Tình tiết mới trong thảm kịch tàu ngầm Titan

OceanGate thu 250.000 USD cho mỗi chuyến lặn tham quan xác tàu Titanic, nhưng thiếu chứng nhận an toàn. Hành khách có lẽ không nhận thức được cái chết đã cận kề.

 Mảnh vỡ của Titan trải dài trên diện tích 10 mẫu Anh (khoảng 4.000 m2). Ảnh: Lực lượng Tuần duyên Mỹ.

Mảnh vỡ của Titan trải dài trên diện tích 10 mẫu Anh (khoảng 4.000 m2). Ảnh: Lực lượng Tuần duyên Mỹ.

Trong suốt 2 tuần qua, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã mở các phiên điều trần về vụ tàu ngầm Titan - con tàu thám hiểm xác tàu Titanic huyền thoại đã bị nổ tung dưới đáy Đại Tây Dương cách đây một năm trước.

Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 5 người trên tàu. Nhưng câu hỏi chưa có lời giải đáp về nguyên nhân tai nạn và sự an toàn của con tàu vẫn còn ám ảnh công chúng.

Theo New York Times, các phiên điều trần đã tiết lộ những dữ liệu chưa từng công bố, từ những video về mảnh vỡ dưới đáy biển, đến nhật ký liên lạc chi tiết giữa tàu Titan và tàu mẹ. Trong đó, có cả lời khai của hơn 20 nhân chứng, là cựu nhân viên của công ty sản xuất Titan OceanGate.

OceanGate từng được cảnh báo về thảm kịch Titan?

Theo lời khai của nhiều nhân viên cũ, OceanGate không ít lần nhận được cảnh báo về vấn đề an toàn của tàu ngầm Titan, nhưng chúng không được xem trọng. Cựu giám đốc điều hành hoạt động hàng hải của OceanGate David Lochridge tiết lộ rằng công ty tập trung chủ yếu vào lợi nhuận.

OceanGate thu phí lên đến 250.000 USD cho mỗi chuyến lặn tham quan xác tàu Titanic, nhưng không đảm bảo đủ mức độ kỹ thuật an toàn. “Mọi thứ chỉ là trò ảo thuật và lừa phỉnh”, Lochridge nói. Ông đã bị sa thải vào năm 2018 sau khi nêu lên các lo ngại về an toàn.

 Hamish Harding, Stockton Rush, Shahzada Dawood, Suleman Dawood và Paul-Henri Nargeolet là 5 hành khách trên tàu Titan. Ảnh: OceanGate.

Hamish Harding, Stockton Rush, Shahzada Dawood, Suleman Dawood và Paul-Henri Nargeolet là 5 hành khách trên tàu Titan. Ảnh: OceanGate.

Tony Nissen, cựu giám đốc kỹ thuật, cũng cho biết đã cảnh báo đồng sáng lập Stockton Rush rằng tàu ngầm “không hoạt động như mong đợi” vào năm 2019. Ông cũng từ chối cho tàu lặn xuống xác tàu Titanic. Nissen bị sa thải ngay sau đó.

Là người đảm nhận vai trò lãnh đạo kỹ thuật vào năm 2021, Phil Brooks cũng rời công ty vào năm 2021 vì cho rằng “an toàn bị đánh đổi” do OceanGate gặp khó khăn tài chính.

4 ngày sau khi Titan mất tích, một robot dưới nước phát hiện mảnh vỡ của con tàu dưới đáy biển. Mảnh vỡ bao gồm phần vòm sau của tàu và một phần thân bị vỡ nát. Điều này cho thấy con tàu đã nổ tung do áp lực khủng khiếp của đáy biển. Theo báo cáo của Lực lượng Tuần duyên, những hình ảnh này là "bằng chứng kết luận Titan đã bị hủy diệt và cái chết của toàn bộ 5 thành viên trên tàu”.

Tuy nhiên, một chi tiết rùng rợn là phần đuôi tàu vẫn còn nguyên vẹn, không bị nổ. Không giống như phần thân rỗng, phần đuôi của tàu có không gian bên trong thông với nước biển, nên không bị ảnh hưởng bởi áp suất đè nén.

Theo New York Times, một vấn đề khác được thảo luận trong buổi điều trần là liệu các hành khách có hiểu rõ về nguy hiểm khi tham gia chuyến đi này hay không. OceanGate khẳng định bản thỏa thuận trách nhiệm đã nêu rõ các rủi ro.

Văn bản dài 4 trang đã không né tránh những lời cảnh báo. Từ “tử vong” xuất hiện 9 lần, “chấn thương” 10 lần, và “rủi ro” 17 lần. Thỏa thuận này cảnh báo về “đau đớn, khổ sở, bệnh tật, biến dạng, khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn (bao gồm liệt), thiệt hại kinh tế hoặc tinh thần và tử vong”

“Tôi biết rõ rủi ro mà mình đang đối mặt, nhưng vẫn quyết định đi", Renata Rojas, một thợ lặn có kinh nghiệm đã tham gia chuyến lặn của Titan vào năm 2022, nói trong buổi điều trần.

Nhưng một số nhân chứng cho biết phần lớn không biết về việc tàu Titan không có chứng nhận an toàn. Đây vốn là điều vốn rất quan trọng trong các tàu lặn sâu.

Trong khi hàng nghìn phương tiện khác, từ tàu thuyền đến tàu ngầm và các giàn khoan ngoài khơi, có chứng nhận từ các tổ chức hàng hải uy tín, Titan lại không có bất kỳ chứng chỉ nào để đảm bảo rằng nó có thể chịu được áp lực khủng khiếp của đại dương sâu.

Titan đã nổ tung như thế nào?

Theo báo cáo và các lời khai tại phiên điều trần, không có tín hiệu khẩn cấp nào được gửi đi từ con tàu trước khi nó nổ tung. Điều này bác bỏ những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội về việc hành khách đã cố gắng liên lạc trong những phút cuối cùng.

Cũng có nguồn tin và các chuyên gia từng cho rằng việc Titan thả các khối nặng xuống nước vào phút cuối là dấu hiệu cho thấy hành khách đã biết mình đang đối diện với hiểm nguy.

 Mảnh vỡ từ tàu lặn Titan được vớt lên từ đáy đại dương ở St. John's, Newfoundland năm 2023. Ảnh: Paul Daly/The Canadian Press.

Mảnh vỡ từ tàu lặn Titan được vớt lên từ đáy đại dương ở St. John's, Newfoundland năm 2023. Ảnh: Paul Daly/The Canadian Press.

Song, Tym Catterson, một cựu nhân viên hợp đồng của OceanGate, cho biết hành khách không hề biết rằng họ đang đối mặt với thảm họa khủng khiếp.

2 khối nặng chỉ khoảng 32 kg đã được thả ra nhằm đạt trạng thái nổi dưới nước, không phải vì giải cứu khẩn cấp. Ông nhấn mạnh rằng mọi người đã "ra đi trong yên bình”, không ai phải chịu đựng sự đau đớn kéo dài.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất về nguyên nhân thực sự của vụ nổ vẫn chưa được trả lời. Catterson đưa ra giả thuyết thân tàu Titan bị cong nhẹ dưới áp lực của biển sâu, dẫn đến nứt vỡ ở các mối hàn với vòm kim loại.

Một số chuyên gia còn chỉ trích thiết kế của Titan là quá mạo hiểm và khác biệt so với các tàu ngầm đã được kiểm chứng. Theo họ, vật liệu sợi carbon dùng trong thân tàu có thể chứa nhiều khuyết tật nhỏ như lỗ rỗng và nếp nhăn, làm suy yếu cấu trúc của tàu.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tinh-tiet-moi-trong-tham-kich-tau-ngam-titan-post1501078.html