COVID-19?

Nhiều người có biểu hiện bệnh rất rõ ràng nhưng khi sử dụng test nhanh kết quả âm tính, còn PCR là dương tính. (Ảnh minh họa)

Nhiều người có biểu hiện bệnh rất rõ ràng nhưng khi sử dụng test nhanh kết quả âm tính, còn PCR là dương tính. (Ảnh minh họa)

Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), F0 tăng nhanh những ngày gần đây khiến người dân rơi vào trạng thái lo lắng quá và quá lạm dụng kit test xét nghiệm, đặc biệt là test nhanh.

Đặc điểm của test nhanh chính là độ nhạy nhưng đôi khi độ nhạy "không tốt lắm" dẫn đến tỷ lệ dương tính giả, âm tính giả. Thực tế, nhiều người có biểu hiện bệnh rất rõ ràng như ho, sốt, đau người… nhưng khi sử dụng test nhanh kết quả âm tính, còn PCR là dương tính.

"Những trường hợp âm tính giả như vậy không hề thấp", BS Phúc nói.

F0 có nên uống nhiều thuốc bổ?

Dùng quá nhiều thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch, như việc sử dụng 3-4 loại vitamin C, hoặc 3-4 loại đều có kẽm, là hoàn toàn không cần thiết. Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung kẽm, vitamin C, viatmin D liều cao... có thể giúp người bệnh Covid-19 nhanh bình phục hơn. Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học là chưa rõ ràng, chưa có tính thuyết phục cao.

Mỗi ngày, F0 chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ. Quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt. Các thuốc hay thực phẩm chức năng có tác dụng tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, bạn có thể chọn loại thuốc hay thực phẩm chức năng phù hợp, dùng với liều vừa phải và nên dùng lâu dài thì mới hiệu quả.

Ngoài ra, nhiều người vì lo lắng nên mua quá nhiều loại thuốc không tác dụng, không được khoa học kiểm chứng. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Không có loại thần dược nào giúp tăng sức đề kháng chỉ trong vài ngày. Điều bạn cần làm là thực hiện tốt các hướng dẫn về bảo hộ và súc họng bằng dung dịch chứa povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12-0,2%. Trước và sau khi súc các dung dịch này nên súc thêm nước muối sinh lý. Mỗi ngày súc 3-4 lần.

F0 tăng liên tục, cấp độ dịch ở Hà Nội và các tỉnh thành thay đổi thế nào?

So với một tuần trước đó, số địa phương vùng xanh giảm 6 tỉnh, thành và địa phương vùng vàng tăng lên 1 tỉnh, thành.

Cụ thể, 39 tỉnh thành thuộc vùng xanh - dịch cấp độ 1: Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, TP Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, TP Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, TP HCM, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh.

Riêng với Hà Nội, thời gian qua ca mắc liên tục dẫn đầu cả nước. Theo đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất, thành phố có 283 xã, phường, thị trấn cấp độ 1 (vùng xanh); 222 địa phương cấp độ 2 (vùng vàng); 74 địa phương cấp độ dịch 3 (vùng cam).

19 tỉnh, thành thuộc vùng vàng - dịch cấp độ 2: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, TP Hải Phòng, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Phú Yên, Đắk Lắk và Đắk Nông.

5 tỉnh, thành phố thuộc vùng cam - dịch cấp độ 3, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Phú Thọ và Yên Bái. Trước đó các tỉnh này đều thuộc vùng xanh và vùng vàng.

F0 có gội đầu được không?

Hãy lắng nghe cơ thể mình để thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cá nhân phù hợp (ảnh minh họa)

Hãy lắng nghe cơ thể mình để thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe và vệ sinh cá nhân phù hợp (ảnh minh họa)

Theo TS. Phạm Việt Hoàng, nguyên Phó giám đốc BV Tuệ Tĩnh. Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, COVID – 19 theo quan điểm của y học cổ truyền là goi là chứng "ôn dịch" của học thuyết "Ôn bệnh học" và có tên "Cảm mạo ôn bệnh".COVID - 19 là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan. Theo nguyên lý Y học cổ truyền thì vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng "Phế, Tỳ"(hô hấp, tiêu hóa), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là "thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp). Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm, ... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.

Về thông tin bị COVID -19 có được gội đầu hay không, TS. Hoàng chia sẻ, người bệnh hãy lắng nghe cơ thể mình. Khi có bệnh mà cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường thì vẫn tắm, gội đầu. Mặc dù vậy, người bệnh cần phải tuân thủ các nguyên tắc như gội đầu bằng nước ấm, gội nhanh, gội trong phòng kín gió, có thể dùng các loại lá thảo dược như hương nhu, sả, bồ kết...để gội.

13 xã, phường tại TP.HCM thành vùng cam

Theo báo cáo đánh giá cấp độ dịch của TP.HCM, từ 21/2 đến 27/2, TP.HCM có 222/312 phường, xã đạt cấp 1 (vùng xanh); 77 phường, xã cấp 2 (vùng vàng) và 13 địa phương tăng lên cấp độ 3 (vùng cam).

13 xã, phường ở vùng cam, cụ thể là: Phường 3 (quận 5); phường 5, 7, 11, 12 (quận 10); phường 11 (quận 11); xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh); xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn); phường Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B, An Phú, An Lợi Đông (TP Thủ Đức).

Thành phố không có phường, xã ở cấp độ 4. Tuy nhiên, số địa phương ở cấp 3 tăng 12 xã, phường so với tuần trước đó (từ 14/2 đến 20/2 chỉ có một địa phương vùng cam).

Các phường, xã thuộc vùng cam nằm tại quận 5, quận 10, quận 11, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức.

Phụ huynh đồng ý cho trẻ từ 5-11 tuổi tiêm vaccine nhưng vẫn còn nhiều lo lắng

Hiện số ca F0 và F1 là giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục gia tăng gây khó khăn cho việc dạy trực tiếp (Ảnh: Vũ Hường)

Hiện số ca F0 và F1 là giáo viên, học sinh tại các cơ sở giáo dục gia tăng gây khó khăn cho việc dạy trực tiếp (Ảnh: Vũ Hường)

Sau hơn 2 tuần khối tiểu học được đến trường, anh Võ Hồng Thuận ở quận Bình Thạnh cho biết, trong lớp của con anh liên tục xuất hiện F0, tuy nhiên, cả nhà từng mắc COVID-19 nên anh không cảm thấy quá lo lắng. Về vấn đề tiêm vaccine, hai vợ chồng anh Thuận tranh cãi khá nhiều, anh đồng ý tiêm cho con nhưng vợ lại không bởi vaccine này còn mới, có thể có tác dụng phụ sau này. Anh Thuận cũng mong có thêm nhiều thông tin cụ thể về tính an toàn, tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi để phụ huynh đỡ hoang mang.

"Tới giờ tôi cũng thấy chưa có trường hợp nào nghiêm trọng, chỉ nghe đồn thôi cũng chưa biết chính xác như thế nào. Mấy đưa nhỏ này cũng nên cho tiêm để có sức đề kháng"- anh Thuận nói.

Theo khảo sát, ở một số quận huyện của TP.HCM tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con tiêm vaccine giảm dần theo độ tuổi. Như tại Quận 8, tỷ lệ đồng thuận ở khối lớp 6 khoảng 95%, khối tiểu học khoảng 80% và trẻ 5 tuổi chỉ hơn 60%. Đa phần phụ huynh đều có tâm lý lo sợ vaccine sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển sau này của trẻ.

F0 tăng cao mỗi ngày, Cà Mau vẫn cho học sinh đến trường học trực tiếp

Số ca mắc COVID-19 của Cà Mau có chiều hướng tăng mỗi ngày, nguy cơ bùng phát dịch trở lại (Ảnh minh họa: Huỳnh Hải).

Số ca mắc COVID-19 của Cà Mau có chiều hướng tăng mỗi ngày, nguy cơ bùng phát dịch trở lại (Ảnh minh họa: Huỳnh Hải).

Đối với việc dạy và học trực tiếp, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Ban giám hiệu các trường học nắm, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Đối với bậc mầm non vẫn tổ chức dạy và học trực tiếp, nhưng theo nhu cầu của phụ huynh, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch. Phụ huynh tự test nhanh cho con cháu theo quy định, nếu phát hiện F0 cách ly tại nhà.

Đối với cấp Tiểu học, THCS, THPT tiếp tục dạy và học trực tiếp. Phụ huynh tự test nhanh cho con em theo quy định, nếu âm tính đi học, dương tính thì cách ly, điều trị.

Các trường tổ chức test nhanh ngẫu nhiên, nếu phát hiện trường hợp dương tính thực hiện các bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trường học, lớp học có học sinh F0, vừa tổ chức dạy trực tiếp, kết hợp dạy trực tuyến nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập.

Theo Bí thư Cà Mau Nguyễn Tiến Hải, những người mắc bệnh có thể gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, ảnh hưởng sức khỏe về sau (di chứng hậu Covid-19), đặc biệt là đối với trẻ em, người lớn tuổi. Do đó, khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là, khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19 phải báo ngay cơ sở y tế để hướng dẫn cách ly, theo dõi, điều trị kịp thời. Đặc biệt, không tự ý sử dụng thuốc kháng virus khi chưa có hướng dẫn của cơ quan y tế để giảm thiểu thấp nhất tình trạng chuyển nặng và tử vong.

Bí thư Cà Mau đề nghị đối với các hộ gia đình, cơ quan Nhà nước, công ty, xí nghiệp… phải tự test nhanh định kỳ 2 lần/tuần để kiểm tra sức khỏe. Nếu phát hiện F0, cách ly, điều trị theo quy định; còn trường hợp F1 cách ly, theo dõi đến khi F0 có kết quả xét nghiệm âm tính thì F1 mới trở lại sinh hoạt bình thường.

Đối với những địa phương có nhiều ca F0, tiếp tục sử dụng đội ngũ cộng tác viên trong hỗ trợ điều trị F0, việc này tránh để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi và hỗ trợ y tế kịp thời.

"Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch; kịp thời kiểm điểm, phê bình đối với những trường hợp lơ là; đồng thời, hạ bậc thi đua khi đánh giá xếp loại cuối năm. Các địa phương để xảy ra tình trạng số ca mắc tăng nhiều, chuyển cấp độ dịch ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội thì người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh", Bí thư Cà Mau Nguyễn Tiến Hải quyết liệt.

Học sinh Hồ Chí Minh sẽ phải học online nếu 50% F0,F1

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tin-sang-3-3-dung-ho-tro-doan-vien-nguoi-lao-dong-bi-anh-huong-boi-covid-19-f0-co-nen-uong-nhieu-thuoc-bo-co-goi-dau-duoc-khong-172220302112008223.htm