Tình hình dịch bệnh ngày 4/5: Thế giới có 3.592.560 ca nhiễm, 249.112 ca tử vong do COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 4/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 3.592.560 ca nhiễm virus SASR-CoV-2 và 249.112 ca tử vong do COVID-19. Số người bình phục đã lên tới 1.165.915 người. Như vậy, trong 24 giờ qua, thế giới có gần 29.000 ca nhiễm mới và 935 ca tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và số ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới, lần lượt là 1.191.854 ca và 68.702 ca.
Trong khi đó, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Mexico chính thức ghi nhận 23.471 ca mắc COVID-19 và trên 2.154 ca tử vong. Tuy nhiên, số liệu từ hệ thống giám sát Sentinel của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), được sử dụng tại Mexico kể từ năm 2006, ước tính số ca mắc COVID-19 ở nước này đã lên tới 128.033 ca. Hệ thống này đưa ra ước tính trên dựa trên các dữ liệu thu thập từ một mạng lưới các cơ sở đáng tin cậy, chứ không dựa trên các báo cáo về số ca tử vong và số ca nhập viện vốn không nắm bắt được phần lớn số bệnh nhân được điều trị tại nhà.
Brazil - điểm nóng của dịch COVID-19 ở Nam Mỹ, tiếp tục ghi nhận thêm 679 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 101.826 ca, trong đó số ca tử vong là 7.051 ca. Các ca nhiễm mới tiếp tục được ghi nhận tại thiều nước trong khu vực Panama, Ecuador, Honduras,... song với mức độ lây lan thấp hơn.
Nga đang trở thành điểm nóng nhất của dịch COVID-19 hiện nay khi số ca nhiễm mới trong ngày tăng thêm 10.581 ca. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 145.260 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 1.356 ca tử vong, thấp hơn nhiều so với nhiều nước châu Âu khác như Italy, Anh, Tây Ban Nha và Pháp. Hiện tổng số ca tử vong tại 4 quốc gia châu Âu này chiếm tới 43% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm và số ca tử vong tại các nước này đang giảm dần.
Trước chiều hướng tích cực của tình hình dịch bệnh, nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Đức, Bỉ.... đã bắt đầu gỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế nhằm khống chế dịch bệnh, qua đó từng bước khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân và giảm thiểu những thiệt hại về kinh tế mà COVID-19 gây ra.
Tại Trung Đông, Iran và Saudi Arabi là hai nước ghi nhận số ca nhiễm mới 4 chữ số. Cụ thể, Iran có thêm 1.223 ca nhiễm mới, Saudi Arabia thông báo có thêm 1.625 ca dương tính với SARS-CoV-2. Các nước Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Israel,... tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới.
Tại Đông Nam Á, nhằm kiểm soát dịch bệnh sau khi phát hiện số ca mắc COVID-19 ở công trường xây dựng có lao động nước ngoài mắc bệnh tăng lên trong 2 ngày cuối tuần, Malaysia đã đóng cửa công trường đó. Chính phủ yêu cầu mọi lao động nước ngoài đang làm việc tại Malaysia phải kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ngày 4/5, Bộ Y tế Malaysia cho biết nước này có 55 ca mắc mới, trong đó có 7 ca từ nước ngoài về, còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc tại Malaysia lên 6.353 ca, bao gồm cả 105 ca tử vong ở nước này lên thành 11.587 người.
Ngoài ra, Indonesia có thêm 19 ca tử vong do bệnh này, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 864, trong khi cũng có 1.954 bệnh nhân đã hồi phục.
Bộ Y tế Singapore cũng cho biết "quốc đảo sư tử" ghi nhận thêm 573 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus ở nước này lên thành 18.778 trường hợp. Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 262 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 9.485 trường hợp, trong đó 623 người đã tử vong.
Tại Thái Lan, số ca COVID-19 mới trở lại mức 2 con số do người nhập cảnh bất hợp pháp. Lào tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, nước này không ghi nhận bất cứ trường hợp nào dương tính với virus SARS-CoV-2 , nâng tổng số ngày không có ca nhiễm mới lên 22 ngày liên tiếp. Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng trong 18 ngày liên tiếp.