Tính toán xây nhà lưu trú cho công nhân ở Khu công nghệ cao

'Không thể chấp nhận chúng ta là một vựa lúa, nơi sản xuất mà không có gạo ngon ăn thì dở' - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói.

Chiều 10-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM về tình hình phòng chống dịch COVID-19, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Các hoạt động sản xuất gần như đã khôi phục hoàn toàn

Trước buổi làm việc, bí thư Thành ủy đã đến thăm 60 người lao động đang điều trị COVID-19 ở khu cách ly tập trung tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Tiếp đó, ông đến thăm hai doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao là Công ty FPT và Nhà máy Samsung Electronics Ho Chi Minh Complex (SEHC).

Tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao, báo cáo với bí thư Thành ủy, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết từ đầu dịch đến nay, Khu công nghệ cao ghi nhận hơn 2.500 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 1.000 ca tại Công ty Nidec Sankyo phát sinh giai đoạn đầu vào tháng 7-2021. Riêng từ ngày 1-10 đến nay, có 774 ca nhiễm, trong đó số ca phát sinh ở nhà máy là 533.

Theo ông Thi, để phục vụ công tác phòng chống dịch, ban quản lý đã tập trung xây dựng và phát triển các ứng dụng công nghệ. Các phần mềm đã giúp các doanh nghiệp quản lý, nắm chắc dữ liệu về dịch tễ của người lao động.

Về khôi phục sản xuất, ông Thi cho biết tính đến ngày 8-11, Khu công nghệ cao có 88 doanh nghiệp hoạt động với tổng số lao động hơn 45.000 người. “Gần như hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong khu đã khôi phục hoàn toàn” - ông Thi nói và cho biết dự kiến đến cuối tháng 11, quy mô hoạt động của các doanh nghiệp sẽ khôi phục 100%.

Theo ông, trong các doanh nghiệp đang sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Intel và Samsung là hai doanh nghiệp chủ lực. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Khu công nghệ cao TP.HCM trong 10 tháng đầu năm đạt 28,98 tỉ USD, giảm 7,46% so với cùng kỳ.

Về thu hút đầu tư, ban quản lý đã cấp mới một giấy chứng nhận đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 162 tỉ đồng, cấp điều chỉnh tăng vốn 785 triệu USD cho ba dự án FDI và 6,6 tỉ đồng cho một dự án Việt Nam. Lũy kế đến nay Khu công nghệ cao có 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với vốn đầu tư khoảng 8,4 tỉ USD.

Trong thời gian tới, ông Thi cho biết Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine. Tổ chức kiểm tra, giám sát phương án tổ chức sản xuất an toàn của các doanh nghiệp theo bộ tiêu chí an toàn.

Cùng với đó, ban quản lý cũng sẽ hướng dẫn, hỗ trợ và giám sát các doanh nghiệp thực hiện quy trình xử lý ca nhiễm phát sinh tại doanh nghiệp; giám sát việc thực hiện xét nghiệm tầm soát định kỳ.

Ngoài ra, Ban quản lý Khu công nghệ cao cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm trong việc phòng chống dịch.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thăm các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thăm các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG THÙY

Bốn điểm sáng phòng dịch của Khu công nghệ cao

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng Khu công nghệ cao TP.HCM trong giai đoạn thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 đã chấp hành tốt các hướng dẫn, quy định về phòng chống dịch. “Quan điểm của Thành ủy và UBND TP giai đoạn này là cần quan tâm, chăm sóc cho các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp có đóng góp lớn cho sự phát triển của TP.HCM” - ông Nên nói.

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM nêu ra bốn điểm sáng của Ban quản lý Khu công nghệ cao như đã quan tâm đến các nhà đầu tư chăm lo sức khỏe người lao động, đặt mục tiêu ưu tiên về sức khỏe công nhân. Theo ông Nên, việc đảm bảo chi trả 70% lương cho người lao động của Khu công nghệ cao có ý nghĩa lớn trong thời gian vừa qua. Bởi ngoài đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, điều này còn giúp người lao động an tâm ở lại TP, tạo tiền đề để khôi phục kinh tế ngay khi khôi phục các hoạt động.

Điểm sáng tiếp theo là Ban quản lý và các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao đã ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối cơ sở dữ liệu trong phòng chống dịch. Đặc biệt, đã hình thành được cơ sở cách ly tập trung cho người lao động mắc COVID-19 và từng bước hình thành mô hình, kế hoạch để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị Sở Y tế tập trung giải quyết các vấn đề ban đầu của khu cách ly tập trung người lao động mắc COVID-19. Trong đó, cần bổ sung kịp thời các loại thuốc điều trị COVID-19.

Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cần phối hợp với TP Thủ Đức kiểm soát rủi ro khi công nhân, người lao động quay lại làm việc. Với người lao động từ nơi xa về lại TP.HCM làm việc, các đơn vị cần tính toán, nắm chắc những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều để triển khai tiêm ngay cho người lao động.

Đối với vấn đề an sinh xã hội, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao cần tính toán để xây nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội. Bởi theo ông, có làm được như vậy mới ổn định cuộc sống người lao động, duy trì sản xuất.

“Nhà lưu trú công nhân theo quy hoạch lúc đầu thì khác, giờ thì khác. Đề nghị tính toán trong giai đoạn thích ứng, chúng ta sử dụng những nơi còn chưa sử dụng làm nhà lưu trú cho công nhân để họ ổn định sản xuất” - ông Nên nói.

Ngoài ra, ông Nên cũng đề nghị Khu công nghệ cao phát huy thế mạnh của mình để đóng góp nhiều hơn cho TP.HCM, đặc biệt về công nghệ. “Không thể chấp nhận chúng ta là một vựa lúa, nơi sản xuất mà không có gạo ngon ăn thì dở” - ông Nên nhấn mạnh.

TÁ LÂM

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tinh-toan-xay-nha-luu-tru-cho-cong-nhan-o-khu-cong-nghe-cao-1027178.html