Tin tức thế giới hôm nay 10/11: Đội ngũ tranh cử của ông Trump kiện bang Pennsylvania

Êkíp tranh cử của Tổng thống Trump kiện bang Pennsylvania; Armenia - Azerbaijan chính thức ký thỏa thuận chấm dứt xung đột... là những tin quốc tế mới nhất trong ngày 10/11.

Êkíp tranh cử của Tổng thống Trump kiện bang Pennsylvania

Ngày 9/11, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã trình đơn kiện lên tòa án liên bang ở Pennsylvania vì cho rằng hệ thống bầu cử qua đường bưu điện của bang này "thiếu mọi tiêu chuẩn xác nhận về sự minh bạch và có thể xác minh, vốn có sẵn cho các cử tri bỏ phiếu trực tiếp".

 Êkíp tranh cử của Tổng thống Trump kiện bang Pennsylvania

Êkíp tranh cử của Tổng thống Trump kiện bang Pennsylvania

Đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Trump cũng kiện đích danh người đứng đầu ngành ngoại giao của bang Pennsylvania, bà Kathy Boockvar, và hội đồng bầu cử các hạt có thiên hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong đó có Philadelphia và Pittsburgh.

Hành động pháp lý này là nhằm có được một lệnh khẩn cấp từ tòa án để ngăn chặn các quan chức Pennsylvania công nhận chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tại bang này.

Theo Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, lãnh đạo đảng Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ, Tổng thống Trump có toàn quyền đưa ra những cáo buộc về các sai phạm trong quá trình bầu cử.

Armenia - Azerbaijan chính thức ký thỏa thuận chấm dứt xung đột

Ngày 10/11, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố ông đã ký thỏa thuận chấm dứt xung đột quân sự với Armenia liên quan đến khu vực Nagorno-Karabakh.

 Armenia-Azerbaijan chính thức ký thỏa thuận chấm dứt xung đột

Armenia-Azerbaijan chính thức ký thỏa thuận chấm dứt xung đột

Phát biểu trong hội nghị trực tuyến với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Aliyev nhấn mạnh: “Tuyên bố 3 bên được ký kết sẽ trở thành một điểm then chốt trong tiến trình giải quyết cuộc xung đột”.

Ông Aliyev cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt cuộc xung đột liên quan đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, đồng nghĩa với sự đầu hàng của quốc gia đối địch Armenia.

Theo Tổng thống Aliyev, thỏa thuận ngừng bắn trên có “tầm quan trọng mang tính lịch sử”, cho phép Armenia có được một khoảng thời gian ngắn để rút quân khỏi Nagorno-Karabakh .

Nhà lãnh đạo Azerbaijan cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ tham gia vào tiến trình gìn giữ hòa bình ở Nagorno-Karabakh. Trong khi đó, Nga cũng đã bắt đầu triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến khu vực trên.

Vaccine Covid-19 của Pfizer hiệu quả 90%

Với hiệu quả phòng ngừa trên 90% sau liều tiêm thứ hai một tuần, vaccine của Pfizer mở ra bước đột phá mới trong nỗ lực chiến thắng đại dịch.

Hãng dược Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech công bố kết quả hôm 9/11, cho rằng đây là "một ngày tuyệt vời của khoa học và nhân loại".

 Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine của Pfizer tại Trường Y Maryland, Baltimore, hồi tháng 5/2020. Ảnh: AP

Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine của Pfizer tại Trường Y Maryland, Baltimore, hồi tháng 5/2020. Ảnh: AP

94 trong hơn 43.500 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được chia thành hai nhóm: tiêm vaccine và dùng giả dược. Các chuyên gia từ Ủy ban Giám sát Dữ liệu, không thuộc nghiên cứu, phân tích các kết quả thu được.

Vaccine đạt hiệu quả phòng ngừa trên 90% số người tham gia. Tác dụng được xác nhận chỉ 7 ngày sau mũi tiêm thứ hai. Nói cách khác, cơ thể con người có thể được bảo vệ khỏi virus 28 ngày sau lần tiêm phòng đầu tiên.

Kết luận cuối cùng về mức độ hiệu quả của vaccine Pfizer có thể thay đổi khi các nhà khoa học tiếp tục thu thập dữ liệu trong thời gian tới.

"Tôi nghĩ cuối cùng chúng ta đã có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm", Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Pfizer, tiến sĩ Albert Bourla, nhận định. "Kết luận đầu tiên từ thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 3 cung cấp những bằng chứng ban đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa Covid-19 của vaccine Pfizer".

Trung Quốc có thể đàm phán lại thỏa thuận thương mại với ông Biden

Việc ông Joe Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ khuyến khích Bắc Kinh đàm phán lại thỏa thuận thương mại đã có dưới thời ông Donald Trump.

 Ông Tập Cận Bình cụng ly với Joe Biden, khi ông làm Phó tổng thống Mỹ hồi tháng 9/2015. Ảnh: AFP

Ông Tập Cận Bình cụng ly với Joe Biden, khi ông làm Phó tổng thống Mỹ hồi tháng 9/2015. Ảnh: AFP

SCMP dẫn nguồn tin từ các cố vấn của Chính phủ Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ tìm cách đàm phán lại thỏa thuận thương mại. Thỏa thuận giai đoạn một này bị phía Trung Quốc xem là "méo mó". Nó được ký sau nhiều tháng đàm phán và chiến tranh thương mại, trả đũa thuế quan của hai bên. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ hàng hóa Mỹ so với mức cao nhất của năm 2017.

Dù vậy, các cố vấn cho rằng thỏa thuận này phi thực tế với Trung Quốc. Họ coi ông Biden là một nhà lãnh đạo "chừng mực và tư tưởng đa phương" hơn Trump để thiết lập một thỏa thuận "nhẹ nhàng hơn" với Trung Quốc.

Shi Yinhong, cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ xem việc Biden đắc cử như cơ hội để giảm các mục tiêu nhập khẩu, cũng như thuế với hàng hóa xuất sang Mỹ.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tin-tuc-the-gioi-hom-nay-1011-doi-ngu-tranh-cu-cua-ong-trump-kien-bang-pennsylvania-401285.html