Tinh gọn và hiệu quả

Sau 40 năm đổi mới đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển, đồng thời đặt ra 'yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả'.

Đây là vấn đề được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ trong bài viết "Tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả".

Công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả vẫn luôn là câu chuyện “nóng”, một trong những điểm nhấn nổi bật được thực hiện liên tục trong thời gian qua.

Có thể khẳng định, tinh gọn bộ máy, những quyết tâm lớn với lộ trình tinh nhuệ bộ máy theo hướng gọn nhẹ, bảo đảm chất lượng đã được nêu ra tại nhiều nghị quyết của T.Ư, đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Qua thống kê của Bộ Nội vụ, các bộ, ngành qua sắp xếp lại đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, 10 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; cấp tỉnh, huyện cũng giảm 13 sở và tương đương, 2.159 phòng và tương đương…

Các đơn vị sự nghiệp công lập cũng có số lượng sắp xếp rất lớn, tinh gọn hàng nghìn đầu mối, tinh giản hàng nghìn biên chế. Nhưng thực tế cũng cho thấy, bộ máy bên trong của một số đơn vị cũng có chiều hướng tăng ở các phân khúc, đặc biệt là số cơ quan chuyên môn. “Bóp” chỗ này lại “phình” chỗ kia chưa thể chấm dứt, tình trạng “bộ trong bộ” vẫn nặng nề...

Như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra thực trạng, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ. Một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; nhiệm vụ, quyền hạn giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn chồng chéo. Phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng. Rồi thực trạng bộ máy trong bộ, cơ quan ngang bộ nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng "bộ trong bộ"… Cùng với đó, thực tế cũng cho thấy, tinh giản biên chế nhiều nơi mới giảm số lượng theo cơ học, số lượng tinh giản biên chế chủ yếu vẫn là nghỉ hưu, nghỉ chế độ, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Có thể nói, tinh gọn bộ máy là công việc khó, phức tạp, bởi chạm đến con người, nhưng quyết tâm làm sẽ tạo bước đột phá quan trọng, giúp bộ máy bớt cồng kềnh và giảm gánh nặng cho ngân sách, để dành nguồn lực đầu tư phát triển. Bởi như Tổng Bí thư nhận định, bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách chậm đi vào cuộc sống. Sự chồng chéo và phân định không rõ nhiệm vụ dẫn đến "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua nhiều cửa thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển.

Để thực sự tạo ra “cuộc cách mạng” về tinh gọn đầu mối, bộ máy, tránh tình trạng “giảm chỗ nọ phình chỗ kia”, giảm nhưng tổng thể vẫn tăng, bài học thành công ở một số bộ, ngành, địa phương cần được phát huy, nhân rộng. Trong đó, vấn đề được nhiều ý kiến đề cập đến là sau quyết tâm, sau những giải pháp cần phải có sự quyết liệt vào cuộc đồng bộ và thực chất. Và quan trọng hơn cả, để có bộ máy gọn nhưng tinh, cần vượt qua rào cản, khuyết điểm hiện nay là tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, vì lợi ích riêng của ngành, địa phương.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tinh-gon-va-hieu-qua-805138.html