Tình người qua những trang hồ sơ
Hàng chục năm qua, Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã trở thành sợi chỉ đỏ, nơi gửi gắm niềm tin của biết bao gia đình là thân nhân của những người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc...
Nói đến công tác hồ sơ nghiệp vụ CAND, người ta nghĩ đến nhiệm vụ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống tội phạm của một đơn vị nghiệp vụ trong Bộ Công an - Cục Hồ sơ nghiệp vụ. Song ít ai biết rằng, đây còn là nơi lưu giữ, khai thác, tra cứu, cung cấp thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm nhân chứng lịch sử. Từ đó, thực hiện nhiệm vụ thầm lặng nhưng vô cùng nhân văn là cung cấp thông tin, tài liệu qua những trang hồ sơ đã ố mờ theo thời gian về các liệt sỹ, chiến sỹ cộng sản…, chưa tìm được manh mối nhân thân. Mỗi hồ sơ là một câu chuyện lịch sử đầy xúc động về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, tình đồng chí, đồng đội sắt son.
1."Gia đình tôi có thân nhân hoạt động cách mạng từ những năm 1930, nhưng trải qua bao thời cuộc biến đổi lịch sử, người nhà cũng bỏ ra thời gian đi tìm kiếm nhiều nơi với bao địa chỉ, gắn liền với quãng đời hoạt động của thân nhân của mình nhưng không tìm được tư liệu nào. Cuộc tìm kiếm thông tin gần như vô vọng…
Thật bất ngờ và cũng là cơ duyên để rồi sau một thời gian được sự giúp đỡ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ, gia đình tôi đã được đơn vị cung cấp những thông tin về thời kỳ hoạt động của cụ tôi. Là con cháu của cụ, khi biết được tư liệu về thân nhân; đọc nội dung được cung cấp, gia đình chúng tôi vô cùng xúc động…
Một cảm giác thiêng liêng và rất đỗi tự hào. Gia đình đã đóng khung tư liệu đó trang trọng đặt lên ban thờ của cụ và xem đó như “Bảng vàng danh dự” và sẽ nâng niu, lưu giữ cho thế hệ mai sau biết…". Đó là những dòng chia sẻ của anh Trịnh Xuân Sơn (ở tại xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) gửi đến Cục Hồ sơ nghiệp vụ.
Cho đến bây giờ, anh Trịnh Xuân Sơn vẫn không quên được cuộc gặp vào một ngày tháng 5 của năm 2020 tại Hà Nội… Qua cuộc nói chuyện, anh tình cờ biết Đại úy Đào Thị Thu Trang và người đồng đội của chị đang công tác tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ. Trong quá trình nói chuyện, Đại úy Đào Thị Thu Trang và đồng chí Lê Hải Nam chia sẻ rằng họ nhiều lần phối hợp với Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh trong công tác tìm kiếm… Lúc đó, gia đình anh Sơn đã có một thời gian dài tìm tung tích người thân là cụ Trịnh Thuyết, nguyên Ủy viên Tỉnh ủy Nghệ An năm 1931; là thành viên Đội Tự vệ đỏ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh; Bí thư Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương, Nghệ An…, nhưng không có nhiều thông tin.
Khi nghe câu chuyện đó, Đại úy Đào Thị Thu Trang và đồng đội đã hướng dẫn anh Sơn viết đơn, xin xác nhận của chính quyền địa phương… Sau khi nhận được đơn của anh Sơn, chị Trang tranh thủ vào những ngày nghỉ học, trở về đơn vị, tỉ mỉ tra cứu từng trang hồ sơ.
Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Trang cho biết: Với trường hợp của cụ Trịnh Thuyết, các tài liệu về cụ không có trong hồ sơ cá nhân nên phải tra cứu theo các hồ sơ chuyên đề. Mỗi hồ sơ là một báo cáo chính trị về một thời kỳ, một địa phương do Pháp lập ra hoặc hồ sơ lưu trữ nhưng người bị tù đầy trong các nhà tù. Hồ sơ của cụ Trịnh Thuyết nằm trong hồ sơ những người bị đưa đi An Trí (những người hoạt động cộng sản nhưng địch không có đầy đủ chứng cứ kết án) đưa đi lao động khổ sai. Trong đó, có một tờ đã có đầy đủ các thông tin về nhân thân và quá trình hoạt động cách mạng của cụ Thuyết. Trong quá trình hoạt động cách mạng, cụ đã nhiều lần bị địch kết án…
Với những thông tin do Cục Hồ sơ nghiệp vụ cung cấp, người thân trong gia đình đã có căn cứ khẳng định rằng những thông tin trong viết sử là chính xác để sử dụng và cung cấp cho bảo tàng…
Chia sẻ với chúng tôi về công việc thầm lặng nhưng đầy nhân văn của mình, Đại úy Trang cho biết: Khi có yêu cầu cung cấp thông tin, dù phải làm thêm ngoài giờ, dù phải vất vả tìm kiếm, tra cứu trong môi trường bụi bặm, ẩm mốc và độc hại nhưng cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ nói chung và Phòng 5 nói riêng đều không nề hà. Họ cẩn trọng tìm kiếm thông tin về người cùng hoạt động cách mạng hoặc cùng bị bắt với người cần tìm với hy vọng có được bản án chung do địch kết án.
Những giọt nước mắt cảm động thực sự rơi trên những trang tài liệu khi thân nhân nhận được thông tin; nhận được di ảnh về cha, ông họ. Trong quá trình đó, ngoài sự cần mẫn, tận tụy, cán bộ hồ sơ còn luôn chia sẻ với nỗi niềm của thân nhân các gia đình người có công với cách mạng, đồng hành cùng họ trong việc tìm kiếm thông tin và các tài liệu quý giá. Mỗi hồ sơ là một câu chuyện lịch sử đầy xúc động về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm và tình đồng chí, đồng đội sắt son.
Có những trường hợp phải tra cứu qua 5-7 người cùng hoạt động; cùng hy sinh, cùng bị bắt mới có thông tin đầy đủ nhất để rút hồ sơ. Trong quá trình đó, phải đọc và bổ sung rất nhiều thông tin. Những trường hợp như vậy, sau đó, làm công tác lên thẻ, khai thác lại thông tin, để lần sau tra cứu thông tin thì đầy đủ hơn.
Trường hợp của cụ Trần Sanh là một ví dụ. Gần 10 năm, gia đình cụ Trần Sanh đã tìm kiếm thông tin liên quan đến hoạt động của cụ (cụ Sanh sinh 1902, mất 1945) nhưng đều không có kết quả. Trước đó, gia đình cụ Sanh đã có thông tin và xin được bản xác nhận về quá trình hoạt động nhưng lại thiếu thông tin về nơi giam giữ nên không được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Sau khi tiếp nhận đơn của gia đình, Đại úy Trang cùng đồng đội đã bắt đầu tìm kiếm thông tin, cuối cùng tìm ra nơi giam giữ là nhà lao tỉnh Hà Tĩnh.
Với sự giúp đỡ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ, người thân trong gia đình cụ Trần Sanh đã thật sự xúc động, bởi qua những thông tin do đơn vị cung cấp, họ biết được thêm phần nào về cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ…
2. Hàng chục năm qua, Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã trở thành sợi chỉ đỏ, nơi gửi gắm niềm tin của biết bao gia đình là thân nhân của những người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều người khi ngã xuống, tuổi đời còn rất trẻ. Có những chiến sỹ đã được lưu danh trong sử sách song cũng có những đồng chí lặng thầm hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta mà gia đình, thân thân không hề hay biết.
Thời gian qua đi, những đảng viên thời kỳ 1930-1931 hầu hết đã mất; những bằng chứng lịch sử về quá trình hoạt động cách mạng cũng không còn. Chính vì thế, hoạt động khai thác, cung cấp thông tin về những đồng chí tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện đang lưu trữ tại Cục Hồ sơ đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, góp phần thay đổi cuộc sống cho hàng nghìn thân thân các gia đình người có công với cách mạng. Đây là một trong nhữnghoạt động có ý nghĩa thiết thực và cũng là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ.
Tôi xin lấy những chia sẻ của Đại úy Trang, thay lời kết của bài viết: Quá khứ đã ngày càng lùi xa nhưng chúng ta hôm nay không bao giờ quên ơn các thế hệ đi trước. Công việc lưu trữ, khai thác và cung cấp thông tin, tài liệu trong hồ sơ thu được qua các thời kỳ là việc làm thầm lặng nhưng vô cùng nhân văn. Ở đâu đó, trong những trang hồ sơ đã ố mờ theo thời gian vẫn lưu giữ thông tin về các liệt sỹ, chiến sỹ cộng sản những năm 1930-1931 chưa tìm được manh mối người thân. Cục Hồ sơ nghiệp vụ bởi thế đã thực sự trở thành địa chỉ Đỏ - nơi mang lại ánh sáng hy vọng cho thân nhân các gia đình người có công với cách mạng.
Cùng với công tác phòng, chống tội phạm, CBCS Cục Hồ sơ nghiệp vụ ngày lại ngày vẫn nỗ lực không mệt mỏi, cần cù, nhẫn nại, làm công việc vô cùng nhân văn…, giúp không ít các gia đình tìm được thân nhân sau nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tinh-nguoi-qua-nhung-trang-ho-so-638658/