Tình đoàn kết, gắn bó chiến lược Việt Nam-Nga trong thế giới đầy biến động

Trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam (từ ngày 29/11-2/12), Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã chia sẻ những ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm, đồng thời đánh giá khái quát hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi là Thủ tướng Chính phủ, hội kiến Tổng thống Nga V. Putin trong chuyến thăm chính thức Nga tháng 5/2019 trong bối cảnh hai nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi là Thủ tướng Chính phủ, hội kiến Tổng thống Nga V. Putin trong chuyến thăm chính thức Nga tháng 5/2019 trong bối cảnh hai nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga. (Nguồn: TTXVN)

Thưa Đại sứ, xin Đại sứ khái quát về mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga hiện nay?

Có thể nói quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga ngày nay và Liên Xô trước kia là quan hệ giữa những người bạn thủy chung, hai nước là đối tác truyền thống đặc biệt của nhau, nhân dân hai nước đã từng kề vai sát cánh, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Hai nước chúng ta vừa kỷ niệm 71 năm thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng thực sự quan hệ giữa hai dân tộc, giữa nhân dân hai nước đã bắt đầu từ sớm hơn rất nhiều. Ngay từ năm 1920 khi đọc Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê Nin, Bác Hồ của chúng ta đã nói to như trước quần chúng đông đảo “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta!” và năm 2023 chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên Bác Hồ của chúng ta đặt chân đến nước Nga.

Sau khi Liên Xô tan rã, trong một khoảng thời gian nhất định quan hệ hai nước gặp một số khó khăn, trở ngại nhưng với quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và nỗ lực của người dân hai nước, quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã sớm được khôi phục, củng cố, tăng cường và phát triển.

Hai nước đã lần lượt thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2001 và nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.

Nét nổi bật nhất trong quan hệ hai nước là sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau không ngừng được tăng cường và củng cố với việc trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao, được duy trì thường xuyên, là cơ sở thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Hai bên đã triển khai hợp tác trên tất cả các kênh, trong mọi lĩnh vực từ đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đến hợp tác địa phương, ngoại giao nhân dân và điều đặc biệt là tình cảm nồng ấm của nhân dân hai nước đối với nhau ngày càng được củng cố và tăng cường.

Hai nước chia sẽ quan điểm và lập trường trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ trên trường quốc tế, nhất là tại diễn đàn Liên hợp quốc, góp phần tích cực vào sự phát triển của mỗi nước cũng như vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở thế giới và khu vực.

Trong hai năm gần đây, nhất là trong năm 2021, bất chấp dịch bệnh Covid-19, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước vẫn được duy trì thường xuyên thông qua điện đàm, hội nghị trực tuyến giữa tất cả các lãnh đạo chủ chốt của ta với lãnh đạo Nga như: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Nga Putin (tháng 4/2021) và Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga, Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất Medvedev (tháng 2/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Nga Putin (tháng 9/2021); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điện đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Matviyenko (tháng 6/2021).

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có chuyến thăm chính thức đến Nga, hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov và làm việc với lãnh đạo chính phủ và Duma Quốc gia Nga (tháng 9/2021). Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Đại tướng Nikolai Patrushev cũng có chuyến thăm Việt Nam, làm việc với Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm và chào lãnh đạo cấp cao Việt Nam (tháng 3/2021).

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, chiều 28/9, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội kiến với Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko. (Nguồn: TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, chiều 28/9, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội kiến với Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko. (Nguồn: TTXVN)

Quan hệ quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam-Nga luôn là lĩnh vực trọng điểm và mang tính truyền thống. Những năm qua, hợp tác trong lĩnh vực này có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất thể hiện sự tin cậy cao giữa hai nước và phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.

Việt Nam xác định Nga là đối tác tin cậy trong hợp tác quân sự, nhất là trong đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị…. Việt Nam tham dự và đồng chủ trì cùng với Liên bang Nga tổ chức thành công Hội thao quân sự quốc tế Army Games-2021 với nhiều hoạt động phong phú.

Các dự án hợp tác dầu khí giữa hai nước mang tính chiến lược lâu dài cả về chính trị và kinh tế, đã và đang được triển khai hiệu quả.

Đến nay, hợp tác với Nga chiếm khoảng 85% tổng sản lượng khai thác dầu, khí của Việt Nam và ngành dầu khí đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.

Liên doanh Vietsovpetro năm nay kỷ niệm 40 năm thành lập và vẫn tiếp tục là biểu tượng của sự hợp tác Việt Nam-Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và thai thác dầu khí của Việt Nam. Liên doanh RusVietPetro tại Nga là một trong những dự án đầu tư ở nước ngoài thành công nhất của PetroVietnam và là biểu tượng của sự hợp tác giữa hai nước trong thời kỳ mới, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư có những bước phát triển vượt bậc. Năm năm sau khi ta ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, kim ngạch thương mại hai chiều tăng gấp đôi lên gần 5 tỷ USD vào năm 2020, trong đó Việt Nam thặng dự gần 1 tỷ USD.

Trong 9 tháng năm nay, kim ngạch thương mại giữa Nga và Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm 2020, dự kiến cả năm 2021 sẽ đạt trên 6 tỷ USD.

Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là một điểm sáng trong quan hệ hai nước, điển hình là dự án sản xuất sữa quy mô lớn 2,7 tỷ USD của tập đoàn TH Milk tại tỉnh Kaluga.

Xuất khẩu mặt hàng nông nghiệp của Nga sang ta tăng gần 20 lần trong 5 năm qua. Việt Nam đã trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất về thịt lợn của Nga, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu thịt lợn của Nga. Các lĩnh vực công nghệ cao như năng lượng sạch, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông… cũng rất tiềm năng với nhiều dự án được đề xuất, triển khai trong thời gian vừa qua.

Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã từng nói “Quan hệ giữa Nga và Việt Nam có tính chất đặc biệt, thậm chí còn hơn cả chiến lược”.

Hợp tác giáo dục, đào tạo, du lịch không ngừng được mở rộng. Số lượng học bổng nhà nước Nga cấp cho Việt Nam liên tục tăng qua các năm, từ 100 suất học bổng cuối những năm 1990 nâng lên 1.000 suất vào năm 2021.

Nga cũng quan tâm việc đào tạo tiếng Việt và những nhà nghiên cứu về Việt Nam.

Trước đại dịch Covid-19, Nga là nước có số lượng khách du lịch sang Việt Nam lớn nhất ở châu Âu (hơn 600 nghìn lượt năm 2019) và tăng trưởng ổn định. Cộng đồng người Việt Nam tại Nga (khoảng 80.000 người) đã vượt qua thời kỳ khó khăn sau khi Liên Xô sụp đổ, ngày càng lớn mạnh, có cuộc sống ổn định, địa vị pháp lý và vị trí xã hội được củng cố, luôn hướng về quê hương và là cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Có thể thấy 20 năm qua, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã vượt qua thử thách của thời gian và đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, thực sự trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc.

Việt Nam luôn coi Nga là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình và Nga xem Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách của Nga đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Liên bang Nga V. Putin đã từng nói “Quan hệ giữa Nga và Việt Nam có tính chất đặc biệt, thậm chí còn hơn cả chiến lược”.

Đại sứ có thể cho biết thông điệp và những nội dung chính của chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga V. Putin, từ ngày 29/11-2/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển hết sức tốt đẹp, vào thời điểm hai bên kết thúc năm chéo kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và sang năm là kỷ niệm 10 năm nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, kỷ niệm 5 năm Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu.

Cả hai nước đang bước sang giai đoạn phát triển mới quan trọng. Việt Nam tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ XIII vào đầu năm nay, đặt ra hai mục tiêu phát triển 100 năm (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2045). Nga vừa tổ chức thành công bầu cử Duma Quốc gia vào tháng 9 và chuẩn bị giai đoạn phát triển mới bền vững hơn.

Trong khi đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhu cầu hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội giữa các nước ngày càng cấp thiết, đặt ra nhiều thách thức lớn, cũng cơ hội cho hợp tác giữa hai nước.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga trong tình hình mới, tăng cường sự gắn bó chiến lược giữa hai nước trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng phức tạp và thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực.

Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, nét nổi bật nhất trong quan hệ Việt Nam-Nga là sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau không ngừng được tăng cường và củng cố. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nga)

Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, nét nổi bật nhất trong quan hệ Việt Nam-Nga là sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau không ngừng được tăng cường và củng cố. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nga)

Tôi cho rằng chuyến thăm Liên bang Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có mấy ý nghĩa quan trọng như sau:

Thứ nhất, chuyến thăm sẽ góp phần tích cực thúc đẩy triển khai đường lối đối ngoại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, truyền đi thông điệp mạnh mẽ ra thế giới về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Việt Nam là bạn bè tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, chuyến thăm khẳng định tình đoàn kết thủy chung, ủng hộ lẫn nhau, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, thủy chung hiếm có.

Chuyến thăm chính thức lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ với Liên bang Nga, coi Liên bang Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại và là đối tác then chốt của mình.

Chuyến thăm cũng là dịp để Việt Nam khẳng định tình đoàn kết, sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Nga trong một thế giới đầy biến động, thể hiện rõ bản sắc ngoại giao chân thành, thủy chung của Việt Nam với các nước bạn bè, anh em.

Có thể nói là hiện nay không có bất cứ một trở ngại nào trong việc nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới, vì lợi ích của hai nước và nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực phòng chống dịch, trong đó có việc Nga xem xét và tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam về vaccine, thuốc điều trị và vật tư y tế chống dịch. Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vaccine ngừa Covid-19 là Sputinik -V và đã chuyển giao công nghệ sản xuất cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Thứ tư, có lẽ ít có nước nào như Việt Nam có nhiều thế hệ người Việt được đào tạo và học tập tại Nga, trong đó có cả nhiều lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Liên bang Nga cũng là nơi có đông người Việt Nam sinh sống, lao động và hội nhập tốt vào sở tại. Nhiều người trở đã về Việt Nam đầu tư, kinh doanh và rất thành công, trở thành cầu nối hữu nghị thực sự giữa nhân dân hai nước.

Chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước cũng là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi, động viên, chia sẻ với những khó khăn của bà con ta tại Nga trong hai năm qua và tri ân những ủng hộ thiết thực, hiệu quả của cộng đồng người Việt tại Nga cho đất nước trong việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Việt Nam tiếp nhận một lô vaccine Sputnik-V của Nga vào tháng 9. (Ảnh: QT)

Việt Nam tiếp nhận một lô vaccine Sputnik-V của Nga vào tháng 9. (Ảnh: QT)

Trong tình hiện nay, để thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và khai thác tiềm năng giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hai bên cần tập trung phát triển hợp tác ở những lĩnh vực nào?

Giữa Việt Nam và Nga có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực. Đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, và Việt Nam và Nga cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Nhưng đại dịch Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội mới để làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa hai nước, trong đó nổi bật và cấp thiết nhất chính là hợp tác sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19.

Ngoài ra, cũng phải thẳng thắn thừa nhận hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước còn khiêm tốn, chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp và mong mỏi của người dân hai nước. Dư địa hợp tác trong lĩnh vực này còn rất lớn.

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí có các biện pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương, mở rộng hợp tác và đẩy mạnh triển khai các dự án quan trọng trên các lĩnh vực mũi nhọn như năng lượng, dầu khí, mang lại hiệu quả kinh tế tích cực cho cả hai nước.

Việt Nam khuyến khích, ủng hộ và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp Nga đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, dầu khí và các công ty Việt Nam đang ngày càng coi trọng và xem Nga là điểm đến đầu tư tin cậy.

Năm nay, Việt Nam và Nga kỷ niệm 40 năm thành lập Liên doanh Vietsovpetro. Trong 4 thập kỷ qua, Liên doanh luôn giữ vị trí đầu tàu của hợp tác Nga-Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đóng góp đáng kể vào việc tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại song phương.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng trong thời gian tới với quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và nỗ lực của doanh nghiệp hai nước, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư sẽ phát triển mạnh mẽ, thực sự trở thành trụ cột quan trong quan hệ hai nước.

Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh tiếp tục là lĩnh vực hợp tác trọng điểm trong quan hệ hai nước. Trong thời gian tới, hợp tác trong lĩnh vực này cần được củng cố và mở rộng hơn nữa, thể hiện sự tin cậy cao giữa hai nước và phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Một lĩnh vực hợp tác hết sức quan trọng là sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình. Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay đã và đang đào tạo cho Việt Nam nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Hai nước sẽ sớm triển khai xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam nhằm thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân của Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ trình độ cao, mở rộng và đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vào các lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ.

Cuối cùng không thể không nhắc đến là tăng cường hợp tác giáo dục đào tạo và giao lưu nhân dân. Có thể nói trong suốt hơn 70 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước thì đây là lĩnh vực luôn được coi trọng, thúc đẩy và hết sức thành công.

Hàng vạn người Việt Nam đã được giáo dục, đào tạo tại Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay, nhiều người Việt Nam đã coi Nga là tổ quốc thứ hai của mình. Nhiều chuyên gia Nga đã sang Việt Nam giúp chúng ta trong công cuộc kháng chiến trước đây và xây dựng tổ quốc hiện nay, nhiều người Nga chọn Việt Nam là điểm đến du lịch thân thiện, an toàn.

Có thể nói quan hệ giữa hai nước không chỉ ở tầm quan hệ giữa hai nhà nước mà đã thực sự là quan hệ chân thành giữa nhân dân hai nước, là mối quan hệ đặc biệt giữa trái tim với trái tim.

Tôi tin tưởng chắc chắn rằng quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước sẽ luôn có được thế hệ trẻ kế thừa và thúc đẩy, không ngừng đơm hoa kết trái.

Thời gian vừa qua Nga có nhiều cam kết hỗ trợ vaccine Covid-19 cũng như chuyển giao công nghệ vaccine cho Việt Nam. Đại sứ có thể chia sẻ về những nỗ lực hợp tác này cũng như nỗ lực của Đại sứ quán trong “ngoại giao vaccine”?

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang tiếp tục đối phó với những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ, việc Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định ưu tiên đối với ngoại giao vaccine là hết sức chính xác và kịp thời. Việc đảm bảo nguồn vaccine cung cấp cho người dân là hướng đi duy nhất để Việt Nam chiến thắng đại dịch và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Nga lần này là minh chứng khẳng định quan hệ truyền thống hữu nghị bất chấp những khó khăn từ Covid-19, cũng như tiếp tục thúc đẩy việc Nga tiếp tục hỗ trợ vaccine, thuốc đặc trị và thiết bị y tế chống dịch, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Riêng đối với Nga, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta trong tất cả các cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao Nga đều đề cập đến việc hợp tác trong lĩnh vực này. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Nga lần này là minh chứng khẳng định quan hệ truyền thống hữu nghị bất chấp những khó khăn từ Covid-19, cũng như tiếp tục thúc đẩy việc Nga tiếp tục hỗ trợ vaccine, thuốc đặc trị và thiết bị y tế chống dịch, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngay từ rất sớm Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã thành lập Nhóm chuyên trách về vaccine phòng chống Covid-19 bao gồm các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đại sứ quán, đại diện từ các phòng Chính trị, Kinh tế, Thương vụ, Khoa học công nghệ mục đích thực hiện nhanh và hiệu quả chính sách ngoại giao vaccine và triển khai hoạt động trên ba hướng chính như sau:

Thứ nhất, thực hiện công tác nghiên cứu, bám sát tình hình thực tế tại địa bàn để kịp thời tham mưu với trong nước các kinh nghiệm quốc tế và của Nga trong phòng chống dịch bệnh và nhiều kiến nghị của Đại sứ quán đã được trong nước tham khảo, áp dụng.

Thứ hai, Đại sứ quán đã thiết lập được kênh hợp tác trực tiếp với Quỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài Nga (RDIF) – đơn vị độc quyền phân phối vaccine Sputnik-V do Chính phủ Nga chỉ định, qua đó hỗ trợ hiệu quả tiến trình đàm phán mua vaccine của Việt Nam.

Thứ ba, thúc đẩy khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc đặc trị chống Covid-19 của Nga. Hiện tại, Đại sứ quán đang làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất có giấy phép sản xuất vaccine và thuốc đặc trị lớn nhất Nga, qua đó, kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiến hành đàm phán chuyển giao công nghệ.

Một trong những kết quả nổi bật đó là việc công ty VABIOTECH gia công đóng chai thành công vaccine Sputnik-V và đã nhận được giấy chứng nhận đạt yêu cầu từ Viện Gamaleya-nơi sáng chế ra vaccine Sputnik- V.

Công ty VABIOTECH đã tiến hành đóng chai đại trà vaccine Sputnik-V và sẽ nâng công suất lên 5 triệu liều/tháng, không những đảm bảo nhu cầu vaccine trong nước, mà còn đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất vaccine Sputnik-V tại khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, Tập đoàn T&T và Quỹ đầu tư trực tiếp nước ngoài Nga (RDIF) đã đạt được thỏa thuận về việc cung cấp cho Việt Nam vaccine Sputnik-V. Hai bên đang tích cực làm việc để xây dựng lịch giao vaccine phù hợp với năng lực sản xuất của Nga và năng lực tiếp nhận của Việt Nam.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-doan-ket-gan-bo-chien-luoc-viet-nam-nga-trong-the-gioi-day-bien-dong-166181.html