Tin thế giới 11/11: Tổng thống Nga không phát biểu ở G20, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản 'mất ghế'
Moscow đã rút hết quân khỏi Kherson, Đức gia hạn cho nhà máy hạt nhân, ông Netanyahu sẽ được đề nghị lập chính phủ mới… là một số sự kiện quốc tế nổi bật 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga-Ukraine
* Nga hoàn tất việc rút quân khỏi Kherson: Tại họp báo thường kỳ ngày 11/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo các lực lượng nước này đã rút hoàn toàn khỏi hữu ngạn sông Dnipro, ở Kherson.
Theo đó, sáng ngày 11/11, Nga đã hoàn tất việc rút quân; tất cả các lực lượng và thiết bị của Nga đã được chuyển sang tả ngạn sông Dnipro. Bộ này cũng khẳng định Moscow không bị thiệt hại về nhân lực hoặc thiết bị trong quá trình rút quân. (Reuters/TASS)
Mỹ-Nga
* Mỹ-Nga có thể đàm phán về New START tại Ai Cập: Ngày 11/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết cuộc họp của ủy ban tham vấn song phương Nga-Mỹ về Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) có thể được tổ chức trong khoảng từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 tại Cairo (Ai Cập).
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết hai bên đã nhất trí rằng ủy ban trên sẽ nhóm họp trong tương lai gần theo các điều khoản của hiệp ước.
Hiệp ước START mới được ký giữa Nga và Mỹ vào năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011 và được giai hạn lần gần đây nhất tháng 2/2021.
Theo hiệp ước, mỗi nước chỉ có thể sở hữu 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. (Reuters/RIA)
Mỹ-Trung
* Trung Quốc xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Joe Biden: Ngày 11/11, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/11 xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia cùng Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan vào tuần tới.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung nói trên sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ.
Trước đó, ngày 10/11, trả lời họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Mỹ nên phối hợp với Trung Quốc để tránh hiểu lầm và đánh giá sai.
Theo ông, Bắc Kinh cam kết chung sống hòa bình với Washington, nhưng vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) vẫn là lợi ích cốt lõi của nước này. Mỹ cần dừng việc “vũ khí hóa” các vấn đề thương mại và có hành động thực chất để bảo vệ vai trò của nền kinh tế thị trường. (Reuters)
Châu Âu
* Tổng thống Nga không phát biểu trực tuyến tại G20: Ngày 11/11, Điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) qua hình thức trực tuyến.
Giải thích cho sự vắng mặt của ông Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết điều đó liên quan đến kế hoạch làm việc của Tổng thống và ông cần ở lại Nga.
Trước đó, ngày 10/11, một quan chức Indonesia từng nói rằng Tổng thống Nga sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào tuần tới và ông Putin sẽ chỉ tham gia một trong các phiên họp dưới hình thức trực tuyến. Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Nga tham dự sự kiện tại quốc gia Đông Nam Á. (Reuters)
* IMF tiếp tục thảo luận về chính sách với Ukraine: Ngày 11/11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo cơ quan này bắt đầu thảo luận về chính sách với Ukraine sau cuộc họp tại Vienna (Áo) vào tháng trước, trong lúc Kiev phải đối phó với tác động kinh tế từ xung đột Nga-Ukraine.
Phái đoàn của IMF sẽ do ông Gavin Grey, trưởng phái bộ của tổ chức này ở Ukraine dẫn đầu. Về phần mình, Thống đốc ngân hàng trung ương Ukraine Andriy Pyshny cho biết các cuộc thảo luận sẽ kéo dài đến ngày 17/11.
Hiện giới chức Ukraine đang muốn IMF cung cấp một khoản vay mới trị giá 20 tỷ USD như một phần của một chương trình hỗ trợ lớn hơn. (Reuters)
* Đức gia hạn hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân: Ngày 11/11, Quốc hội Đức đã biểu quyết thông qua việc kéo dài hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại theo đề xuất của chính phủ. Cụ thể, theo quy định sửa đổi, 3 nhà máy này Isar 2, Neckarwestheim 2 và Emsland sẽ được kéo dài hoạt động tới ngày 15/4/2023 như đề xuất của Berlin, thay vì hạn 31/12 như trước đó.
Tuy nhiên, Quốc hội Đức cũng nhấn mạnh sẽ không mua sắm các thanh nhiên liệu mới để phục vụ hoạt động kéo dài của các nhà máy điện hạt nhân.
Quốc vụ khanh Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, An toàn hạt nhân và Bảo vệ người tiêu dùng Đức Christian Kuhn nhận định quyết định này là không hề dễ dàng, khi chính sách nhất quán của Berlin là loại bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, kéo dài hoạt động 3 nhà máy còn lại chỉ là giải pháp tạm thời để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại. (TTXVN)
Đông Bắc Á
* Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản bị cách chức: Ngày 11/11, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã quyết định cách chức Bộ trưởng Tư pháp Hanashi Yasuhiro sau khi ông này có phát ngôn gây tranh cãi.
Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp của các nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền hôm 9/11, ông Hanashi nói rằng bộ trưởng tư pháp là vị trí không có gì nổi bật và chỉ xuất hiện trong các chương trình thời sự sau khi đóng dấu vào tài liệu thi hành án vào buổi sáng.
Chính trị gia này tuyên bố: “Làm bộ trưởng tư pháp sẽ không giúp huy động được nhiều tiền hay đảm bảo được nhiều phiếu bầu”. Nhiều người đã chỉ trích ông Hanashi không tôn trọng vị trí của mình khi đưa ra các phát biểu như vậy.
Ông Hanashi là hạ nghị sĩ của LDP và là thành viên phái Kochikai của Thủ tướng Kishida. Ông từng giữ chức Thứ trưởng Tư pháp và Thứ trưởng Nông-lâm-ngư nghiệp. Ông Hanashi bắt đầu đảm nhận vị trí Bộ trưởng Tư pháp sau khi Thủ tướng Kishida tiến hành cải tổ nội các hồi tháng 8 vừa qua.
Việc ông Hanashi bị cách chức có thể tác động tiêu cực tới nội các của Thủ tướng Kishida sau khi nhiều nghị sĩ LDP bị chỉ trích vì có liên hệ với Giáo hội Thống nhất, tổ chức thu hút sự chú ý của dư luận sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe hôm 8/7.
Trước đó, ông Daishiro Yamagiwa từ chức Bộ trưởng Tái thiết kinh tế vì có quan hệ với Giáo hội Thống nhất, trong khi Bộ trưởng Nội vụ Minoru Terada cũng đang lao đao vì các vụ bê bối quỹ chính trị.
Vụ việc đã buộc ông Kishida phải lùi thời gian công du ba nước Đông Nam Á gồm Campuchia, Indonesia và Thái Lan, từ ngày 11 xuống sáng sớm ngày 12/11. (Kyodo/TTXVN)
Đông Nam Á
* Hàn Quốc phản đối thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố: “Hòa bình và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và thịnh vượng của chúng ta. Bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực không bao giờ được dung thứ.”
Nhà lãnh đạo này nêu rõ, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc sẽ thúc đẩy một khu vực “tự do, hòa bình và thịnh vượng” tôn trọng trật tự dựa trên luật lệ. Ông khẳng định sẽ thúc đẩy nỗ lực dựa trên luật lệ nhằm ngăn ngừa xung đột và đảm bảo nguyên tắc giải quyết hòa bình thông qua đối thoại.
Đồng thời, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy thịnh vượng kinh tế chung trên cơ sở “trật tự mở, công bằng” và đẩy mạnh hợp tác với các nước ASEAN để tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu và an ninh kinh tế. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* Tổng thống Israel sẽ đề nghị ông Netanyahu thành lập chính phủ mới: Ngày 11/11, Văn phòng Tổng thống Israel cho biết Tổng thống Isaac Herzog sẽ đề nghị cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu thành lập chính phủ mới ngày 13/11 tới.
Thông báo trên được đưa ra sau khi ông Herzog kết thúc tham vấn chính trị cùng ngày với các đảng phái thắng cử, trong đó 64 nghị sĩ Quốc hội Israel khuyến nghị ông Netanyahu thành lập liên minh mới.
Trước đó, đảng Likud của cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đứng đầu với 32 ghế trong cuộc bầu cử hồi tuần trước, tạm thời chấm dứt tình trạng bế tắc chưa từng có ở Israel với 5 cuộc bầu cử trong chưa đầy 4 năm. Hiện chính trị gia này được cho là có khả năng sẽ liên minh với các đảng cực hữu và tôn giáo để đạt được đa số ổn định trong Quốc hội. (Reuters)