'Tinh thần là phải làm cho bằng được Chính phủ điện tử'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải bằng mọi cách làm cho được Chính phủ điện tử. Nhưng cách nào an toàn nhất, tiết kiệm nhất, đạt kết quả tốt nhất, phục vụ Nhân dân, phục vụ sự phát triển lại là một câu hỏi lớn cần phải tập trung cao độ để tìm câu trả lời.

Tại đầu cầu Lâm Đồng

Ngày 23/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Lâm Đồng có sự tham dự của ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng và ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo của các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử cho rằng đây là công việc mới, việc khó nên thường xuyên tổ chức tổng kết, sơ kết để rút kinh nghiệm là việc cần thiết.

Cũng theo Thủ tướng, bước đầu thực hiện Nghị quyết 17 của Chính phủ về Chính phủ điện tử đã có những bước đột phá quan trọng, làm chuyển biến nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc triển khai Chính phủ điện tử vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập. “Chính điều này bộ, ngành và các địa phương phải nhìn nhận, rút kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm phải tốt theo hướng an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, hướng đến mục tiêu phục vụ nhu cầu xã hội và phát triển đất nước là câu hỏi lớn đặt ra”, Thủ tướng lưu ý.

Đề cập đến giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo tính thống nhất, kết nối đồng bộ giữa các ngành và địa phương. Cùng với đó, cần chú trọng đặc biệt đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát xâm nhập, khai thác để làm tốt công tác này, đơn vị quản lý đầu mối phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy: Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã triển khai thực hiện Chính phủ điện tử, bước đầu đã tạo được những kết quả tích cực. Các bộ, ngành, địa phương từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ, các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương.

Việc vận hành hệ thống Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng dịch vụ công quốc gia được thực hiện.

Năm 2018, Việt Nam được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) xếp hạng 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về chỉ số đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Thứ hạng này tăng 50 bậc so với năm 2017.

Về cơ sở dữ liệu quốc gia lĩnh vực dân cư đã cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tiến hành cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố; thu thập thông tin 80 triệu phiếu căn cước công dân, đạt tỷ lệ 86%; tiến hành rà soát cấp mã định danh cho 14,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 363.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; trên 12 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hơn 84 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Tính đến quý II/2019, các địa phương đã cung cấp hơn 43.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Năm 2019, Chính phủ xác định là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, tạo sự minh bạch hơn nữa trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Vì vậy, giải pháp thời gian tới là đẩy nhanh việc ban hành các nghị quyết nền tảng cho vận hành Chính phủ điện tử; quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh, xác thực điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân và thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, tỉnh; phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; xử lý hồ sơ và gửi nhận văn bản điện tử trong tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Tại Lâm Đồng, công tác phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Hạ tầng công nghệ thông tin trong các cơ quan cấp tỉnh, một số địa phương được đầu tư đồng bộ. Hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành các cơ quan nhà nước được sử dụng mở rộng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Qua đó, duy trì và nâng cao chỉ số ICT Index, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

TUẤN LINH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/201907/tinh-than-la-phai-lam-cho-bang-duoc-chinh-phu-dien-tu-2956312/