Tỉnh Đồng Nai tiếp tục đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục

Tỉnh Đồng Nai đang đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trong tình hình mới.

Sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh Đồng Nai luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia, vào cuộc của các sở, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân.

Do đó, Đồng Nai đã đưa vào Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nội dung “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

PLO đã có cuộc phỏng vấn với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng xoay quanh những nhiệm vụ trong thời gian tới cần tập trung giải quyết để thực hiện có hiệu quả hơn trong lĩnh vực giáo dục.

 Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: VŨ HỘI.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng, tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: VŨ HỘI.

Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá kết quả của ngành GD&ĐT của tỉnh Đồng Nai trong thời vừa qua như thế nào?

+ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng: Thời gian qua, ngành GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh...

Từ đó, ngành đạt được một số kết quả nhất định như: Đoàn học sinh tỉnh Đồng Nai tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024 đạt 59 giải; tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 bao gồm cả thí sinh tự do đạt 98,58%, trong đó khối THPT đạt 99,72%, khối giáo dục thường xuyên đạt 93,49% Các thành tích trên đều tăng so với năm 2023.

. Tỉnh đã có những chính sách nào để đảm bảo mức thu nhập cho giáo viên, thu hút giáo viên dạy các môn phụ mà hiện nay Đồng Nai đang rất khó tuyển dụng?

+ Giai đoạn 2020-2023, tổng số giáo viên nghỉ việc ở các cấp học trên địa bàn tỉnh là 1.178 người. Một trong những nguyên nhân giáo viên nghỉ việc là lý do thu nhập, tiền lương chưa đảm bảo trang trải cho cuộc sống, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên mới được tuyển dụng.

Bên cạnh đó, giáo viên các bộ môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng... bậc phổ thông và giáo viên mầm non luôn trong tình trạng khó tuyển dụng. Tỉ lệ dự tuyển so với đăng tuyển chỉ đạt 19%-30%.

Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 18, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh khóa X thông qua Nghị quyết về quy định chế độ hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025.

Theo đó, 4 nhóm giáo viên công lập sẽ được nhận hỗ trợ 1,5-2 triệu đồng/người/tháng, bao gồm: giáo viên mầm non; giáo viên các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật; giáo viên bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng ở các cấp học phổ thông và giáo viên tại các cơ sở giáo dục giảng dạy ở các địa bàn khó tuyển dụng.

Thời gian nhận hỗ trợ tối đa 9 tháng/năm học, thời gian thực hiện đến 31-12-2025. Kinh phí dự kiến triển khai thực hiện nghị quyết khoảng 195 tỉ đồng. Nghị quyết đã được UBND tỉnh Đồng Nai quyết định triển khai.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo chủ trương của Chính phủ.

Thông qua các chính sách hỗ trợ, tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sẽ giúp giáo viên tiếp tục an tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục. Đồng thời khuyến khích và thu hút được nhiều giáo viên về công tác ở những địa bàn còn khó khăn, ở những bộ môn khó tuyển dụng. Qua đó, từng bước đảm bảo lực lượng cho các cơ sở giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

 Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai chứng kiến trao biên bản ký kết hợp tác thực hiện đề án thí điểm hỗ trợ dạy tiếng Hàn tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh: Ảnh: CN

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai chứng kiến trao biên bản ký kết hợp tác thực hiện đề án thí điểm hỗ trợ dạy tiếng Hàn tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh: Ảnh: CN

. Tỉnh Đồng Nai gặp khó khi tốc độ tăng dân số cơ học hằng năm khá nhanh, nhiều trường thiếu phòng học, phải đi mượn cơ sở khác. Đồng Nai đã có giải pháp nào để giải bài toán áp lực tăng số lượng học sinh như hiện nay?

+ Đặc thù của tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, thu hút nhiều lao động về tỉnh làm việc nên dẫn đến dân số cơ học tăng. Đối với ngành giáo dục, hàng năm, học sinh các cấp trên địa bàn tăng từ 7.000-10.000 học sinh, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số cấp học, một số địa bàn; nhất là ở cấp tiểu học, THCS và nơi tập trung nhiều khu công nghiệp.

Thời gian tới, để đảm bảo mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu dạy và học, tỉnh sẽ tập trung xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất theo phân bố mạng lưới trường học phù hợp với quy mô dân số và diện tích tự nhiên của từng địa phương. Cạnh đó, khuyến khích thành lập các cơ sở ngoài công lập ở khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp.

Định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển thêm khoảng 68 trường tiểu học, 25 trường THCS.

. Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai với nội dung cần đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nội dung này như thế nào?

+ UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo ngành GD&ĐT chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như: Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông trên địa bàn. Theo thống kê, năm học 2024-2025 đã có 134.508 học sinh phổ thông tham gia học tăng cường tiếng Anh, tăng 4.514học sinh với năm học trước; 1.024 học sinh tham gia học tiếng Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhằm đa dạng hóa dạy các ngoại ngữ trong nhà trường thông qua các hình thức ngoài giờ học chính khóa, đáp ứng nhu cầu cho nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai đã phối hợp Trường Đại học Lạc Hồng và đơn vị cung cấp dịch vụ dạy học tiếng Hàn, hỗ trợ thực hiện Đề án dạy tiếng Hàn ngoài giờ học tại các trường THPT miễn phí giai đoạn 1.

Ngoài ra ngành GD&ĐT tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý điều hành. Công tác xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục được quan tâm, đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Việc bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cũng được quan tâm chỉ đạo để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

. Xin cảm ơn ông!

VŨ HỘI

Nguồn PLO: https://plo.vn/tinh-dong-nai-tiep-tuc-doi-moi-toan-dien-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post816242.html