Tình hình Ukraine: Nga nói đối phương mất nhiều nguồn lực, Đức khẳng định không đơn độc khi cấp vũ khí, nước nào viện trợ Kiev nhiều nhất?

Đức tuân theo 3 nguyên tắc rõ ràng: Hỗ trợ Ukraine hết mức có thể; ngăn chặn cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO; Berlin sẽ không hành động một mình.

Quân nhân Ukraine được triển khai gần thị trấn Lyman, Donetsk, trên tiền tuyến giao tranh với Nga, ngày 8/12. (Nguồn: Reuters)

Quân nhân Ukraine được triển khai gần thị trấn Lyman, Donetsk, trên tiền tuyến giao tranh với Nga, ngày 8/12. (Nguồn: Reuters)

Ngày 17/12, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết, các hệ thống phòng không của Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã mất một nguồn lực đáng kể cho các mồi nhử được quân đội Moscow bắn đi trong đợt tấn công tên lửa ngày 16/12.

Ông Konashenkov thông báo: “Các hệ thống phòng không của Ukraine và phương Tây đã sử dụng nguồn lực đáng kể vào các mục tiêu giả, mở ra các vị trí và 4 trạm radar của hệ thống tên lửa phòng không S-300 Ukraine đã bị phá hủy tại các điểm dân cư Andrusovka, Pridneprovskoe, thuộc tỉnh Dnepropetrovsk, cũng như Novotavricheskaya và Nikolay-Pole thuộc tỉnh Zaporozhye”.

Liên quan tình hình Ukraine, trong cuộc phỏng vấn với báo Süddeutsche Zeitung ngày 17/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này sẽ không hành động đơn độc trong việc cung cấp vũ khí cho Kiev năm 2023.

Lưu ý rằng Đức là một trong những nước ủng hộ Ukraine "quyết tâm nhất", ông Scholz nhắc lại, Berlin đang cung cấp cho Kiev các loại vũ khí hiện đại như pháo tự hành Panzerhaubitze 2000, hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), pháo phòng không tự hành Gepard hay hệ thống phòng không IRIS-T hiện đại.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức chỉ ra rằng, nước này tuân theo 3 nguyên tắc rõ ràng: Hỗ trợ Ukraine hết mức có thể, ngăn chặn một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Berlin sẽ không hành động một mình.

Khẳng định đây là tiêu chí của chính sách quyết đoán, cân bằng và nó cũng sẽ được áp dụng vào năm tới, nhà lãnh đạo trên cũng bày tỏ quan điểm đại đa số người Đức tin rằng điều này là đúng.

Trước đó, ông Scholz nói vũ khí Berlin cung cấp cho Kiev giúp thay đổi tình hình trong các cuộc đối đầu ở Donbass.

Cũng liên quan tới vấn đề viện trợ cho Ukraine, cùng ngày 17/12, tờ Postimees của Estonia cho biết, Estonia là quốc gia duy nhất trên thế giới chi hơn 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để viện trợ cho Kiev.

Postimees trích dẫn dữ liệu từ công ty thống kê Statista của Đức, theo đó, Estonia là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine tính theo tỷ lệ GDP.

Tờ báo viết: "Estonia là quốc gia duy nhất trên thế giới dành hơn 1% GDP để viện trợ cho Ukraine - cụ thể là 1,1%. Latvia, đứng ở vị trí thứ hai, với 0,93% GDP. Con số này của Ba Lan là 0,5% GDP”.

Xếp ở các vị trí tiếp theo là Litva (0,46%), Na Uy (0,34%), Anh (0,26%), CH Séc (0,24%), Canada (0,23%) và Mỹ (0,23%).

Trước đó, Nga gửi công hàm tới các nước thành viên NATO vì việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov lưu ý rằng, bất kỳ lô hàng nào chứa vũ khí cho Kiev sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của Moscow.

(theo Sputnik, TTXVN)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-ukraine-nga-noi-doi-phuong-mat-nhieu-nguon-luc-duc-khang-dinh-khong-don-doc-khi-cap-vu-khi-nuoc-nao-vien-tro-kiev-nhieu-nhat-210249.html