Tin thế giới 19/7: Moscow bác tin 'đàm phán bí mật với Mỹ' về Ukraine, cháy lớn tại căn cứ quân sự ở Crimea, nhà ngoại giao Nhật Bản bị tấn công ở Mỹ

Nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng ở Mali, Trung Quốc chặn lô hàng nhập từ Nhật Bản, Tổng thống Putin không đến Nam Phi dự Thượng đỉnh BRICS… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Khói và lửa bốc lên từ một vụ nổ tại một khu huấn luyện quân sự ở quận Kirovske, Crimea, ngày 19/7/2023. (Nguồn: STRINGER/ REUTERS)

Khói và lửa bốc lên từ một vụ nổ tại một khu huấn luyện quân sự ở quận Kirovske, Crimea, ngày 19/7/2023. (Nguồn: STRINGER/ REUTERS)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Châu Á

* Hàn-Mỹ-Nhật nhóm họp về vấn đề Triều Tiên: Đặc phái viên Hàn Quốc về hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, ông Kim Gunn ngày 19/7 đã đến Tokyo để nhóm họp cùng các đồng cấp Nhật Bản và Mỹ bàn về vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Nội dung cuộc họp giữa ba bên lần này được cho là sẽ tập trung thảo luận cách thức ứng phó với các động thái của Triều Tiên gần đây, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) sử dụng nhiên liệu rắn Hwasong-18 hồi tuần trước.

Đây là vụ phóng ICBM thứ 12 của Triều Tiên kể từ đầu năm 2013. Hồi tháng 4 vừa qua, các quan chức ba nước cũng đã tiến hành hội đàm 3 bên tại Seoul. Trong khuôn khổ cuộc họp lần này, ông Kim Gunn dự kiến có các cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản tại Tokyo. (Yonhap)

* Trung Quốc chặn hải sản nhập từ Nhật Bản do lo ngại nhiễm phóng xạ: Ngày 19/7, người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết Hải quan Trung Quốc đã chặn một số lô hàng hải sản của nước này xuất sang Trung Quốc. Động thái này diễn ra sau khi truyền thông địa phương đưa tin Trung Quốc bắt đầu kiểm tra mức độ phóng xạ đối với hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản.

Báo Yomiuri dẫn các nguồn thạo tin cho hay cuộc kiểm tra đại trà này được coi là nhằm gây áp lực đối với kế hoạch của Tokyo trong việc “xả ra biển nước thải nhiễm phóng xạ” đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Trước đó, Nhật Bản đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc - nước nhập khẩu hải sản lớn nhất của Nhật, có thể ngừng mua mặt hàng này sau khi Tokyo “xả nước thải nhiễm xạ ra đại dương”. (Reuters)

* Đại sứ Italy tại Indonesia tuyên bố ủng hộ Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Phát biểu tại một cuộc họp báo trong chuyến thăm cảng Tanjung Priok của tàu ITS Francesco Morosini tại Jakarta, ngày 18/7, Đại sứ Italy tại Indonesia Benedetto Latteri cho biết Italy ủng hộ Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Đại sứ Latteri nói thêm rằng bên cạnh những nhiệm vụ khác, nhiệm vụ của tàu Morosini bao gồm đảm bảo ổn định và hòa bình trong khu vực, phù hợp với lập trường của ASEAN ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Latteri cho biết thêm, Francesco Morosini là con tàu công nghệ cao mới nhất của Italy, được Hải quân nước này đưa vào hoạt động vào tháng 10/2022 và hiện đang trong lần triển khai hoạt động đầu tiên. Tàu đã ra khơi từ tháng 4/2023 và đã dừng ở Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc trước khi đến Indonesia.

Tàu Morosini được thiết kế với các tính năng lưỡng dụng nâng cao để thực hiện cả hai nhiệm vụ quân sự, bao gồm tuần tra, vận chuyển hậu cần và chiến đấu trên mặt nước, cũng như các hoạt động bảo vệ dân sự, sẽ đi đến các cảng khác trước khi quay trở lại Italy vào cuối tháng 9 tới. (TTXVN)

* Hàn Quốc phát tín hiệu cảnh báo Triều Tiên: Ngày 19/7, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã lên tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo USS Kentucky của Mỹ tại một căn cứ Hải quân ở Busan.

Phát biểu tại căn cứ trên, ông Yoon nhấn mạnh: "Việc triển khai tàu USS Kentucky cho thấy rõ cam kết của Hàn Quốc và Mỹ trong việc thường xuyên triển khai các khí tài chiến lược của Mỹ và bảo đảm tính khả tín của khả năng răn đe mở rộng.

Hai nước sẽ phản ứng mạnh mẽ và kiên quyết trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của Triều Tiên thông qua Nhóm tham vấn hạt nhân Hàn-Mỹ (NCG) và triển khai thường xuyên các khí tài chiến lược, chẳng hạn như SSBN".

Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Ohio của Mỹ đến thăm thành phố cảng ở miền Đông Nam Hàn Quốc. Đây là chuyến ghé thăm đầu tiên của một tàu SSBN của Mỹ kể từ năm 1981. (Yonhap)

* Quốc hội Thái Lan hủy đề cử vị trí Thủ tướng đối với ông Pita: Quốc hội Thái Lan ngày 19/7 đã bỏ phiếu thông qua hủy bỏ đề cử vị trí Thủ tướng đối với nhà lãnh đạo đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat.

Trong số 715 nghị sĩ từ lưỡng viện tham gia bỏ phiếu, 394 nghị sĩ đã tán thành việc hủy bỏ đề cử đối với ông Pita, 312 người không ủng hộ, 8 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và 1 người không tham gia bỏ phiếu.

Sau khi kết quả được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha chính thức đưa ra tuyên bố hủy bỏ việc đề cử vị trí thủ tướng đối với ông Pita. Trước đó, lưỡng viện Thái Lan đã có cuộc tranh luận kéo dài hơn 7 giờ về vấn đề này. (TTXVN)

* Moscow bác tin “bí mật đàm phán với Mỹ” về Ukraine: Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 19/7 cho biết thông tin về các cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington về Ukraine hồi tháng 4 vừa qua đều là tin giả.

Bà Zakharova nêu rõ: "Ngoại trưởng Nga Lavrov đã có bất kỳ cuộc đàm phán nào với phía Mỹ như thông đã được phát tán trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Đây là một sự xuyên tạc và giả mạo. Điều này được thực hiện có chủ đích nhằm làm dao động nước Nga từ bên trong”.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sulluvan cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về Ukraine thông qua ông Lavrov tại New York hồi tháng 4. (AFP)

* Cháy lớn tại căn cứ quân sự ở Crimea, phải sơ tán hơn 2 nghìn người: Chính quyền Crimea ngày 19/7 cho biết hơn 2.000 người đã phải sơ tán và một đường cao tốc bị đóng cửa sau khi xảy ra một vụ hỏa hoạn tại cơ sở huấn luyện quân sự ở khu vực Kirovske thuộc bán đảo Crimea.

Thống đốc Crimea Sergei Aksyonov xác nhận "Có kế hoạch sơ tán tạm thời cư dân từ 4 khu định cư với hơn 2.000 người". Cao tốc Tavrida gần đó đã phải đóng cửa một phần, song không rõ nguyên nhân.

Theo cơ quan an ninh Nga và truyền thông Ukraine, kho đạn tại một căn cứ đã bị bốc cháy sau vụ không kích trong đêm của lực lượng Ukraine.(Reuters)

* Quân đội Nga được bổ sung chiến đấu cơ tối tân thế hệ thứ 5: Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố nước này có kế hoạch tăng cường hoạt động chuyển giao chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 cho lực lượng vũ trang Nga. Phát biểu ngày 18/7, Ông Mishustin khẳng định, vào cuối tháng tới, các nhà sản xuất máy bay sẽ bàn giao một lô máy bay Su-57 cho Bộ Quốc phòng Nga.

Thủ tướng Mishustin cho biết thêm, tập đoàn Uralvagonzavod đã giao lô xe tăng T-90M Proryv và T-72BZM theo đúng lịch trình. Ông Mishustin cho biết thêm, lô máy bay Su-57 (theo phân loại của NATO) là chiến đấu cơ đa chức năng thế hệ thứ 5 của Nga, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các loại mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên mặt nước.

Su-57 có tốc độ hành trình siêu âm, vũ khí bên trong thân máy bay và có khả năng "tàng hình". Su-57 cũng được trí tuệ hóa các hệ thống, cho phép loại máy bay này đảm nhận một số nhiệm vụ của phi công, bao gồm cả việc dẫn đường và chuẩn bị sử dụng vũ khí. (TASS)

* Chuyên gia Anh nhận định Ukraine sẽ chịu thất bại nặng nề nếu…: Chuyên gia Robert Clark của viện nghiên cứu Civitas có trụ sở ở London nhận định chính quyền Kiev có thể phải chịu "thất bại nặng nề" và phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.

Trong bài xã luận đăng trên tờ the Daily Telegraph (Anh), ông Clark nêu rõ: "Nếu Kiev thất bại trong nỗ lực chia cắt cây cầu Crimea và không thể giành lại phần lớn lãnh thổ của mình trước mùa Đông, thì những lời kêu gọi về việc nhượng bộ lãnh thổ sẽ trở nên phổ biến hơn - không chỉ ở Ukraine mà có thể từ các quốc gia phương Tây bởi sự "mệt mỏi vì chiến tranh" và lo lắng của các chính trị gia trước các cuộc bầu cử quốc gia sắp tới.

Ông Clark bình luận: "Cuộc giao tranh sẽ bắt đầu dừng lại khi mùa Đông lạnh giá làm suy yếu khả năng tiến hành chiến tranh cường độ cao của quân đội Ukraine. Điều này sẽ chỉ giúp Nga có thêm thời gian để củng cố thêm hệ thống phòng thủ của mình, như đã làm vào mùa Đông năm ngoái... Vào thời điểm này, ở phương Tây, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ, cũng như cuộc tổng tuyển cử ở Anh. (Daily Telegraph)

* Tình báo Anh khẳng định AI không thể thay thế điệp viên: Ngày 19/7, Giám đốc Cơ quan tình báo hải ngoại Anh (MI6) Richard Moore phát biểu tại thủ đô Praha của Cộng hòa Czech cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không thể thay thế các điệp viên người thật.

Ông Moore nhấn mạnh rằng chính phủ và các cơ quan tình báo trên toàn cầu đang tìm cách khai thác sức mạnh của AI, nhưng nó sẽ bổ sung chứ không thay thế con người, vì con người có khả năng khám phá những bí mật ngoài tầm với của công nghệ.

Các điệp viên không chỉ là những người thu thập thông tin thụ động và họ có thể đưa ra những câu hỏi mới mà cơ quan tình báo không biết và thậm chí họ có thể tác động đến các quyết định bên trong một chính phủ hoặc nhóm khủng bố.

Đây là bài phát biểu công khai hiếm hoi trước công chúng của người đứng đầu MI6 kể từ khi nhậm chức vào năm 2020. Trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng, ông Moore cảnh báo rằng Trung Quốc và Nga đang chạy đua để làm chủ các công nghệ như AI và điện toán lượng tử, và điều này sẽ tiếp tục là trọng tâm. (AP)

* Bắc Kinh tuyên bố Mỹ "không thể kiềm chế" Trung Quốc: Ngày 19/7, tại thủ đô Bắc Kinh Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc gặp với nhà ngoại giao kỳ cựu Mỹ Henry Kissinger.

Sau cuộc gặp, ông Vương Nghị tuyên bố Mỹ "không thể kiềm chế hay bao vây" Trung Quốc, song vẫn ca ngợi vai trò của ông Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, vì đã mở ra mối quan hệ ngoại giao giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Vương Nghị khẳng định: “Sự phát triển của Trung Quốc có động lực nội sinh mạnh mẽ và logic lịch sử tất yếu, không thể cố gắng biến đổi Trung Quốc, càng không thể bao vây và kiềm chế Trung Quốc".

Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, "chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc cần sự khôn ngoan ngoại giao kiểu Kissinger và dũng khí chính trị kiểu Nixon", ám chỉ việc cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon, người đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trong khi đó, ông Kissinger, hồi đó giữ chức cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bí mật bay tới Bắc Kinh hồi tháng 7/1971 nhằm thực hiện sứ mệnh thiết lập ngoại giao với Trung Quốc. (AFP/Reuters)

Châu Mỹ

* Nhà ngoại giao cấp cao của Nhật Bản bị tấn công ở Mỹ: Truyền thông địa phương đưa tin, Yuzo Yoshioka, Tổng lãnh sự Nhật Bản ở thành phố Portland, Mỹ đã bị một người phụ nữ đẩy ngã khi đang đi bộ ở khu vực trung tâm của thành phố phía Tây nước Mỹ này vào ngày 17/6.

Lý do nhà ngoại giao Nhật Bản bị tấn công được cho là do “thù hận người châu Á”. Tổng lãnh sự Yuzo Yoshioka bị thương ở đầu sau khi va vào vỉa hè, nói với một sĩ quan cảnh sát rằng kẻ tấn công đã đẩy ngã ông ấy một cách "vô cớ".

Theo các phương tiện truyền thông, đối tượng tấn công, 23 tuổi, đã bị buộc tội thù hận và hành hung, đồng thời cũng bị buộc tội hành hung một người đàn ông 76 tuổi gốc Á vào tháng 8 năm ngoái. (Kyodo)

Châu Đại Dương

* Australia-Mỹ tổ chức Hội nghị tham vấn cấp bộ trưởng: Theo thông cáo báo chí của Australia, vào tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles và Ngoại trưởng Australia Penny Wong sẽ chào đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III và Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken tới thành phố Brisbane để tham dự “Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Australia-Mỹ” (AUSMIN) lần thứ 33.

Thông cáo nêu rõ Mỹ là đồng minh an ninh quan trọng và là đối tác toàn cầu thân thiết nhất của Australia. AUSMIN là diễn đàn chính mà tại đó Australia và Mỹ thiết lập định hướng chiến lược cho liên minh của hai nước.

Tại AUSMIN 2023, Australia và Mỹ sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác toàn diện, bao gồm hợp tác quốc phòng và an ninh, khí hậu và năng lượng sạch cũng như khả năng phục hồi kinh tế. Sau AUSMIN, ông Marles và Bộ trưởng Austin sẽ tới phía Bắc Queensland, nơi các quân nhân Australia và Mỹ đang tham gia Cuộc tập trận Talisman Sabre 2023 với những người đồng cấp đến từ 11 quốc gia đối tác. (AFP)

Trung Đông – châu Phi

* Mỹ yêu cầu Ai Cập trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền bị cầm tù: Ngày 19/7, Mỹ đã kêu gọi Ai Cập trả tự do cho nhà nghiên cứu nhân quyền Patrick Zaki, một ngày sau khi ông bị kết án 3 năm tù vì tội "tung tin thất thiệt".

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố “Quan ngại về bản án 3 năm tù đối với nhà bảo vệ nhân quyền người Ai Cập Patrick Zaki", đồng thời kêu gọi "trả tự do ngay lập tức cho ông và những người khác đang bị giam giữ một cách bất công".

Zaki, 32 tuổi, đã bị bỏ tù vì một bài báo kể lại sự phân biệt đối xử mà ông và các thành viên khác thuộc cộng đồng Cơ đốc giáo Coptic thiểu số ở Ai Cập nói rằng họ đã phải chịu đựng. Trước đó, Zaki đã trải qua 22 tháng bị giam giữ trước khi xét xử, và một lần nữa bị bắt giam hôm 18/7 sau phán quyết của tòa án ở Mansoura, cách thủ đô Cairo 130 km về phía Bắc. (AFP)

* Nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng ở Mali: Phái bộ Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) hôm 18/7 cho biết ít nhất một nhân viên của Phái bộ đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương nặng khi đội tuần tra của họ bị tấn công ở miền Bắc Mali hôm 14/7.

Vụ việc xảy ra gần thị trấn Ber, thuộc vùng Tombouctou - khu vực đã trở thành điểm nóng của các hoạt động thánh chiến trong thập kỷ qua. MINUSMA không nêu tên thủ phạm nhưng nhận định đây là một "cuộc tấn công phức tạp" và sẽ có thông tin cập nhật về thương vong.

Các chiến binh Hồi giáo, một số có liên kết với hai tổ chức khủng bố Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã tiến hành cuộc nổi dậy ở miền Bắc Mali từ năm 2012. Bạo lực đã lan rộng khắp khu vực Sahel cận sa mạc Sahara bất chấp sự can thiệp của quân đội quốc tế.Theo Liên hợp quốc, hàng nghìn người đã thiệt mạng và hơn 6 triệu người phải sơ tán vì giao tranh.

Ít nhất 309 nhân viên MINUSMA đã thiệt mạng ở Mali kể từ khi Phái bộ bắt đầu sứ mệnh ở quốc gia này vào năm 2013, trong đó 174 người chết vì các hành vi ác ý, khiến đây trở thành Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nguy hiểm nhất trên thế giới. (TTXVN)

* Tổng thống Putin không đến Nam Phi dự thượng đỉnh BRICS: Phủ Tổng thống Nam Phi ngày 19/7 thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Nam Phi vào tháng 8 tới, chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về việc nhà lãnh đạo Nga có tham dự sự kiện này hay không.

Trong thông báo, phát ngôn viên của Tổng thống Cyril Ramaphosa, Vincent Magwenya nêu rõ: "Theo sự đồng thuận chung, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh này, nhưng Liên bang Nga sẽ do Ngoại trưởng (Sergei) Lavrov đại diện". (AFP)

Thế Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-197-moscow-bac-tin-dam-phan-bi-mat-voi-my-ve-ukraine-chay-lon-tai-can-cu-quan-su-o-crimea-nha-ngoai-giao-nhat-ban-bi-tan-cong-o-my-235223.html