Tình quân - dân trong bão lũ

Hàng trăm sĩ quan dầm mình dưới nước lũ giúp dân di chuyển tài sản. Hàng ngàn chiến sĩ trắng đêm đào bới tìm đồng đội. Cả trung đoàn luồn rừng, lội suối tìm bà con bị lạc đường hoặc mất tích trong trận lũ lịch sử ở miền Trung. Đó không chỉ là hành động ngời sáng bản chất Bộ đội Cụ Hồ; mà còn là tình người sâu nặng giữa thiên tai bão lũ. Chỉ có nghĩa tình quân dân thắm thiết mới làm được những việc làm sâu nặng như thế.

Tên các anh tạc vào đất mẹ

Đã qua rồi những ngày gian khổ cùng bà con miền Trung chống lũ. Đã qua rồi những “đêm trắng” dầm mình trong bùn nước di chuyển vật dụng của bà con người dân Quảng Bình đến nơi khô ráo. Và đã qua rồi cảnh hàng ngàn hộ gia đình ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh phải sống trong “màn trời chiếu đất”.

Nhưng đọng sâu trong tim cán bộ chiến sĩ ở Quân khu 4 là nghĩa tình sâu nặng được giúp nhân dân giữa hoạn nạn thiên tai. Trận “đại hồng thủy” hoành hành đồng bào miền Trung trong năm 2020 đối với người lính Quân khu 4, đó là “trận chiến đấu khốc liệt”. Chỉ khác trận chiến đấu này không có tiếng súng đạn bom, không có quân thù như thời chiến trận, mà “giặc thù” là bão lũ. “Trận địa tác chiến” là bản làng, thôn xóm; bà con nhân dân là những người thân yêu nhất.

Các lực lượng vũ trang giúp dân trong bão lũ

Các lực lượng vũ trang giúp dân trong bão lũ

Khi sự cố Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền - Thừa Thiên Huế) xảy ra vùi lấp những công nhân nhà máy điện, thực hiện mệnh lệnh “cứu dân khẩn cấp” từ Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, cầm đội quân lập tức lên đường.

Trước khi rời đơn vị, ông nói với cấp dưới của mình: “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả hi sinh”. Cuộc hành quân của họ đi về hướng nhân dân chẳng khác gì cuộc hành quân ra trận tuyến.

Bất chấp đêm tối, mưa gió bão bùng, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đã chỉ huy cán bộ cấp dưới nhanh chóng “mở đường” vượt lũ khẩn cấp, bất chấp nguy hiểm để vào hiện trường tìm kiếm, cứu người bị nạn.Trong điều kiện mưa lớn, đêm tối, địa hình hiểm trở, bất ngờ bị núi lở, 13 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man nằm lại nơi rừng xanh núi biếc ấy.

Trong khi chuẩn bị lễ tang 13 đồng chí cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh thì 22 cán bộ chiến sĩ của Đoàn Kinh tế 337 Quân khu 4 bị núi Tạc ở Quảng Trị vùi lấp giữa đêm tối và anh dũng hi sinh. Các anh ngã vào rừng xanh núi biếc có 1 sĩ quan đeo hàm Đại tá, 4 người Trung tá, 1 Thiếu tá, 1 Đại úy, 7 Thượng úy và 8 chiến sĩ cấp hàm Trung sĩ. Dù Đại tá hay cấp hàm binh nhất, dù đã có vợ con hay chưa một lần yêu, dù quê Hà Tĩnh hay Quảng Trị, các anh mãi là những người lính bất tử của Tổ quốc thời bình.

Tổ quốc mãi ghi công các anh, đất nước không bao giờ quên các anh - những người sống vì sự bình yên Tổ quốc, hi sinh vì nhân dân.Các anh đã quên thân mình cho sự sống của người dân miền Trung ruột thịt. Các anh đã hóa thân vào lòng đất miền Trung.

Xúc động trước sự hi sinh cao cả của cán bộ chiến sĩ Quân khu 4, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ sự tiếc thương, nhấn mạnh: “Sự hi sinh anh dũng của các anh là tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và gia đình, người thân; để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí, đồng bào cả nước. Song đây cũng là biểu tượng của tinh thần quả cảm, tận tụy vì nước, vì dân, sẵn sàng xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của bà con vùng lũ”.

Xuân Tân Sửu 2021, đồng bào và chiến sĩ cả nước đón Tết cổ truyền dân tộc trong không khí ấm áp nghĩa tình, nhưng không quên 13 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hi sinh ở Rào Trăng 3 và 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng bị núi Tạc vùi lấp. Nước Việt sinh ra từ bom đạn chiến tranh, những người lính thời chiến trận hi sinh dưới mưa bom bão đạn là “qui luật tất yếu” của chiến tranh cách mạng.

Nhưng thời bình lặng im tiếng súng, các anh nằm xuống khi đất nước yên bình, là một tổn thất không gì bù đắp được. Tổ quốc ghi công, nhân dân nhắc nhớ, lịch sử không bao giờ lãng quên sự hi sinh của các anh. Tên các anh tạc vào đất Việt và mãi mãi là những ngọn đuốc sáng về đức hi sinh quên mình cứu dân trong mưa lũ.

Cứu giúp nhân dân từ mệnh lệnh trái tim

Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Giúp dân chống thiên tai bão lũ là một trong ba “sứ mệnh” quan trọng bậc nhất của quân đội nhân dân Việt Nam giữa thời bình lặng im tiếng súng. Sự hi sinh của các cán bộ chiến sĩ là biểu hiện cao nhất của đức hi sinh vì dân, là bản chất của Bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình.

Bộ đội Vùng 2 Hải quân giúp thầy cô giáo “cào” bùn, dọn dẹp trường học. Ảnh: Xuân Miền

Bộ đội Vùng 2 Hải quân giúp thầy cô giáo “cào” bùn, dọn dẹp trường học. Ảnh: Xuân Miền

Vui xuân Tân Sửu, hơn 93 triệu dân trên cả nước, từ miền núi đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến biên giới hải đảo hướng về miền Trung - nơi có hàng trăm ngàn gia đình xuân này mâm cơm giao thừa không đầy đủ như mùa xuân trước.

Nơi có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ ở Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh thành Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và bộ đội chủ lực của Bộ Quốc phòng đóng quân ở địa phương vẫn đang thầm lặng giúp dân dựng nhà, làm đường, xây cầu, chữa bệnh. Nhiều sĩ quan 3 năm chưa một lần đón giao thừa cùng vợ, con, bố, mẹ ở quê; nhiều chiến sĩ tình nguyện ở lại đơn vị cùng đồng đội giúp dân khắc phục sau bão lũ.

Nhiều quân nhân chuyên nghiệp gác lại hạnh phúc riêng tư của mình xung phong vào rừng sâu, núi thẳm giúp dân dựng nhà và cùng bà con vui Tết đón xuân. Dẫu vẫn hiểu đó là sứ mệnh từ trái tim người lính, là mệnh lệnh không lời của Bộ đội Cụ Hồ, là niềm kiêu hãnh của những người lính Quân khu 4; song đó cũng là nhiệm vụ nặng nề, không ít gian khổ khó khăn và hi sinh thầm lặng. Tất cả vì đồng bào miền Trung, vì ổn định cuộc sống của người dân miền Trung vùng bão lũ.

Xuân mới không quên nhiệm vụ

Sau cơn mưa trời hửng sáng, đó là qui luật của đất trời vũ trụ thiên tai. Sau trận “đại hồng thủy” “cướp” hàng ngàn ngôi nhà, hư hại hàng chục ngàn vườn tược, phá hủy hàng chục cây cầu, hàng ngàn mét đường sá; nhưng người dân các tỉnh miền Trung Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Phú Yên vẫn có một mùa xuân ấm áp nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của Chính phủ với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, sự chung tay giúp đỡ của đồng bào chiến sĩ cả nước với nghĩa cử “cả nước hướng về miền Trung ruột thịt”.

Dẫu không còn cuồng phong lốc tố, dẫu không còn nước lũ dâng cao, không còn người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” song những người lính miền Trung vẫn nhiều đêm thức trắng để giúp dân làm đường, dựng nhà, xây cầu. Ngoài nhiệm vụ giúp dân từ “mệnh lệnh trái tim”, các anh thường xuyên nêu cao cảnh giác, trực canh quan sát, sẵn sàng cơ động, giữ bình yên cho nhân dân miền Trung vui Tết đón xuân.

Trên đường tuần tra nơi đường biên của Tổ quốc, dưới hầm hào công sự lúc trực ca, vững tay súng đứng gác trong gió gào sương xuân lạnh giá, trong trái tim mỗi người lính miền Trung hướng về nhân dân. Bởi các anh hiểu, để có quân đội hùng mạnh vững chắc như ngày nay, để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Bộ Quốc phòng giao phó, các anh luôn được nhân dân địa phương chở che giúp đỡ để hoàn thành nhiệm vụ.

Xuân Tân Sửu ngời sắc trên dải đất miền Trung. Màu xanh mới đã mọc lên trên bùn đất phù sa. Cây đối đã đâm chồi nảy lộc. Người miền Trung vẫn có một cái Tết sum vầy ấm cúng. Trong niềm vui của mùa xuân mới, trong tim họ lấp lánh hình bóng anh Bộ đội Cụ Hồ - những người đã đồng hành sẻ chia cùng họ trong mùa bão lũ lịch sử vừa qua.

Thắng Mai

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tinh-quan-dan-trong-bao-lu-117993.html