Tính năng ưu việt của kênh mương đúc sẵn

Chương trình kiên cố hóa kênh mương đã được tỉnh triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên phải từ năm 2016 trở lại đây với việc lắp đặt hệ thống kênh mương parabol thành mỏng đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Chuyện dẫn thủy nhập điền

Vừa thu hoạch xong lúa mùa, bà con nông dân các thôn Cây Chanh, Vàng Lè, Thọ Sơn, Đàn Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) hồ hởi bắt tay ngay vào lắp đặt kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn. Anh Mông Thanh Tuất, Phó trưởng thôn Cây Chanh bảo, tỉnh hỗ trợ cấu kiện, bà con mình chỉ đóng góp công sức nên mừng lắm, phải tranh thủ từng ngày lắp đặt để trồng cấy năng suất, chất lượng hơn. Theo anh Tuất, từ năm 2016 đến nay, thôn Cây Chanh đã lắp đặt được gần 2.000 m kênh mương đảm bảo tưới chắc cho 19,2 ha đất lúa. Nhờ kiên cố được kênh mương, giờ bà con không phải chịu cảnh màn trời, chiếu đất thức đêm bắc nước vào ruộng nữa.

Ông Lê Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Chiêu Yên (Yên Sơn) chia sẻ, toàn xã có 97,6 ha đất lúa, do xã không có hồ thủy lợi, toàn bộ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp chỉ biết “nương tựa” vào nước trời và các mỏ nước nhỏ dưới những chân núi. Hệ thống kênh mương chưa được xây dựng, nguồn nước đã hạn hẹp lại bị thất thoát do thẩm thấu, khiến nhiều thửa ruộng cuối nguồn luôn trong tình trạng “chết khát”. Từ năm 2016 đến nay, với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, xã đã kiên cố được 9.656 m kênh mương, chiếm 93% hệ thống mương, tưới chắc cho toàn bộ diện tích đất 2 vụ lúa.

Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng sản xuất bê tông đúc sẵn phục vụ chương trìnhkiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Lê Duy

Với người Dao thôn 7, 8, 9 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) hệ thống kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn mới được lắp đặt như con “suối thần” dẫn nguồn nước mát lành từ chân núi mẹ Minh Phú về tưới đẫm cho cánh đồng làng bản. Ông Hà Văn Hiện, thôn 7 Minh Phú ở cái tuổi ngoài 60 tuổi vẫn chưa thể tin chuyện dẫn thủy nhập điền lại dễ dàng đối với dân bản mình đến vậy. Ông Hiện bảo, làm đường giao thông đã khó, làm được kênh mương tưới nước cho lúa lại càng khó hơn nên bao đời nay cánh đồng lúa của thôn chỉ trông vào nước trời, nhưng 2 năm trở lại đây bà con đã dẫn được nước về từng thửa ruộng. Ông Hiện kể chuyện trai, gái bản đi “bắt” nước vất vả nhưng vui lắm, do ruộng của bản ở xa, xe ô tô chở cấu kiện mương không vào được nên chỉ tập kết bên vệ đường. Vậy là cứ 3-4 thanh niên lực lưỡng khênh vác những tấm mương nặng vượt qua suối đến cánh đồng rồi khớp nối tạo ra con mương dài, nước theo đó mà về tắm mát cho cây lúa, mùa nối mùa bội thu.

Theo ông Vũ Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Phú, tính từ năm 2016 đến nay, toàn xã đã kiên cố hóa được gần 10.000 m kênh mương, nhiều thôn, bản vùng sâu, vùng xa hệ thống kênh mương tưởng chừng như không thể kiên cố hóa được giờ cũng đã cơ bản hoàn thiện.

Mương xuống đồng sâu, mương lên ruộng cạn

Người dân thôn Sơn Khánh, xã Kim Phú (Yên Sơn) làm kênh mương bằng bê tông đúc sẵn. Ảnh: Quốc Việt

Người dân thôn Sơn Khánh, xã Kim Phú (Yên Sơn) làm kênh mương bằng bê tông đúc sẵn. Ảnh: Quốc Việt

Theo Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chương trình kiên cố hóa kênh mương đã được tỉnh thực hiện từ năm 1999. Tuy nhiên, giai đoạn này là sự lồng ghép từ nhiều nguồn vốn và chỉ được thực hiện ở những địa phương có điều kiện thuận lợi. Hơn nữa, việc xây dựng bằng phương pháp truyền thống có những hạn chế, tốn vật liệu, thi công khó khăn; dưới sự tác động của thiên tai hệ thống kênh mương nhanh bị hư hỏng gây rò rỉ, thất thoát nguồn nước. Việc sửa chữa, phát dọn, nạo vét tốn nhiều công sức. Đặc biệt, khi quy hoạch đồng ruộng, buộc phải phá hủy không tận dụng được, gây lãng phí rất lớn.

Trước thực tế đó, ngày 13-7-2016, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2016-HĐND quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn thành mỏng. Theo đó, trên cơ sở nhu cầu của các địa phương, tỉnh sẽ hỗ trợ cấu kiện, người dân bỏ công lắp đặt. Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi khẳng định, với công nghệ đúc tiên tiến, kênh mương có độ chịu lực cao, mặt cắt parabol thuận lợi về thủy lực, dẫn nước nhanh nên sau 3 năm triển khai mương đã được lắp đặt ở mọi địa hình đồng ruộng, kể cả dưới đồng sâu và trên ruộng cạn, giải quyết được căn bản bài toán thiếu nước tưới phục vụ sản xuất ở nhiều địa phương.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, kiên cố hóa kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn đã giúp bà con nông dân các xã có diện tích đồng trũng lớn như Lâm Xuyên, Sầm Dương, Hồng Lạc, Hào Phú... tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nên đã ăn chắc được 2 vụ lúa. Bà con nông dân trút bỏ được nỗi lo bao đời vụ xuân lúa chết khát, vụ mùa chết úng vì nước.

Ở huyện vùng cao Lâm Bình, toàn bộ tính năng ưu việt của kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn đã và đang phát huy hiệu quả. Mương được lắp đặt đến đâu mang nước về đến đó tưới đẫm những cánh đồng. Ông Nguyễn Văn Hào, thôn Nậm Đíp, xã Lăng Can phấn khởi bảo, hơn 30 năm làm ruộng giờ ông đã thoát được cảnh phải trông vào nước trời để gieo cấy lúa. Có mương rồi, muốn dẫn nước về ruộng chỉ cần mở cống đầu nguồn nước tự chảy về ruộng không còn lo cảnh nước mất đi đâu. Chủ động được nước trong sản xuất, bà con gieo cấy đúng khung thời vụ, cây trồng cũng phát triển tốt hơn. Thống kê của UBND xã Lăng Can, từ 2016 đến năm 2019, xã đã hoàn thành 6,44 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn... Toàn xã Lăng Can hiện có 36,4 km kênh mương, trong đó 35 km đã được kiên cố hóa đảm bảo tưới tiêu cho 462 ha lúa trên địa bàn 12 thôn.

Theo tổng hợp của Chi cục Thủy lợi, đến nay toàn tỉnh đã huy động được trên 544 tỷ đồng để hoàn thành 784,84 km kênh mương, đạt 100,6% mục tiêu đề án kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 1 (2016 - 2020), hoàn thành sớm hơn 1 năm so với kế hoạch, góp phần đưa tổng số xã đạt tiêu chí thủy lợi lên 128/129 xã, đạt 99,22%, tăng 42 xã so với năm 2015. Hiện toàn tỉnh đạt 74,6% tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa, tăng hơn 16% so với năm 2015, bảo đảm chủ động nguồn nước cho hơn 38 nghìn ha lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản và tạo nguồn nước để áp dụng công nghệ tưới tiên tiến cho khoảng 1.000 ha cây trồng cạn tập trung như cam, chè, mía.

Có thể khẳng định, sau khi đưa vào quản lý, sử dụng, hệ thống kênh mương được lắp đặt bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn đã phát huy hết hiệu quả. Đây thực sự là đòn bẩy cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ việc phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh.

Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/tinh-nang-uu-viet-cua-kenh-muong-duc-san-127021.html