Tình huống pháp lý vụ nhóm 'quái xế' tông tử vong cô gái trẻ ở Hà Nội

Liên quan đến vụ nhóm 'quái xế' tông tử vong cô gái trẻ ở Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm đã triệu tập 10 đối tượng để điều tra, khởi tố vụ án.

Nhóm 'quái xế' có thể bị xử lý thế nào?

Liên quan đến vụ nhóm 'quái xế' tông tử vong một cô gái trẻ ở Hà Nội, hiện Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 10 đối tượng để điều tra, làm rõ.

Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, vụ việc xảy ra để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Báo động tình trạng không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Nhóm "quái xế" lái xe máy với tốc độ cao tông tử vong cô gái trẻ. Ảnh cắt từ clip

Vụ việc đã làm 1 cô gái trẻ tử vong, để lại cho gia đình nạn nhân nỗi đau dai dẳng khi mất đi người thân, những tổn thương tinh thần vô cùng to lớn. Đáng báo động hơn, nhóm "quái xế" có những đối tượng điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi chưa có giấy phép lái xe, khi xảy ra hậu quả tai nạn đã bỏ chạy nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Hành vi này của nhóm đối tượng bị cả xã hội lên án, trái lương tâm, đạo đức ứng xử giữa con người với con người, các hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm minh theo các quy định pháp luật.

Cụ thể, xuất phát từ việc nhóm đối tượng có hành vi tụ tập, tổ chức đi xe máy với tốc độ cao, hành vi này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại khoản 9, 11, 23 điều 8, điều 9, 12, 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008. Các hành vi có dấu hiệu phạm "Tội gây rối trật tự công cộng" được quy định tại điều 318 Bộ luật hình sự. Trường hợp bị khởi tố về tội danh này, nhóm đối tượng có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù.

Ngoài ra, hậu quả vụ việc làm 1 người tử vong, xuất phát từ việc đối tượng Nguyễn Hồng Nhung điều khiển xe máy đâm trực diện vào chị Q làm chị Q ngã ra đường, do đang điều khiển xe máy với tốc độ cao nên đối tượng N.T.M.K (SN 2008) điều khiển xe máy chở Lê Đình Cường (SN 2005) đang chạy theo đoàn đã đâm tiếp vào chị Q.

Hành vi này của đối tượng Hồng Nhung và đối tượng M.K có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông" được quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự.

Trong khi đó, đối tượng M.K hiện nay chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe để điều khiển xe có dung tích xi lanh từ 50cc trở lên, nghiêm trọng hơn nhóm đối tượng khi gây tai nạn có hành vi bỏ chạy khỏi hiện trường không cứu giúp nạn nhân, gây tâm lý bức xúc với mọi người, các hành vi này có dấu hiệu định khung được quy định tại điểm a, c khoản 2 điều 260 Bộ luật hình sự.

Nhóm đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Hà Nội

Nhóm đối tượng tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Hà Nội

Trường hợp bị khởi tố về tội danh Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự, đối tượng Hồng Nhung và M.K có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất tới 10 năm tù.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điều 584, 585, 586, 587, 589, 591 Bộ luật dân sự năm 2015, đối tượng Hồng Nhung, đối tượng M.K có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường toàn bộ các thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm cho thân nhân gia đình chị Q.

Nhức nhối nạn đua xe

Theo Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, 'dân' đua chủ yếu là thanh niên, mà thanh niên thì luôn hiếu động, giàu năng lượng, thích cảm giác mạnh, thích thể hiện mình để chứng tỏ bản lĩnh hay đẳng cấp với người xung quanh, ưa đàn đúm theo nhóm có cùng sở thích...

Vẫn biết nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, ban đầu những đối tượng này cũng sợ nhưng rồi bị bạn bè trong nhóm lôi kéo, rủ rê, mà tâm lý không ai muốn bị chê là nhát, là kém nên vẫn tham gia. Nếu có chuyện gì thì đã có bố mẹ lo. Rồi khi đến đường đua, không khí huyên náo, kích động khiến con người ta quên hết sợ hãi.

Đã tham gia đua thì phải gây ấn tượng bằng các màn khó như bốc đầu đi 1 bánh, tháo phanh, quẹt chân chống tóe lửa, đổi lái khi xe đang chạy... Đua vài lần mà không hề hấn gì thì không sợ nữa, đôi khi còn thích có công an đuổi bắt để biểu diễn tài nghệ lái xe bỏ chạy. Đây là những hành vi không những vi phạm trật tự an toàn giao thông mà còn gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Các đối tượng đều biết là pháp luật cấm đua xe trên đường, nhưng do thiếu ý thức chấp hành pháp luật nên họ vẫn tham gia.

Theo các chuyên gia tâm lý, nhu cầu được trải nghiệm cảm giác mạnh khi đối diện với nguy hiểm là đặc điểm tâm lý có thật ở một số người, hoạt động thể thao mạo hiểm như đua xe mô tô giúp con người thỏa mãn nhu cầu đó.

Mặt khác, hạ tầng giao thông hiện nay ở nhiều địa phương rất tốt, phương tiện xe máy cá nhân đã phổ cập, tạo điều kiện cho những ai muốn thưởng thức cảm giác mạnh khi thực hiện hành vi đua xe.

Một nguyên nhân quan trọng khác đó là tình trạng nuông chiều, thiếu sự giám sát, buông lỏng quản lý con cái khá phổ biến ở nhiều gia đình. Cha mẹ không thường xuyên nắm bắt được tư tưởng, hành vi, sinh hoạt hằng ngày của con cái mình để giáo dục, uốn nắn. Chẳng hạn, nếu quan tâm đến con cái, bố mẹ sẽ nhận ra chiếc xe máy của con đã được thay đổi kết cấu... đó là dấu hiệu của việc con tham gia đua xe, để kịp thời ngăn chặn.

Thời gian qua, công an các tỉnh đã tăng cường tổ chức truy bắt các quái xế đua xe trái phép nhưng chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính nên tác dụng răn đe, giáo dục chưa cao, các đối tượng "nhờn luật", tiếp tục vi phạm.

Phúc Đức

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tinh-huong-phap-ly-vu-nhom-quai-xe-tong-tu-vong-co-gai-tre-o-ha-noi-169241105095606445.htm