Tin tức ASEAN buổi sáng 17/6

Cập nhật tình hình Covid-19 tại Đông Nam Á, Hàn Quốc hỗ trợ ASEAN tăng cường năng lực phát hiện Covid-19... là những thông tin chính trong bản tin ASEAN ngày hôm nay.

Cuộc sống tại Thái Lan cũng đã bắt đầu trở lại bình thường.

Cập nhật tình hình Covid-19

Tính đến rạng sáng ngày 17/6, ASEAN đã ghi nhận 1.629 ca mắc bệnh Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 120.698 ca. Số ca tử vong đã lên 3.548 ca, tăng 39 ca so với 1 ngày trước đó. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 64.950 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận thêm 1.106 ca mắc Covid-19 và 33 trường hợp tử vong. Hiện tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này đã lên tới 40.400 người, trong đó có 2.231 trường hợp tử vong và 15.703 người bình phục.

Chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ cho phép mở cửa trở lại theo từng giai đoạn đối với các trường học nằm trong khu vực ít rủi ro lây nhiễm dịch Covid-19, hay còn gọi là “vùng xanh”, bắt đầu vào tháng 7 tới.

Bộ Y tế Singapore ngày 16/6 thông báo nước này ghi nhận 151 ca mắc bệnh Covid-19 - mức thấp nhất trong ngày kể từ ngày 8/4. Trong số các ca nhiễm mới có 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Singapore là 40.969 người, trong đó có 30.366 trường hợp bình phục và 26 ca tử vong.

Trong khi đó, Philippines thông báo ghi nhận thêm 364 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 5 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc bệnh và tử vong do Covid-19 tại nước này lần lượt là 26.781 người và 1.103 người.

Cũng trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 11 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong trong ngày. Hiện số người mắc COVID-19 ở nước này là 8.505 ca.

Nhìn chung, khu vực chỉ có 4 nước ghi nhận các ca mắc mới là Singapre, Indonesia, Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, Brunei ghi nhận 1 ca tử vong do Covid-19 và đây là ca tử vong đầu tiên tại nước này sau nhiều tháng.

Ngược lại, 7 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại nhịp. Nhiều nước ASEAN đang đẩy nhanh quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Tại Việt Nam, với 1 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua - công dân Việt Nam trở về từ Kuwait và, được cách ly ngay khi nhập cảnh, đến thời điểm này Việt Nam có 335 ca nhiễm.

(TGVN/TTXVN)

Hàn Quốc hỗ trợ ASEAN tăng cường năng lực phát hiện Covid-19

Ngày 16/6, tại trụ sở Ban thư ký ASEAN, thủ đô Jakarta, Indonesia diễn ra lễ khởi động dự án “Tăng cường năng lực phát hiện Covid-19 tại các nước ASEAN” do Phái đoàn thường trực Hàn Quốc tại ASEAN phối hợp với Nhóm quản lý chương trình hợp tác phát triển ASEAN-Hàn Quốc tổ chức.

Dự án này là cam kết của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ xây dựng năng lực của ASEAN, tập trung vào kiểm dịch và vật tư y tế, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch Covid-19 ngày 14/4 vừa qua. Theo Đại sứ Lim Sungnam, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Hàn Quốc tại ASEAN, quá trình phê duyệt dự án trị giá 5 triệu USD này diễn ra trong vòng 1 tháng, đạt kỷ lục nhanh nhất kể từ khi Quỹ hợp tác ASEAN-Hàn Quốc được thành lập vào năm 1990.

Dự kiến, trong tháng 6, Tổ chức chăm sóc sức khỏe quốc tế Hàn Quốc (KOFIH) sẽ giao bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, thiết bị xét nghiệm PCR và thiết bị bảo hộ cá nhân cho các nước thành viên ASEAN, cũng như cung cấp đào tạo tại chỗ về việc sử dụng các bộ xét nghiệm.

(Antara)

ASEAN cần có những bước đi kinh tế táo bạo, giống như cách EU đã thể hiện trong thời gian qua.

ASEAN cần có những bước đi táo bạo như EU

Bước vào năm 2020, ASEAN có khá nhiều lý do để tự hào về sự tiến bộ của khối, hướng tới sự phát triển bền vững. Đói nghèo cùng cực đã giảm từ 138 triệu người năm 2000 xuống còn 44 triệu vào năm 2015. Tuổi thọ người dân khu vực tăng lên từ 63 tuổi năm 1984 lên 70,9 vào năm 2016. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của ASEAN đã tăng gấp 4 lần, từ 577 tỷ USD năm 1999 lên 2,5 nghìn tỷ USD năm 2016, trở thành nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà ASEAN bỏ qua hàng loạt những vấn đề như bất bình đẳng, môi trường ô nhiễm và các cộng đồng bị bỏ lại phía sau. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu phát triển lâu dài.

Những thách thức này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho khu vực. Nhiều chuyên gia cũng lập luận rằng giờ là lúc để các quốc gia thành viên hợp tác và xây dựng một Chính sách kinh tế xanh mới (Green New Deal) của riêng mình, giống như EU vào tháng 3 vừa qua, để phục hồi sau khủng hoảng cũng như đảm bảo tương lai phát triển bền vững.

(New Strait Times)

Sửa đổi hiệp định thương mại Nhật Bản-ASEAN

Nhật Bản đã phê chuẩn hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước liên quan tới Nghị định thư thứ nhất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), và các thay đổi này sẽ có hiệu lực vào ngày 1/8 tới đây. Đây cũng là lần đầu tiên Hiệp định này có sự thay đổi sau khi có hiệu lực vào năm 2008, trở thành hiệp định thương mại đa phương đầu tiên của Nhật Bản.

Theo dự kiến, AJCEP sửa đổi sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/8 đối với Nhật Bản và 4 trong số 10 nước thành viên ASEAN đã hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước, gồm Lào, Myanmar, Singapore và Thái Lan. Các nước còn lại, gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam dự kiến sẽ tham gia sau đó.

(Strait Times)

Quang Đào

Quang Đào

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-tuc-asean-buoi-sang-176-117639.html