Tin thế giới 24/8: Xung đột Nga-Ukraine tròn 6 tháng, Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ, ông Bolton khuyên nhủ Australia

Xung đột Nga-Ukraine tròn 6 tháng, Thủ tướng Thái Lan bị đình chỉ, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ khuyên nhủ Australia…là một số tin thế giới nổi bật ngày 24/8.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng, Australia cần tăng ngân sách quốc phòng và theo đuổi các mối quan hệ hợp tác an ninh mới trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters)

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho rằng, Australia cần tăng ngân sách quốc phòng và theo đuổi các mối quan hệ hợp tác an ninh mới trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế ngày 24/8.

Nga-Ukraine

* Nga nói “giảm tốc”, Ukraine khẳng định về Crimea, Mỹ công bố thêm viện trợ quân sự 3 tỷ USD: Ngày 24/8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, việc Moscow giảm tốc độ tấn công tại Ukraine là có chủ đích và xuất phát từ nhu cầu hạn chế thương vong cho dân thường.

Phát biểu tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan, ông Shoigu nêu rõ: “Nga đang làm mọi việc để tránh thương vong cho dân thường. Tất nhiên, điều này làm chậm tốc độ của cuộc tấn công, nhưng chúng tôi đang chủ động làm điều đó”.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu đánh dấu 31 năm Ngày Độc lập và tròn 6 tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Ukraine đã tái sinh khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ngày 24/2 và sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea và các khu vực bị chiếm đóng ở miền Đông.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá gần 3 tỷ USD cho Kiev. Ông chủ Nhà Trắng Biden tuyên bố: "Tôi tự hào thông báo về khoản hỗ trợ an ninh lớn nhất của chúng tôi cho đến nay: Khoảng 2,98 tỷ USD vũ khí và trang thiết bị sẽ được cung cấp thông qua Sáng kiến hỗ trợ an ninh cho Ukraine".

Như vậy, tính đến nay, Washington đã cung cấp 10,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Kiev, kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, ngày 24/2. (AFP/Reuters)

Đông Nam Á

* Thái Lan: Hội nghị Cấp cao APEC không bị ảnh hưởng vì vụ việc ông Prayut: Ngày 24/8, Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon sẽ là thủ tướng tạm quyền cho đến khi Tòa án Hiến pháp đưa ra phán quyết cuối cùng về nhiệm kỳ thủ tướng của Đại tướng Prayut Chan-o-cha.

Ông Anucha cũng cho hay Đại tướng Prayut vẫn ở trong Nội các với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng. Đại tướng Prayut Chan-o-cha hy vọng người dân sẽ tôn trọng quyết định của tòa án và tránh đưa ra những chỉ trích về hiệu quả hoạt động của tòa.

Trước đó cùng ngày, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chấp nhận đơn của các đảng đối lập kiến nghị về thời hạn nhiệm kỳ thủ tướng 8 năm của Đại tướng Prayut và ra lệnh đình chỉ chức vụ thủ tướng đối với ông Prayut cho đến khi có phán quyết của các thẩm phán. Lệnh này có hiệu lực ngay lập tức. Dự kiến, các thủ tục của Tòa án Hiến pháp sẽ được hoàn tất trong vòng một tháng, hoặc vào cuối tháng 9. Trong thời gian này, Nội các sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai tuyên bố việc ông Prayut bị đình chỉ công tác và quyết định cuối cùng của Tòa án Hiến pháp sẽ không ảnh hưởng đến việc Thái Lan đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tháng 11 tới. Ông Don cho biết, Thái Lan còn có 4 tháng để chuẩn bị và Nội các vẫn sẽ thực hiện tất cả nhiệm vụ của mình.

Theo Phó chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan (TCC) Visit Limlurcha, việc chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao APEC vào tháng 11 sẽ tiếp tục, bởi Tòa án Hiến pháp có thể đưa ra phán quyết về nhiệm kỳ của ông Prayut trước khi hội nghị khai mạc. Ngay cả khi Tòa án chưa có phán quyết khi đó, Thủ tướng tạm quyền và các bộ trưởng khác sẽ đứng ra giải quyết công việc.

Về phần mình, phát biểu trước việc ông Prayut bị đình chỉ chức vụ Thủ tướng, Lãnh đạo phe đối lập, thủ lĩnh đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) Cholnan Srikaew nói, ông hài lòng với quyết định tạm thời của Tòa án Hiến pháp nhằm làm dịu căng thẳng chính trị và khả năng xung đột. (Reuters)

* Indonesia tuần tra liên hợp tại các khu vực giáp giới trên biển: Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (Bakamla) sẽ triển khai 17 tàu tuần tra để đảm bảo an ninh tại Eo biển Malacca, Eo biển Singapore và vùng biển của tỉnh Bắc Kalimantan trong khuôn khổ chương trình tuần tra liên hợp quốc gia năm 2022.

Chương trình sẽ có sự tham gia của 200 người từ Hải quân Indonesia, Cảnh sát Đường biển và đường không (Polairud), Cục giám sát Nguồn lợi biển và nghề cá (PSDKP) thuộc Bộ Biển và nghề cá (KKP), Tổng cục Hải quan, và Lực lượng Bảo vệ biển và bờ biển Indonesia (KPLP).

Ngày 23/8, phát biểu tại lễ khởi động chương trình tại thành phố Batam, tỉnh Quần đảo Riau, Giám đốc Bakamla, Phó Đô đốc Hải quân Aan Kurnia cho hay chương trình này sẽ được tiến hành trong 2 tháng và sẽ kết thúc vào giữa tháng 10 tới. Ban đầu, hoạt động này sẽ tập trung tại Eo biển Malacca, Eo biển Singapore và vùng biển ngoài khơi của tỉnh Bắc Kalimantan nhằm trấn áp các hoạt động bất hợp pháp trên biển, như đánh bắt trái phép và buôn người. (Jakarta Post)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc muốn đẩy nhanh đàm phán FTA giai đoạn hai với Hàn Quốc: Ngày 24/8, phát biểu trực tuyến tại một diễn đàn kinh doanh ở Seoul (Hàn Quốc) nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ Trung-Hàn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi đẩy nhanh đàm phán về việc mở rộng hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc. Ông Lý Khắc Cường đánh giá Trung-Hàn là hai nước láng giềng “không thể tách rời” và cần hợp tác để bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng.

Thủ tướng Trung Quốc hy vọng các cuộc đàm phán giai đoạn 2 về Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước có thể nhanh chóng kết thúc. Nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác hữu nghị cùng có lợi, ông Lý đề xuất hai bên làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực như sản xuất hiện đại, kinh tế xanh và kinh tế kỹ thuật số, biến đổi khí hậu.

Về phần mình, Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo kêu gọi nỗ lực tăng cường hợp tác thực chất song phương trong lĩnh vực kinh tế và các vấn đề quốc tế.

Hiện hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán cấp làm việc về việc mở rộng FTA, để bao gồm việc mở cửa thị trường cho các lĩnh vực dịch vụ và đầu tư. Hiệp định FTA Hàn Quốc-Trung Quốc có hiệu lực vào tháng 12/2015, trong đó quy định việc dỡ bỏ nhiều loại thuế quan.

Kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức cao kỷ lục 300 tỷ USD vào năm ngoái, tăng gần 50 lần so với khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. (Yonhap)

Nam Thái Bình Dương

* Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ kêu gọi Australia tăng chi tiêu quốc phòng: Trả lời phỏng vấn truyền thông Australia ngày 24/8 trong chuyến thăm nước này, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã kêu gọi Canberra chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn, bằng cách tăng cường chi tiêu quốc phòng và theo đuổi các quan hệ đối tác an ninh mới với các nước cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cựu cố vấn an ninh dưới thời ông Donald Trump nói: “Đây là thời điểm để Australia tăng chi tiêu quốc phòng... Australia đang muốn giữ vai trò quyết đoán hơn trong các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương so với trước đây”.

Về tình hình khu vực, ông John Bolton cho rằng, không giống như trong Chiến tranh Lạnh, các nước phương Tây như Mỹ và Australia đã bước vào “thế giới hạt nhân ba cực”, nơi có thể xảy ra các cuộc tấn công đồng thời từ hai quốc gia có vũ trang hạt nhân là Nga và Trung Quốc. Cựu quan chức này nhấn mạnh: “Ngay bây giờ, chúng ta đang đứng trước nguy cơ bị Trung Quốc tấn công hạt nhân”.

Ông coi hiệp ước an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) như một “bước đột phá lớn”, đồng thời là mô hình cho các quan hệ đối tác mới khác trong khu vực. Ba nước AUKUS cần nghiên cứu việc chia sẻ công nghệ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Nhật Bản, trong khi tăng cường quan hệ quốc phòng với các quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Singapore và Hàn Quốc.

Về nhóm Bộ tứ, ông Bolton cho rằng cấu trúc này còn “mơ hồ” ở nhiều khía cạnh và cần được tăng cường để trở thành đối trọng với vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực. (Reuters)

Trung Đông - Châu Phi

* Iran phủ nhận liên quan đến mục tiêu bị Mỹ tấn công ở Syria: Viết trên Telegram, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani tuyên bố Tehran không liên quan đến những cơ sở bị Mỹ tấn công ở Syria.

Ông Kanaani nêu rõ: “Cuộc tấn công của Mỹ vào cơ sở hạ tầng và người dân của Syria vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Những cơ sở bị tấn công đó không liên quan gì đến Cộng hòa Hồi giáo Iran”.

Ngày 23/8, Quân đội Mỹ thông báo đã tiến hành đợt tấn công ở thành phố Deir al-Zor, miền Đông Syria. Cuộc tấn công nhằm triệt phá những cơ sở hạ tầng do các nhóm có liên hệ với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sử dụng, song không rõ có gây thương vong hay không.

Tuyên bố nhấn mạnh, các cuộc tấn công này nhằm bảo vệ lực lượng Mỹ trước hoạt động tấn công của các nhóm do Iran hậu thuẫn. (Reuters)

* Tổng thống Pháp sẽ bàn vấn đề năng lượng tại Algeria: Ngày 24/8, người phát ngôn chính phủ Pháp Olivier Veran thông báo, Tổng thống Emmanuel Macron sẽ thảo luận về năng lượng trong chuyến công du Algeria trong tuần này.

Phát biểu sau cuộc họp nội các Pháp, ông Veran nêu rõ: “Các thách thức về năng lượng và di cư sẽ được thảo luận" (trong chuyến thăm này).”

Theo một tuyên bố trước đó của Phủ Tổng thống Pháp, “chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ song phương hướng tới tương lai ... để củng cố hợp tác Pháp-Algeria trước các thách thức khu vực và tiếp tục giải quyết các vấn đề của quá khứ”.

Chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ diễn ra không lâu sau khi Algeria kỷ niệm 60 năm độc lập khỏi Pháp. (AFP)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-248-xung-dot-nga-ukraine-tron-6-thang-thu-tuong-thai-lan-bi-dinh-chi-ong-bolton-khuyen-nhu-australia-195575.html