Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 26-5
Áo thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên cho bệnh nhân COVID-19. WHO dừng thử nghiệm thuốc sốt rét hydroxychloroquine cho người mắc COVID-19.
Tính đến 6 giờ 39 phút sáng 26-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 347.563 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 5.582.367 ca nhiễm.
Như vậy, so với tối 25-5, số ca tử vong tăng 532, số ca nhiễm tăng 59.692.
Ngoài ra, thế giới cũng có 2.361.029 bệnh nhân đã hồi phục.
Áo hoàn thành ca ghép phổi đầu tiên cho bệnh nhân COVID-19 tại châu Âu
Trang web của của ĐH Y khoa Vienna (Áo) đăng thông tin Khoa phẫu thuật của ĐH Y khoa Vienna tuần trước đã thực hiện ca ghép phổi khẩn cấp và rất phức tạp cho một nữ bệnh nhân 45 tuổi. Bệnh nhân này ngụ tại bang Carinthia, cực nam nước Áo, bị suy hô hấp nặng do COVID-19.
Ê kíp phẫu thuật do Tiến sĩ Walter Klepetko - trưởng Khoa phẫu thuật và Khoa phẫu thuật lồng ngực của ĐH dẫn đầu đã thay thế thành công phổi mới được hiến tặng cho nữ bệnh nhân.
Đây là lần đầu tiên ở châu Âu, một bệnh nhân COVID-19 được ghép phổi trong tình huống gần như là vô vọng.
“Chúng tôi rất hài lòng với tình trạng của bệnh nhân khi so với tình hình ban đầu cực kỳ khó khăn. Chỉ vài ngày sau cuộc phẫu thuật, bệnh nhân đang dần hồi phục”, ông Klepetko cho biết.
Là một người hoàn toàn khỏe mạnh, nữ bệnh nhân 45 tuổi này đã nhiễm COVID-19 cách đây tám tuần và sau đó bị suy hô hấp hoàn toàn. Do đó, việc thông khí nhân tạo cũng không còn hiệu quả và phải can thiệp ECMO (hệ thống oxy ngoài cơ thể) thì bà mới có thể sống được.
Tuần trước, nữ bệnh nhân được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Vienna thuộc ĐH Y khoa Vienna bằng trực thăng quân sự của quân đội Áo. Bà được chuyển vào phòng chăm sóc tích cực để điều trị.
“Theo quan điểm của chúng tôi, bà ấy đang làm rất tốt và không có vấn đề gì lớn”, Tiến sĩ Klepetko nói.
Bệnh viện cho biết ca phẫu thuật rất phức tạp nhưng thành công. Tiến sĩ Klepetko nói thêm: “Tất cả cơ quan đang hoạt động và chúng tôi rất hài lòng. Tuy nhiên, vẫn sẽ còn một chặng đường dài phía trước cho tới khi chúng tôi có thể cho bà ấy xuất viện”.
Tính đến nay Áo ghi nhận 16.539 ca nhiễm với 641 ca tử vong.
Mông Cổ sẽ duy trì các quy định phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt cho tới khi tìm ra vaccine
Mông Cổ sẽ duy trì các quy định phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt cho tới khi tìm ra vaccine, Thủ tướng Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh ngày 25-5 cho biết. Với thông báo này, khả năng Mông Cổ sẽ phong tỏa thêm vài tháng tới.
Có chung biên giới với Nga và Trung Quốc, hôm 12-3, Mông Cổ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới do COVID-19.
Các trường ĐH, trường trung học phổ thông, trường tiểu học và trường mẫu giáo đều đóng cửa cho tới tháng 9. Các hội nghị và các cuộc biểu tình công cộng bị cấm. Trẻ em dưới 12 tuổi không được phép tới các trung tâm thương mại hay nhà hàng. Việc đeo khẩu trang là bắt buộc, theo kênh Al Jazeera.
“Đất nước sẽ duy trì các quy tắc cách ly cho tới khi tìm ra vaccine”, Thủ tướng Khurelsukh nói với báo giới tại quốc hội nước này. Ông Khurelsukh không đi sâu vào chi tiết về các biện pháp nào sẽ được ban hành. Ông cũng nói rằng ông không biết khi nào sẽ mở cửa biên giới trở lại.
Tính đến nay, Mông Cổ ghi nhận 141 ca nhiễm và không có ca tử vong. Có 33 ca đã hồi phục tại nước này.
WHO dừng thử nghiệm thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đình chỉ các cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine ở những bệnh nhân COVID-19. WHO nói rằng thuốc hydroxychloroquine làm dấy lên các lo ngại về an toàn, theo hãng tin RT.
Tổng giám đốc WHO – ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dữ liệu an toàn của thuốc hydroxychloroquine đang được một hội đồng giám sát rà soát và các cuộc thử nghiệm đã bị đình chỉ. Việc thử nghiệm thuốc hydroxychloroquine nằm một phần trong một chương trình quốc tế có tên gọi "Cuộc thử nghiệm Đoàn kết" nhằm giải quyết đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Tedros nói thêm các nhánh thử nghiệm khác vẫn đang tiếp tục.
WHO ra động thái này sau khi tạp chí y khoa uy tín The Lancet của Anh công bố một nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc hydroxychloroquine. Bài báo chỉ ra rằng những bệnh nhân COVID-19 uống thuốc hydroxychloroquine có thể có nguy cơ tử vong cao hơn.
Ông Tedros cho hay một giám sát viên sẽ “xem xét một bản phân tích toàn diện và sự thẩm định quan trọng của tất cả bằng chứng hiện có trên toàn cầu” liên quan tới các tác dụng của thuốc hydroxychloroquine.
WHO trước đó từng khuyến cáo không sử dụng thuốc hydroxychloroquine để chữa trị hoặc phòng ngừa COVID-19, ngoại trừ các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ca ngợi thuốc hydroxychloroquine có thể dùng để phòng ngừa COVID-19. Bản thân ông cũng đã uống thuốc này trong hai tuần, mỗi ngày một viên.
Hôm 24-5, ông Trump cho biết ông vừa chấm dứt dùng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine và rằng ông “vẫn còn ở đây”.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/tinh-hinh-dai-dich-covid19-tinh-den-sang-265-914796.html