Tình như suối Đó
Ai đã từng sống với La Gi, chắc ít nhiều cũng có những nợ duyên với dòng suối Đó. Con suối nhỏ hiền hòa chỉ thoắt mấy bước chân ngang, dài không đầy mươi cây số.
Suối tích nước từ các khe lạch ở Bưng Kè, rồi ngoằn ngoèo chảy qua địa bàn Tân Phước, Tân An nhập vào sông Dinh tìm ra biển lớn. Suối tuy nhỏ nhưng quanh năm không bao giờ cạn nước, màu nước không long lanh xanh mà ửng đỏ như pha sắc mặt trời. Ngày xưa người Tân Tạo, Phước Bình thuộc Tân An gọi tên suối là suối Đá, bởi trên dòng suối có rất nhiều đá. Sau này không biết do đâu, trên sổ sách, bản đồ lại ghi tên suối Đó. Có người giải thích: Sở dĩ có tên suối Đó, là do cư dân sống hai bên suối thường dùng “đó” để bắt cá, lập luận này tôi thấy chưa thuyết phục lắm, bởi gần 50 năm sống bên dòng suối, sống từ khi làng Phước Bình mới lập, xứ đạo Tân Tạo có trước vài năm, tôi ít thấy người dân ở đây dùng “đó” bắt cá, cũng chưa từng nghe dân làng gọi tên suối Đó. Điều rất có thể xảy ra khi ghi chép địa lý người có trách nhiệm đã ghi nhầm “Đá”, thành “Đó”. Nói để biết vậy thôi, chứ mấy mươi năm rồi, cái tên suối Đó đã thành quen thuộc, nó như phần hồn mãi gắn bó với cư dân nơi đây.
Ảnh minh họa.
Suối Đó ngày xưa, khi rừng chưa bị tàn phá, mùa khô nước vẫn đầy ăm ắp, ngay tại chân cầu sát quốc lộ 55, ông Hồ Chỉnh một nông dân làng Phước Bình nay là khu phố 8, phường Tân An, vào khoảng đầu thập niên 70 đã dùng tre làm cái xe nước to đùng, lấy nước tưới cho mấy sào ruộng hai bên bờ suối, công trình thủy lợi tự tạo đầu tiên trên dòng suối. Mãi đến năm 1989, dân làng Phước Bình đề xuất và đóng góp để cùng với ngành thủy lợi Hàm Tân xây dựng đập suối Đó, rồi đào kênh dẫn nước về tưới tận cánh đồng Tân Thiện, La Gi. Không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, mùa khô khi sông Dinh cạn kiệt, đập Đá Dựng khô nước, suối Đó lại chia dòng mang nước về nhà máy phục vụ cho nhu cầu dân sinh. Đập bây giờ vẫn còn đó, suối vẫn ngày đêm nhẫn nại vắt kiệt dòng ươm xanh mạch sống.
Với người dân Phước Bình, dòng suối này đã nuôi dưỡng họ suốt mấy chục năm qua. Ai đã từng sống trong cảnh không giếng, không nước máy, mới thấy dòng nước suối nó quý giá đến nhường nào. Từ tắm gội, uống, ăn... dân làng đều nhờ vào dòng suối. Rồi con tôm, con cá... giúp bữa ăn người dân bớt đi phần đạm bạc. Ngay cả viên sạn, hạt cát, suối cũng vắt lòng hiến dâng. Không khó để nhận ra mỗi ngày như mọi ngày người ta vẫn thấy từng đoàn xe bò chở cát về thị xã bán cho các công trình xây dựng. Nhiều người gần cả đời chỉ biết bám cát làm kế sinh nhai. Cát suối Đó sạch, không nhiễm mặn như cát sông Dinh nên rất được ưa chuộng. Cát vừa lấy đi hôm trước, hôm sau suối đã chở về bồi lại, nhờ vậy mà năm này qua năm khác nguồn tài nguyên cát chẳng bao giờ cạn. Tất cả, đều từ dòng suối nghĩa ân này.
Bây giờ, rừng bị tàn phá, cây cối hai bên bờ suối bị triệt hạ, đất đai bị bào xới, đã khiến dòng suối ngày càng thêm tội nghiệp. Mùa mưa, mưa chưa thấm đất, nước lũ đã chảy tràn, mùa khô dòng suối quặn mình thoi thóp, giống như người mẹ quê trong cơn bạo bệnh đang cố vắt từng giọt sữa cho con. Nhìn suối mà chạnh lòng đau, nếu cứ đà này không bao lâu nữa dòng suối Đó sẽ thành dòng suối chết.
“Gần cả đời tôi gắn với suối, gắn từ tàu lá kè chặt ở Cầu Rơm về tước làm chổi, gắn với những sợi mây nước dài ngoằn rút hoài không hết, gắn với chiếc cầu ngày nào nay chỉ còn đôi bờ đá lạnh đứng bơ vơ. Gắn từng con tôm, con cá những chiều mưa lay phay ôm cần ngồi đợi. Suối là phần hồn của mảnh đất Tân An, là cội nguồn tạo nên hương sắc quê hương, là mạch sống ươm xanh bãi bờ, làng mạc. Suối chảy qua đời tôi - muôn trùng nỗi nhớ!”. Tôi đã nói với tôi, với quê hương, với bà con, bè bạn nhiều lần như thế đó. Và rồi tôi lại ao ước, ước một ngày nào đó, gần thôi, cây sẽ mọc xanh hai bên triền suối, suối sẽ ăm ắp dòng chở nặng cá tôm.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tinh-nhu-suoi-do-104384.html