Tình hình dịch COVID-19: Thế giới có hơn 71 triệu ca mắc

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Amazonas, Brazil, ngày 10/12/2020 - Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 12/12 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận hơn 71 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 1,6 triệu ca tử vong.

Riêng nước Mỹ chiếm hơn 1/4 số ca nhiễm (16.290.213 ca) và hơn 1/5 số ca tử vong (302.727 ca). Ấn Độ đứng thứ hai sau Mỹ về số ca nhiễm (hơn 9,8 triệu ca) nhưng Brazil đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong (hơn 180.000 ca).

Bộ An ninh nội địa Mỹ ngày 11/12 thông báo biên giới trên bộ của Mỹ với Canada và Mexico sẽ tiếp tục đóng đối với hoạt động đi lại không cần thiết, ít nhất cho tới ngày 21/1/2021, do số ca nhiễm tăng đột biến trên cả nước.

Quyết định trên đồng nghĩa chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ quyết định thời điểm nào dỡ bỏ những hạn chế về đi lại tại biên giới với hai nước, vốn đã được áp đặt từ hồi tháng 3 nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với tổng cộng 19.458.976 ca nhiễm và 449.999 ca tử vong. Trong đó, Nga và Pháp đều đã ghi nhận hơn 2,3 triệu ca nhiễm. Anh ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (63.506 ca), tiếp theo là Ý với 63.387 ca. Tại các nước Anh, Ý, Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan, số ca nhiễm đều đã vượt 1,1 triệu.

Châu Á bị ảnh hưởng nhiều thứ hai thế giới, với tổng cộng 18.871.893 ca nhiễm và 309.367 ca tử vong. Sau Ấn Độ có số ca nhiễm và tử vong cao nhất châu lục, Iran ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai với 51.727 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 12/12 thông báo Hàn Quốc ghi nhận thêm 950 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 928 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới COVID-19 tính theo ngày ở Hàn Quốc chạm ngưỡng 1000, vượt mức đỉnh dịch 909 ca ghi nhận ngày 29/2. Số người thiệt mạng do COVID-19 ở nước này đến nay là 578 người.

Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận vẫn chiếm đa số ca nhiễm mới trong ngày với 669 ca (chiếm 70,4%). Một số thành phố khác có số ca nhiễm mới tăng đột biến như Busan với 58 ca, Daegu 35 ca, Daejeon 18 ca, Gangwon 36 ca, Chungbuk 21 ca, Bắc Gyeongsang 19 ca, Nam Gyeongsang 17 ca.

Theo KDCA, trong số các ổ lây nhiễm tập thể đáng lưu ý 59 ca được xác nhận có liên quan đến Nhà thờ Seongseok ở quận Gangseo (Seoul) và 61 ca tại Bệnh viện Điều dưỡng HyoPlus ở phường Sang, TP Bucheon (tỉnh Gyeonggi).

Cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ca nhiễm mới đều được xác nhận có nguồn lây nhiễm từ các nhà hàng, lớp học hát, phòng tắm hơi, viện dưỡng lão, cơ sở y tế, cơ sở tôn giáo, ga tàu điện ngầm và nhiều buổi tụ tập nhóm nhỏ cá nhân khác nhau.

Chỉ tính riêng trong tuần qua, số ca nhiễm mới ở khu vực đô thị trung bình là 636,4 ca/ngày trong khi trên quy mô toàn quốc là 609,3 ca/ngày, vượt ngưỡng 600 ca.

KDCA đã nhận định rằng "về quy mô và thời gian, làn sóng lây nhiễm thứ ba này (vốn tập trung ở khu vực thủ đô và vùng phụ cận) có quy mô lớn hơn nhiều lần so với làn sóng lây nhiễm đầu tiên xảy ra ở thành phố miền Trung Daegu và tỉnh Gyeongbuk hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua”.

Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đã liên tục cập nhật và đưa ra các biện pháp phòng dịch đa dạng mỗi ngày, chẳng hạn mở rộng quy mô và thời gian hoạt động của các cơ sở xét nghiệm ban đầu, song vẫn không đủ để ngăn chặn sự lây lan virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều ổ lây nhiễm tập thể và nhiều người bệnh không có triệu chứng rõ ràng trong khi thời tiết đã chuyển sang mùa Đông vốn được coi là điều kiện lý tưởng để virus lây lan.

Giới chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng khả năng số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày hoàn toàn có thể xảy ra trong những ngày tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 11/12 vừa qua, Trưởng ban phòng dịch Ủy ban khắc phục sự cố trung ương Hàn Quốc Yoon Tae-ho nhấn mạnh: "Nếu số lượng ca nhiễm mới không giảm trong những ngày tới thì sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc điều chỉnh nâng cảnh báo lên mức cao nhất (cấp độ 3). Điều này sẽ để lại thiệt hại kinh tế và xã hội lớn chưa từng có. Thời điểm hiện tại là cơ hội cuối cùng để chúng ta cùng chung sức ngăn chặn điều đó xảy ra".

Khu vực Bắc Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 18.816.884 ca nhiễm, tiếp theo là khu vực Nam Mỹ có 11.860.809 ca nhiễm và 338.217 ca tử vong. Brazil, Argentina và Colombia đều đã ghi nhận trên 1,4 triệu ca nhiễm, trong đó số ca tử vong ở Argentina là 40.606 ca và ở Colombia là 38.669 ca.

Tại châu Phi, với 845.083 ca nhiễm và 22.956 ca tử vong, Nam Phi đã vượt xa nước chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai ở châu lục này là Maroc (394.564 ca nhiễm và 6.542 ca tử vong). Ai Cập có 120.611 ca nhiễm, ít hơn ở Maroc nhưng số ca tử vong nhiều hơn (6.877 ca).

Châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất, tuy nhiên trong 24 giờ qua vẫn ghi nhận các ca nhiễm mới tại Úc, New Zealdand, Papu New Guinea...

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/12 cho biết gần 1 tỉ liều vắcxin tiềm năng phòng COVID-19 đã được đảm bảo theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vắcxin cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Theo Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hiện 189 quốc gia đã tham gia chương trình COVAX. WHO dự kiến trong những tuần tới sẽ đưa ra các quyết định có cấp phép cho sử dụng khẩn cấp đối với các loại vắcxin phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca hay không.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi cần có giải pháp rõ ràng hơn để ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo ông, nhiều nước, nhiều khu vực, thậm chí cả các thành phố vẫn còn cạnh tranh với nhau để giành những nguồn hàng thiết yếu và các chuyên gia trợ giúp tuyến đầu.

Ông Guterres nhấn mạnh không thể để tình trạng tương tự xảy ra khi phân phối các loại vắcxin phòng COVID-19 trong thời gian tới.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249926/tinh-hinh-dich-covid-19--the-gioi-co-hon-71-trieu-ca-mac.html