Tính nhân văn từ các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh
Là đầu cầu giới tuyến của 2 miền Nam-Bắc trong những năm chống Mỹ cứu nước nên tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu hậu quả chiến tranh hết sức nặng nề. Thực hiện chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, xác định nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm đến công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; trong đó chú trọng công tác tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để khắc phục hậu quả chiến tranh.
Kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, ước tính 81% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh bị ô nhiễm bom mìn, cao nhất trong toàn quốc; có trên 8.500 nạn nhân bom mìn, chiếm 1,2% dân số, trong đó 31% nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị có trên 37.000 người khuyết tật, chiếm 6% dân số; trong đó hơn 9.000 người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nhiều gia đình để lại di chứng đến thế hệ thứ ba.
Góp phần vào công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh và giải quyết các vấn đề xã hội không thể không nhắc đến sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài dành cho tỉnh Quảng Trị.
Được thành lập vào tháng 8/2001, Dự án RENEW là chương trình hợp tác giữa chính quyền tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ quốc tế nhằm phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn tỉnh. Đối tác chính thức của Dự án RENEW là Quỹ Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA), một trong những tổ chức quốc tế có uy tín trong lĩnh vực giải trừ vũ khí nhân đạo. Hiện nay, Dự án RENEW đang triển khai 3 chương trình chính, gồm: Khảo sát và rà phá bom mìn (hợp tác với NPA Việt Nam); hỗ trợ nạn nhân và người khuyết tật; giáo dục nguy cơ bom mìn.
Từ năm 2001-2023, chương trình khảo sát và rà phá bom mìn đã hoàn thành khảo sát dấu vết bom đạn chùm tại 690 thôn, bản tiếp cận được trên toàn tỉnh; xác định và lập bản đồ các khu vực ô nhiễm bom đạn chùm với diện tích 619 km2 . Gần 25 triệu m2 đất được các đội RENEW/NPA rà sạch và bàn giao cho người dân sản xuất.
Đối với chương trình hỗ trợ nạn nhân và người khuyết tật, trên địa bàn tỉnh có 2.300 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế được tập huấn về kỹ năng cứu thương, điều trị chấn thương; gần 3.000 người khuyết tật được khám, cung cấp chân tay giả, các dụng cụ chỉnh hình để phục hồi chức năng đi lại và tái hòa nhập cộng đồng; 750 gia đình nạn nhân và người khuyết tật được hỗ trợ cải thiện sinh kế; 2.878 người khuyết tật và cán bộ chính sách được tiếp cận Luật Người khuyết tật; 175 thành viên hội người mù các huyện được đào tạo nghề làm hương, chổi và tăm tre để cải thiện thu nhập.
Chương trình giáo dục nguy cơ bom mìn giúp trên 200.000 trẻ em và người lớn tiếp cận thông điệp an toàn về bom mìn; 1.590 cán bộ đoàn thanh niên và giáo viên các trường học được tập huấn và hiện là cộng tác viên giáo dục nguy cơ bom mìn, giúp chuyển tải thông điệp an toàn đến cộng đồng.
Quản lý điều phối Dự án RENEW Nguyễn Hiếu Trung cho biết: “Chúng tôi cam kết hoạt động vì mục tiêu làm cho tỉnh Quảng Trị an toàn khỏi tác động bom mìn, trở thành tỉnh đầu tiên của Việt Nam đạt được mục tiêu này. Nâng cao nhận thức của cộng đồng để người dân hiểu biết về nguy cơ bom mìn và làm thế nào để bảo vệ bản thân khi phát hiện bom mìn. Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và gia đình họ với sự can thiệp và hỗ trợ ngay tại gia đình”.
Quá trình 27 năm đồng hành với chính quyền và người dân tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả chiến tranh, các chương trình, dự án của Tổ chức PeaceTrees Việt Nam đã mang lại những tác động tích cực và phát huy hiệu quả giá trị nhân văn. Qua đó, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, tạo dựng niềm tin và xây đắp thêm tình hữu nghị giữa Nhân dân hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ.
Giám đốc quốc gia Tổ chức PeaceTrees Việt Nam Phạm Hoàng Hà cho biết, thời gian qua, hoạt động hỗ trợ nạn nhân bom mìn giúp 220 nạn nhân bom mìn nhận được hỗ trợ khẩn cấp, 62 gia đình nhận được hỗ trợ dài hạn, 250 gia đình được nhận vốn vay tín dụng và tham gia 14 khóa tập huấn, 3.459 cá nhân được nhận học bổng.
Kể từ năm 1996 đến nay, PeaceTrees Việt Nam đã loại bỏ hơn 142.889 vật liệu chưa nổ nguy hiểm như bom mìn, đạn cối và lựu đạn, làm sạch 2.718 ha đất. Bên cạnh rà phá bom mìn, phục hồi môi trường, PeaceTrees Việt Nam cùng cộng đồng địa phương xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu như 20 nhà mẫu giáo, 12 thư viện, 1 làng tái định cư và xây dựng các dự án nông nghiệp cho trên 450 gia đình tham gia, hưởng lợi.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của bom mìn và cách phòng tránh, dự án giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho khoảng 2.000 người dân trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, trong chương trình ngoại giao nhân dân, hơn 48.439 cây xanh đã được trồng.
Theo lãnh đạo Sở Ngoại vụ, đến nay có 17 tổ chức đã và đang hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh tại tỉnh Quảng Trị. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khảo sát và rà phá bom mìn; giáo dục phòng tránh bom mìn; xử lý bom mìn lưu động; tái định cư tại các vùng đất đã hoàn thành việc rà phá bom mìn; chăm sóc và hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân bom mìn và nạn nhân chất độc da cam/dioxin; hỗ trợ phát triển sau rà phá, các hoạt động hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập...
Các nhà tài trợ tiêu biểu của chương trình hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh tại tỉnh trong 27 năm qua gồm: Bộ Ngoại giao Đức, Bộ Hợp tác phát triển Đức, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Na Uy, Văn phòng Bộ Phát triển quốc tế-Vương quốc Anh, Quỹ Viện trợ Phát triển Ai-len cùng nhiều quỹ nhân đạo, tổ chức và cá nhân ngoài nước.
Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Triều Thương cho biết: “Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu tai nạn bom mìn và số nạn nhân bom mìn qua các năm, giảm thương vong, tổn thất cho người dân và chi phí cho xã hội. Nhiều diện tích đất đai bị ô nhiễm nặng đã được rà phá, một số lượng lớn bom mìn và vật liệu nổ đã được phát hiện và phá hủy an toàn.
Nhờ đó, diện tích đất phục vụ canh tác, định cư tăng đáng kể, góp phần phát triển sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân. Tính đến tháng 8/2023, trên 31.000 ha đất được rà phá bởi các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và lực lượng quân sự, phát hiện và xử lý hơn 800.000 vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh”.
Các chương trình, dự án đã đóng góp một nguồn đầu tư xã hội khá lớn cho địa phương. Trong 27 năm qua, tổng kinh phí hỗ trợ của các dự án đạt trên 188 triệu USD, tương đương 4.324 tỉ đồng. Đối với một tỉnh khó khăn như Quảng Trị thì đây là một nguồn kinh phí không nhỏ. Các dự án đã góp phần xây dựng và đào tạo được một đội ngũ nhân viên kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với kỹ thuật, công nghệ hiện đại là một nguồn lực quan trọng để giúp tỉnh giải quyết vấn đề hậu quả bom mìn bền vững trong tương lai.
Đồng thời, các dự án cũng đã tạo việc làm ổn định với thu nhập cao cho trên 1.000 lao động địa phương. Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hành động khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2016-2025, lồng ghép hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh với kế hoạch phát triển KT-XH trung hạn và dài hạn. Tổ chức xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án rà phá bom mìn, giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn, ưu tiên cho các khu vực ô nhiễm bom mìn, cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng, gắn với việc đảm bảo an toàn cho Nhân dân và phát triển KT-XH...”.