Tình hình Nagorno-Karabakh: Azerbaijan quyết 'đến cùng', Armenia lên tiếng, Mỹ và EU nói gì?

Khu vực Nagorno-Karabakh trở nên đặc biệt căng thẳng sau khi Azerbaijan mở chiến dịch quân sự, tấn công vào khu vực có người Armenia ly khai để 'chống khủng bố'.

Khói bốc lên từ một vụ nổ do pháo kích từ Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh, ngày 19/9. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Azerbaijan)

Khói bốc lên từ một vụ nổ do pháo kích từ Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh, ngày 19/9. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Azerbaijan)

Ngày 19/9, hãng thông tấn quốc gia AZERTAC (Azerbaijan) dẫn thông tin từ Baku khẳng định, Tổng thống nước này Ilham Aliyev đã sẵn sàng gặp gỡ các đại diện của sắc tộc Armenia kiểm soát khu vực đồi núi Nagorno-Karabakh ở Azerbaijan.

Bản tin nhấn mạnh: “Tuy nhiên, để các biện pháp chống khủng bố kết thúc, các đơn vị quân sự bất hợp pháp của Armenia phải giương cờ trắng, tất cả vũ khí phải được bàn giao và chế độ bất hợp pháp phải bị giải tán. Nếu không, các biện pháp chống khủng bố sẽ được tiếp tục cho đến cùng”.

Trong khi đó, ông Hikmet Hajiyev, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Azerbaijan, khẳng định: “Quyền lợi và an ninh của dân thường gốc Armenia ở vùng Karabakh của Azerbaijan sẽ được đảm bảo theo Hiến pháp và các nghĩa vụ quốc tế của Azerbaijan”.

Ông Hajiyev cũng kêu gọi các lực lượng Armenia giải tán và hạ vũ khí.

Người phát ngôn Cơ quan kiểm soát biên giới quốc gia Azerbaijan, ông Avtandil Abbasov, thông báo, tình hình biên giới của Azerbaijan đã được kiểm soát hoàn toàn và mọi hành động khiêu khích sẽ bị đẩy lùi.

Về phần mình, phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh: “Azerbaijan đã bắt đầu một chiến dịch trên bộ nhằm ‘thanh lọc sắc tộc’ với người Armenia ở Karabakh... Tôi tuyên bố Armenia không tham gia vào hoạt động vũ trang và không bố trí quân đội ở Karabakh.

Hiện tình hình dọc toàn bộ biên giới Armenia (với Azerbaijan) vẫn ổn định”.

Ngoài ra, ông cũng bác bỏ lời kêu gọi “đảo chính” ở Armenia. Nhà lãnh đạo này khẳng định: “Chúng ta không được cho phép một số người, một số thế lực nhất định giáng một đòn vào nhà nước Armenia... Đã có những lời kêu gọi, đến từ nhiều nơi khác nhau, tiến hành một cuộc đảo chính ở Armenia”.

Trước đó, hàng trăm người biểu tình đã tập trung bên ngoài các văn phòng chính phủ ở Yerevan chỉ vài giờ sau khi Baku mở chiến dịch quân sự ở Nagorno-Karabakh.

Trong khi đó, cùng ngày, phe ly khai được Armenia hậu thuẫn ở khu vực Nagorno-Karabakh đã kêu gọi Azerbaijan khởi động đàm phán và chấm dứt hành động thù địch.

Cơ quan đối ngoại của Cộng hòa Artsakh tự xưng tại khu vực Nagorno-Karabakh nêu rõ: “Phía (Karabakh) kêu gọi phía Azerbaijan ngừng bắn ngay lập tức và ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết tình hình”.

Ông Gegham Stepanyan, “thanh tra nhân quyền” của Cộng hòa tự xưng này xác nhận hai dân thường đã thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong các cuộc tấn công do quân đội Azerbaijan tiến hành. Theo ông, trong 8 người bị thương có cả trẻ em.

Các bên liên quan cũng lên tiếng trước diễn biến mới tại Nagorno-Karabakh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, Moscow quan ngại về căng thẳng leo thang, song lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Nagorno-Karabakh sẽ tiếp tục sứ mệnh.

Bà cũng cho biết Nga vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức từ Thổ Nhĩ Kỳ về họp bốn bên liên quan tình hình hiện nay.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Ngoại trưởng Anthony Blinken có thể can dự về mặt ngoại giao để giải quyết căng thẳng này.

Về phần mình, viết trên mạng xã hội, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhấn mạnh: “Hôm nay, tin tức tàn khốc đến từ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh... Các hoạt động quân sự của Azerbaijan phải dừng lại ngay lập tức để tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại thực sự giữa Baku và Yerevan”.

Cao ủy Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell nêu rõ: “Tình trạng leo thang quân sự này không nên được xem như cái cớ để buộc người dân địa phương phải di tản... Bạo lực cần chấm dứt để tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình và bình thường hóa”.

Phát biểu bên lề Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 78 tại New York (Mỹ), Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhận định: “Lời hứa kiềm chế hành động quân sự của Baku đã bị phá vỡ. Azerbaijan phải ngay lập tức ngừng pháo kích và quay lại bàn đàm phán”.

Bộ Ngoại giao Pháp cũng tuyên bố “không có lý do nào” cho hành động quân sự của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh. Paris kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lập tức triệu tập phiên họp khẩn để thảo luận về vấn đề này.

Trong tuyên bố, Pháp khẳng định đang nỗ lực phối hợp với các đối tác để chuẩn bị một “đòn đáp trả mạnh mẽ… cuộc tấn công không thể chấp nhận được”.

(theo AFP, Reuters, Sputnik, TASS)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-nagorno-karabakh-azerbaijan-quyet-den-cung-armenia-len-tieng-my-va-eu-noi-gi-242803.html