Tình thế của Ukraine khi Nga khuấy đảo miền Đông, Mỹ thờ ơ kế hoạch chiến thắng

Cuộc xung đột ở Ukraine đang bước sang năm thứ 3 với việc Nga tăng cường tấn công bất chấp tổn thất nhất định về lực lượng cũng như trang thiết bị trong khi các nhà lãnh đạo phương Tây loay hoay tìm kiếm chiến lược chấm dứt xung đột.

Tình thế của Ukraine khi Nga khuấy đảo miền Đông

Với các chuyến vận chuyển vũ khí phương Tây chậm và hạn chế, Ukraine đang đối mặt với một mùa đông ảm đạm. Các lực lượng của nước này, bị áp đảo về quân số và vũ khí đang mất dần các vùng lãnh thổ ở mặt trận phía Đông. Hiện Kiev đang cố gắng gây tổn thất tối đa cho Nga và hạn chế tổn thất của mình.

Các cuộc tấn công tên lửa và UAV của Nga nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã làm quá tải hệ thống phòng không của nước này, dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên trên toàn quốc có thể tồi tệ hơn trong mùa đông này.

Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành AS-90 về phía quân đội Nga trên tiền tuyến ỏ khu vực Kharkov. Ảnh: Reuters

Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành AS-90 về phía quân đội Nga trên tiền tuyến ỏ khu vực Kharkov. Ảnh: Reuters

Quân đội Ukraine, đang bám trụ tại các vị trí chiến lược quan trọng ở phía Đông như Chasov Yar, đối mặt với các cuộc tấn công của từng đợt bộ binh Nga và những chiến dịch ném bom lượn ác liệt. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố Ugledar, tiến về phía trung tâm hậu cần Pokrovsk và thọc sâu vào các thị trấn khác.

Theo các quan chức và binh lính Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần nói rằng họ muốn Ukraine giành ưu thế nhưng lại không cung cấp đủ sự hỗ trợ cần thiết để ngăn chặn Nga cũng như đảo chiều xung đột. Đáng lo ngại hơn cho Kiev, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, ông sẽ tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình nhanh chóng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, Moscow có kế hoạch tăng cường chi tiêu quân sự thêm 1/4 vào năm tới, cho thấy sự cam kết lâu dài với chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Trong chuyến thăm châu Âu và Mỹ những tuần gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu nhiều vũ khí và đảm bảo an ninh hơn như một phần của điều mà ông gọi là "kế hoạch chiến thắng" nhằm chấm dứt xung đột theo các điều khoản có lợi cho Ukraine.

Mỹ thờ ơ với kế hoạch chiến thắng của Ukraine

Chính quyền Tổng thống Biden hiện vẫn cung cấp vũ khí nhỏ giọt cho Ukraine do lo ngại khiêu khích Nga, đã có phản ứng không mấy nhiệt tình với kế hoạch này.

Các quan chức Mỹ cho biết, kế hoạch của Tổng thống Zelensky gói gọn lại trong một số yêu cầu trước đó và lưu ý rằng các thành viên của NATO đang chia rẽ về việc có nên chính thức mời Ukraine tham gia liên minh hay không.

Tổng thống Zelensky có ý định thảo luận về kế hoạch của mình với Tổng thống Biden và các đồng minh khác tại một cuộc họp theo lịch trình ở Đức vào tuần trước nhưng Tổng thống Mỹ đã hủy chuyến đi vì cơn bão Milton ở Florida.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, cho biết kế hoạch này là một chiến lược chi tiết bao gồm các bước quân sự, kinh tế, chính trị và ngoại giao cần thiết để buộc Nga chấm dứt xung đột. Trong số đó có yêu cầu về việc cung cấp nhiều tên lửa tầm xa hơn như ATACMS và Storm Shadow, cũng như quyền sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Ông Podolyak nhận định điều đó có thể thay đổi tính toán của Tổng thống Putin bằng cách gia tăng áp lực trong nước cũng như làm suy yếu các lực lượng trên tiền tuyến của Nga.

Cho đến nay, Mỹ từ chối đáp ứng yêu cầu trên do ngại điều này sẽ dẫn đến sự leo thang lớn hơn.

Ông Podolyak cho biết, nếu không có thêm sự hỗ trợ cho Ukraine, cuộc xung đột có thể kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng sẽ làm xói mòn vị thế toàn cầu của các quốc gia phương Tây. Ông cho rằng việc buộc Ukraine phải đàm phán từ vị thế yếu không chấm dứt xung đột mà sẽ khuyến khích Tổng thống Putin thúc đẩy mục tiêu chính của mình là kiểm soát toàn bộ Ukraine.

Kiev đã cố gắng cho thấy họ sẽ sử dụng sự hỗ trợ hơn một cách hiệu quả. Vào tháng 8/2024, quân đội Ukraine đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực Kursk của Nga, nhanh chóng chiếm khoảng 100 thị trấn và ngôi làng ở đây. Ukraine cũng tiến hành một loạt cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga và các khu vực Moscow kiểm soát, phá hủy các kho đạn dược và nhiên liệu.

Các đơn vị trên tiền tuyến của Ukraine đang phải vật lộn với việc thiếu các trang thiết bị cơ bản, trong đó có xe bọc thép, pháo và tình trạng thiếu hụt quân đội.

Dù vậy, ông Podolyak cho biết tình hình đang được cải thiện và Ukraine đã xoay xở để thực hiện một số đợt luân chuyển quân đội cũng như tăng quy mô lực lượng dự bị của mình. Tuần trước, chính phủ Pháp cho biết họ đang đào tạo và trang bị cho một lữ đoàn Ukraine, với khoảng 2.300 binh sĩ tập trận tại Pháp kể từ đầu tháng 9.

Ở mặt trận trong nước, người dân Ukraine ngày càng kiệt sức vì xung đột và các cuộc thăm dò cho thấy số lượng người ủng hộ đàm phán ngày càng tăng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng nhượng bộ. Theo một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 8 của Democratic Initiatives Foundation, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Kiev, chưa đến 1 trong 10 người sẵn sàng từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào cho Moscow để chấm dứt xung đột.

Hạ sĩ Oleksandr Solonko, một phi công máy bay không người lái người Ukraine chiến đấu ở mặt trận phía Đông cho biết, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào khác ngoài thỏa thuận đạt được bằng cách đánh bại Nga trên chiến trường sẽ chỉ tạm thời đóng băng xung đột, cho phép các lực lượng của Moscow tái vũ trang.

“Họ sẽ lại tấn công và điều đó sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi đất nước chúng tôi biến mất khỏi bản đồ thế giới”, ông Solonko nói.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Wall Street Journal

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tinh-the-cua-ukraine-khi-nga-khuay-dao-mien-dong-my-tho-o-ke-hoach-chien-thang-post1128319.vov