Tin thế giới ngày 1/7: Đảng của Joshua Wong giải tán trước thềm luật an ninh mới của Hong Kong
ng Demosisto của Joshua Wong đã thông báo giải tán; Nhiều nước bày tỏ lo ngại trước đạo luật an ninh mới Hong Kong; EU loại Mỹ khỏi danh sách 14 nước an toàn để du lịch là những tin thế giới mới nhất hôm nay.
Nhiều nước bày tỏ lo ngại trước đạo luật an ninh mới Hong Kong
Kết quả cuộc bỏ phiếu luật an ninh mới Hong Kong tại Quốc hội Trung Quốc hôm 30/6. Ảnh: AFP
Phía EU đã bày tỏ sự giận giữ khi Trung Quốc thông qua đạo luật này, gọi đây là hành vi vi phạm thể chế "một đất nước, hai chế độ" tại Hong Kong từ năm 1997.
"Chúng tôi phản đối quyết định này", Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho hay. "Đạo luật này có khả năng làm Hong Kong mất đi sự tự trị cao và sẽ có ảnh hưởng tới sự độc lập cần thiết của ngành tư pháp thành phố".
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cũng cho biết EC "sẽ chú ý kỹ lưỡng về cách phản ứng" với sự việc. Bà nói thêm rằng EU đang thảo luận với "các đối tác quốc tế" về những biện pháp đối phó, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Tuần trước, Nghị viện châu Âu kêu gọi EU đưa Bắc Kinh ra Tòa Công lý Quốc tế ở The Hague nếu nước này không chịu dừng việc ban hành luật an ninh mới Hong Kong.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab gọi đạo luật trên là "một bước đi nghiêm trọng".
"Chúng tôi rất quan ngại trước các báo cáo chưa được xác thực về việc Bắc Kinh thông qua dự thảo luật an ninh mới", ông nói.
Phía văn phòng Thủ tướng Anh thì cho biết họ cần chờ xem xét những nội dung đầy đủ của đạo luật này nhằm xác định có vi phạm tới tuyên bố chung Trung-Anh được ký vào năm 1984 hay không trước khi có biện pháp đối phó.
Đạo luật gồm 6 chương, 66 điều, quy định về trách nhiệm của những tổ chức làm nhiệm vụ duy trì an ninh quốc gia tại Hong Kong, đồng thời xác định 4 tội danh xâm phạm an ninh quốc gia. Những người vi phạm có thể bị dẫn độ về Trung Quốc.
Đảng Demosisto của Joshua Wong giải tán
Joshua Wong, thủ lĩnh đảng Demosisto. Ảnh: Reuters
Tuyên bố của Demosisto được đưa ra sau khi thủ lĩnh Joshua Wong tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng. Các thành viên khác trong đảng như Nathan Law và Agnes Chow, cũng cho biết đang rời khỏi Demosisto. Thông tin giải tán đảng được công bố trên Twitter vào tối ngày hôm qua.
Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi có thông tin không chính thức về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7.
Đảng Demosisto được Joshua Wong, thủ lĩnh của phong trào "ô dù", thành lập vào năm 2016 với sự tham gia của các nhà hoạt động cựu sinh viên cùng chung mục tiêu đòi quyền tự quyết cho đặc khu Hong Kong sau năm 2047.
Đây thời điểm hết hiệu lực của Tuyên bố chung Trung - Anh, của mô hình "một quốc gia, hai chế độ" trong thời hạn 50 năm kể từ khi đặc khu được trao trả vào năm 1997.
Joshua Wong trước đó bày tỏ lo ngại sẽ bị "nhắm mục tiêu" khi luật an ninh Hong Kong có hiệu lực. Nhà hoạt động 23 tuổi cho rằng các nhà báo, nhóm nhân quyền, tổ chức phi chính phủ và người nước ngoài cũng có thể trở thành mục tiêu của luật an ninh mới với tội danh kích động lật đổ chính quyền.
Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh khẳng định luật sẽ củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và hỗ trợ Hong Kong ngày càng phát triển. Phía trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cũng nói tương tự.
EU loại Mỹ khỏi danh sách 14 nước an toàn để du lịch
27 nước thành viên EU hôm qua đã thông qua danh sách 14 nước an toàn cho công dân của mình đi công tác hoặc du lịch. Các nước này bao gồm Algeria, Australia, Canada, Georgia, Nhật Bản, Montenegro, Morocco, New Zealand, Rwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisia và Uruguay.
Trung Quốc cũng tạm thời được thêm vào danh sách này và chỉ được chính thức thêm vào sau khi chính quyền nước này cũng cho phép công dân EU nhập cảnh. Việc cho phép công dân song phương nhập cảnh là điều kiện tiên quyết.
Nga, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Mỹ, là những nước đang được đưa vào danh sách kiểm soát đại dịch kém hơn mức trung bình tại châu Âu và sẽ phải chờ thêm ít nhất 2 tuần để có đánh giá lại.
Hành động này nhằm kích cầu du lịch châu Âu và thu hút thêm nguồn khách từ các nước thứ 3, đặc biệt tới khu vực miền Nam, nơi bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch Covid-19.
Danh sách này cần được đa số các nước EU thông qua, tương đương với 15 nước đại biểu cho 65% dân số.
Danh sách này được cho là quy chuẩn để các nước EU dựa vào. Các nước có thể áp dụng biện pháp cách ly với 14 nước này, nhưng chắc chắn sẽ không cho các công dân ngoài danh sách được nhập cảnh.
Việc mở cửa lại biên giới giữa các thành viên khối Schengen cũng đang vấp phải nhiều rào cản. Hy Lạp hiện vẫn yêu cầu xét nghiệm với các công dân tới từ Pháp, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha. Những du khách này được yêu cầu tự cách ly tới khi có kết quả xét nghiệm.
Cộng hòa Séc hiện không cho phép du khách tới từ Bồ Đào Nha và Thụy Điển nhập cảnh.